Khách nội địa đang chững lại, rời bỏ "sân nhà" đi du lịch nước ngoài

Thanh Thúy

(Dân trí) - Du lịch nội địa có lúc bùng lên nhưng rồi lại xẹp xuống, có lúc rất tốt tưởng rằng sẽ bứt phá nhưng rồi lại suy giảm. Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của du khách đã hướng ra nước ngoài.

Khách nội địa rời bỏ "sân nhà", đổ xô đi du lịch nước ngoài

Phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá, du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có nhiều khởi sắc. Cụ thể, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 99 triệu lượt.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Khách nội địa sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại.

Khách nội địa đang chững lại, rời bỏ sân nhà đi du lịch nước ngoài - 1

Thị trường khách nội địa bùng lên rồi lại xẹp xuống. Niềm tin của du khách đang hướng ra du lịch nước ngoài chứ không phải trong nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhìn lại năm 2022, khi thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) còn yên ắng, thị trường nội địa đã đạt mức phục hồi vượt ngưỡng 2019. Năm 2019, Việt Nam đón 85 triệu lượt khách nội địa, năm 2022 tăng lên hơn 101 triệu lượt. 

Nếu như 18 tháng trước, du lịch nội địa được nhắc đến với vai trò là "công cụ tạo đòn bẩy" phục hồi toàn ngành du lịch, thì thời điểm hiện tại chỉ trên đà tăng trưởng đều, thậm chí ở một số địa phương, số khách nội địa còn giảm trong các dịp lễ Tết.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Việt Nam trong năm 2023 tăng mạnh. Du khách tìm đến các hội chợ du lịch để mua tour, đặt cọc trước hàng chục triệu đồng với các tour châu Âu. 

Đặc biệt, Thái Lan là điểm đến được rất nhiều khách Việt yêu thích. Xứ sở chùa vàng có nhiều nét tương đồng về địa lý, văn hóa, thậm chí, Việt Nam còn nhỉnh hơn Thái về khía cạnh thiên nhiên. Nhưng thay vì chọn Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… khách Việt lại "quay xe" chọn Phuket, Chiangmai, Bangkok…

"Cả hai dịp lễ 30/4 và 2/9 trong năm nay tôi đều đi Thái, dạng tự túc. Chi phí mỗi chuyến đi từ 7-9 triệu/người. Vé máy bay nội địa giai đoạn hè quá cao khiến tôi đổi ý, ngoài ra, năm ngoái gia đình tôi cũng đi vài điểm trong nước rồi nên năm nay chủ yếu du lịch nước ngoài", chị Lan Anh, một du khách, chia sẻ.

Tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: "Tuy lượng khách nội địa của chúng ta cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm. Quan trọng là thu từ khách nội địa giảm khá nhiều nên ở đây phải bàn kỹ hơn về du lịch nội địa".

Theo ông Bình, mở cửa sau Covid-19, du lịch bắt đầu tăng ào ào, tất cả tình trạng của cách làm du lịch cũ lại tái phát, ví dụ như: Chặt chém, tăng giá tùy tiện, chỗ đông chỗ ít.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng du lịch không như mong muốn của Chính phủ. 

"Du lịch hết COVID-19 thì những nỗ lực ấy, liên kết ấy hình như biến mất, lại quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lại tăng giá, hạ giá và lộn xộn.

Việc không triển khai khuyến mại kích cầu, giá tăng cao quá, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Tôi thấy tình trạng này phải chấn chỉnh lại", ông Bình phát biểu tại Hội nghị.

Để du lịch Việt Nam "cất cánh"

Khách nội địa đang chững lại, rời bỏ sân nhà đi du lịch nước ngoài - 2

Du lịch Việt nam cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, mang tính thách thức để biến thách thức thành cơ hội (Ảnh: Dung Dang).

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu tăng liên kết, phát huy vai trò dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ...), cũng như hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và sản phẩm độc đáo dựa trên tiềm năng, lợi thế riêng của Việt Nam.

Theo đó, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao.

Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm