Thúc đẩy hợp tác công - tư, khôi phục du lịch sau đại dịch
(Dân trí) - Để giúp du lịch Việt Nam có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy việc hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
Tại hội thảo "Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch" diễn ra sáng 31/10 tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam cho hay, việc hợp tác công tư có ý nghĩa quan trọng giúp các địa phương từng bước khôi phục ngành du lịch sau tác động nặng nề của đại dịch.
Ông Siêu dẫn chứng, Đà Nẵng - thành phố bên sông Hàn nổi tiếng thế giới với danh hiệu "Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á". Nhờ sự bắt tay cùng với các doanh nghiệp, Đà Nẵng đã thu hút lượng khách lớn qua các sự kiện, lễ hội tổ chức như: Lễ hội pháo hoa và hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo.
Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với sự xuất hiện của những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp. Điều này giúp Quảng Ninh định vị là điểm đến hiện đại, đẳng cấp đáp ứng đa dạng các nhu cầu của khách từ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hệ thống các sân golf…
Để du lịch Việt Nam tạo sức cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, ngoài việc nghiêm túc đánh giá năng lực quản lý điểm đến, theo ông Siêu cần phải đẩy mạnh hợp tác công - tư.
"Chúng ta bắt tay hợp tác như nào để giúp điểm đến cùng tỏa sáng. Trong du lịch, điểm đến là chung nhưng dịch vụ, sản phẩm là của từng doanh nghiệp. Nếu 10 người làm tốt, 1-2 người làm không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.
Trong sự hợp tác này, cơ quan nhà nước sẽ có nhiệm vụ quản lý chung, các doanh nghiệp cùng bắt tay hành động, có các sản phẩm tốt để thương hiệu du lịch của điểm đến được khẳng định, thu hút khách", ông Siêu nói.
Nói về tầm quan trọng trong hợp tác công - tư để cùng phát triển du lịch, bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group) lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Phú Quốc.
Nơi đây có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên được ví như "thiên đường du lịch". Phú Quốc cũng là điểm đến duy nhất ở Việt Nam miễn visa cho khách quốc tế.
Năm 2022 là năm Phú Quốc phát triển nóng, lượng khách tăng gần gấp 2 lần so với năm 2019. Tuy nhiên sau dịch Covid-19, từ đầu năm 2023 khách đến Phú Quốc liên tục giảm. Từ 30/4-1/5, tỷ lệ khách nội địa bay đến Phú Quốc mỗi tháng giảm khoảng 20%, thậm chí dịp 2/9 vừa qua, lượng khách giảm đến 40%.
Sau 3 năm dịch Covid-19, nhiều vị khách quốc tế khi đến Việt Nam quan tâm đến Nha Trang, Đà Nẵng mà gần như "bỏ quên" Phú Quốc. Bà Nguyện thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân là do công tác quảng bá xúc tiến du lịch ở Phú Quốc chưa tốt, chưa hiệu quả. Ngoài ra, Phú Quốc cũng đang gặp nhiều vấn đề trong công tác quản lý điểm đến.
"Nhiều khách so sánh mức phí đi du lịch Phú Quốc với Singapore. Thời gian qua báo chí phản ánh, có hiện tượng "chặt chém" ở Phú Quốc, ô nhiễm môi trường, giao thông công cộng… chưa được giải quyết tốt ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách", bà Nguyện nói.
Theo bà Nguyện, để giải quyết câu chuyện của Phú Quốc chính quyền địa phương phải vào cuộc, doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức. Phú Quốc có thể học tập câu chuyện, cách làm của một số điểm đến như Sầm Sơn, Đà Nẵng… trong việc dẹp nạn "chặt chém", xử lý vấn đề môi trường, giao thông.
Bà Nguyện cũng đề xuất, ngoài việc Phú Quốc nên thành lập một tổ công tác đặc biệt, có số điện thoại nóng để kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vấn đề du khách gặp phải khi du lịch thì cần phải có thêm sự giám sát của các Bộ ban ngành liên quan như Bộ Văn hóa hoặc Cục du lịch.
"Giải quyết được câu chuyện của Phú Quốc, chúng ta mới có thể giải quyết câu chuyện của du lịch Việt Nam", bà Nguyện thẳng thắn.
Ông Wong Soon-hwa, thành viên Ban điều hành PATA, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý du lịch Singapore cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.
Gợi ý các giải pháp để thu hút khách, ông nhấn mạnh, Việt Nam cần nâng cao công tác quản lý và phát triển điểm đến như kết nối hàng không; tổ chức các sự kiện lớn hàng năm; sự hỗ trợ từ Chính phủ trong công tác định hướng, hướng dẫn; kế hoạch cụ thể về xúc tiến quảng bá cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch.
Ông Wong cũng đề xuất Việt Nam có thể tập trung phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như MICE, du lịch sinh thái…
Trong khi đó, bà Widya Listyowulan, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công Traveloka cho rằng, việc sử dụng các nền tảng du lịch thông minh có thể giải quyết được các câu chuyện bất cập trong quản lý điểm đến.
Chỉ cần một cú chạm, khách có thể có tất cả các thông tin về điểm đến: Từ các nhận xét, đánh giá của các du khách đã trải nghiệm trước đó; tìm được những gợi ý, ý tưởng du lịch; so sánh giá cả ở các nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ dưỡng... đồng thời cũng sẽ tìm kiếm được những ưu đãi tốt nhất cho chuyến đi. Điều này sẽ giúp khách tránh được những trải nghiệm không tốt khi đi du lịch.
"Sau dịch xu hướng du lịch của khách có nhiều thay đổi, khách yêu thích du lịch thông minh. Họ mong muốn có thể ngồi một chỗ, tìm hiểu mọi thứ chỉ bằng một cú chạm, khám phá du lịch và so sánh với nhiều điểm đến khác nhau.
Thời gian qua, Traveloka cũng đã hợp tác với nhiều địa phương ở Việt Nam trong việc thúc đẩy du lịch, thu hút lượng khách đến. Chúng tôi cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực... Chúng tôi cũng rất hy vọng có thể mang đến những giải pháp giúp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển", bà Widya Listyowulan nói.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) và Traveloka. MOU này thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác công - tư, và cam kết chung lâu dài nhằm thúc đẩy tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.