Kéo khách trở lại Phú Quốc: Cần dẹp chặt chém, hạ giá vé máy bay!
(Dân trí) - Có lẽ chưa năm nào Phú Quốc - hòn đảo được mệnh danh là Maldives của Việt Nam - lại "đìu hiu" ở những thời điểm được xem là mùa cao điểm du lịch như năm nay.
Mùa thất bát của du lịch Phú Quốc
Đến thời điểm này, năm 2023 có thể được xem là một năm thất bát của ngành du lịch Phú Quốc khi lượng khách đến liên tục giảm. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, khi các điểm đến thi nhau bùng nổ lượng khách thì Phú Quốc lại đìu hiu, vắng vẻ.
Theo thống kê, trong 5 ngày nghỉ dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ.
Ngay trong dịp lễ 2/9 vừa qua, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm kỷ lục trong lịch sử đảo này.
Hàng loạt nhà hàng, bãi biển, khu du lịch, dịch vụ ca nô vốn nổi tiếng ở khu vực nam đảo Phú Quốc, thị trấn Dương Đông, An Thới đều đìu hiu thưa vắng khách; khách sạn, resort cao cấp lẫn bình dân công suất phòng khai thác chỉ đạt 20 - 30%.
Thậm chí, có nhà hàng cho biết lượng khách đến dịp lễ 2/9 giảm khoảng 70% so với năm trước.
"Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023 đến nay, không chỉ VietSense Travel mà hầu hết các doanh nghiệp du lịch, và cả ngành kinh tế xanh đều thấy rất rõ điều đó.
Bức tranh khách du lịch đến Phú Quốc từ đó đến nay tụt dốc không phanh, rất ảm đạm, nếu không muốn nói là thê thảm. Năm nay, lượng khách đi tour Phú Quốc qua Tiên Phong Travel ước tính giảm tới 80% so với mọi năm.
Mùa hè vừa qua, rất nhiều đoàn khách muốn đi Phú Quốc nhưng khi chúng tôi đưa ra bảng giá thì họ lại chọn điểm đến khác vì giá tour quá cao", CEO Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh chia sẻ.
So với nhiều điểm đến khác trong nước, Phú Quốc là một điểm đến hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả để phát triển du lịch, từ khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, cho đến hạ tầng giao thông, chính sách miễn visa cho khách quốc tế, hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng đồng bộ với đầy đủ cơ sở từ 3 sao đến 5 sao, hội tụ những thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, với sự góp mặt và đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn lớn giúp Phú Quốc những năm gần đây được đầu tư hệ thống sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng bài bản, đẳng cấp và chuyên nghiệp.
Vì thế, việc Phú Quốc đột nhiên lâm vào tình cảnh "ế khách" trở thành câu chuyện đáng chú ý của ngành du lịch.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng đáng buồn này của Phú Quốc, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là giá cả dịch vụ tăng cao, đặc biệt là vé máy bay.
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, chỉ riêng giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng đi Phú Quốc và ngược lại, dao động trong khoảng 6,5 đến 14 triệu đồng.
Trong khi đó, với khoảng chi phí như vậy hoặc thấp hơn, tại cùng thời điểm, du khách đã có thể đăng ký một tour du lịch nước ngoài đi Đài Loan (Trung Quốc), hoặc Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc 4-5 ngày, trọn gói: Vé máy bay, lưu trú, đi lại, ăn uống, giải trí…
Mùa cao điểm hè và dịp 2/9 cũng tương tự như vậy. Giá vé quá cao khiến cho đa số du khách quay lưng, chọn điểm đến khác thay vì Phú Quốc.
Bên cạnh đó, Phú Quốc thời gian gần đây vẫn chưa làm tốt công tác quản lý điểm đến, dẫn đến tồn tại các vấn đề như: Giá cả chặt chém, chèo kéo du khách, rác thải trên biển, thiếu dịch vụ công cộng… khiến du khách không còn mặn mà.
Du lịch Phú Quốc cần có một "nhạc trưởng"
Phú Quốc có lẽ là một câu chuyện điển hình cho thấy việc thiếu liên kết giữa các bên làm dịch vụ khiến du lịch không thể phát triển. Bàn về vấn đề này, CEO Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho rằng, Phú Quốc sắp bước vào mùa du lịch với thời tiết đẹp nhất trong năm.
Vì thế, chính quyền địa phương cần phải làm việc với các hãng hàng không có chuyến bay đến đây và các nhà cung ứng dịch vụ du lịch tại Phú Quốc gồm nhà hàng, lưu trú, khu vui chơi giải trí, vận chuyển,… để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm hạ giá vé máy bay cho phù hợp và có một mức giá tour trọn gói hợp lý, đủ sức hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, chính quyền Phú Quốc cũng cần phải kiểm tra, kiểm soát, xem xét lại điều kiện kinh doanh của tất cả các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch tại đây để đảm bảo an toàn cho du khách.
"Chính quyền địa phương đóng vai trò như một "nhạc trưởng" kiêm "tổng chỉ huy" quản lý điểm đến vô cùng quan trọng. Vì thế, cùng với những chính sách để điều tiết giá dịch vụ, chính quyền địa phương còn cần đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, kiểm soát để đảm bảo môi trường đầu tư, hoạt động kinh doanh lành mạnh", ông Khánh cho hay.
Đồng ý với quan điểm này, CEO Wondertour Lê Công Năng cho rằng, để phục hồi du lịch, Phú Quốc cần khắc phục ngay những hạn chế về môi trường du lịch, cách thức truyền thông, dịch vụ du lịch.
"Trong giai đoạn khách quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, Phú Quốc nên tập trung vào thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách nội địa.
Về lâu dài, cần một "nhạc trưởng" có thể cân được "lợi ích" từ các nhà cung cấp dịch vụ vé máy bay, nhà hàng, lưu trú, điểm tham quan… để tạo ra tour du lịch trọn gói với chi phí hợp lý, cạnh tranh", ông Lê Công Năng bày tỏ.
Đại diện cho Tập đoàn Sun Group, bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World cho biết, tập đoàn này sẵn sàng đồng hành cùng địa phương và chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp khác để cùng tạo nên các chuỗi sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hấp dẫn để thu hút khách, từ đó xây dựng Phú Quốc trở thành điểm đến phát triển bền vững.
"Nếu chỉ 1-2 doanh nghiệp bắt tay nhau thì không thể tạo nên sức mạnh để cạnh tranh hay tạo nên thương hiệu riêng cho Phú Quốc được.
Chúng tôi cho rằng tất cả các bên, từ chính quyền địa phương, hiệp hội du lịch, các hãng hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch… đều có trách nhiệm đồng hành, đóng góp, chia sẻ lợi nhuận để xây dựng hình ảnh đẹp cho Phú Quốc. Nếu khách tiếp tục không đến thì tất cả đều bị thiệt hại", bà Nguyện thẳng thắn.
Bên cạnh đó, câu chuyện truyền thông quảng bá, marketing điểm đến cũng là một điểm yếu của Phú Quốc hiện nay.
Kể từ sau dịch Covid-19, trong khi hầu hết các điểm đến nổi bật trong nước và quốc tế đều tích cực nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch, thì tên tuổi Phú Quốc gần như vắng bóng trên hầu hết các diễn đàn du lịch.
Du khách quốc tế hiện nay không có nhiều thông tin về đảo Ngọc, chưa nói đến việc cập nhật những thông tin về các sản phẩm mới mẻ của điểm đến này. "Nhiều du khách châu Âu đến Phú Quốc đã rất bất ngờ, ngỡ ngàng vì Phú Quốc có quá nhiều điểm đến đẹp, sản phẩm chất lượng, nhưng họ không hề được biết đến trước đó.
Có thể nói thông tin về Phú Quốc hiện nay gần như vắng bóng trên thị trường quốc tế, đây là điều vô cùng đáng tiếc", bà Nguyện cho hay.