Quảng Nam:

Kết nối các điểm du lịch nông thôn, tạo các tour tuyến mới để hút khách

Công Bính

(Dân trí) - Quảng Nam có nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Mỹ Sơn, Hội An, Cù Lao Chàm… Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn là tiềm năng để phát triển thêm các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách.

Ngày 15/12, Sở VH-TT&DL Quảng Nam tổ chức tọa đàm tham vấn xây dựng chương trình du lịch kết nối các điểm du lịch nông thôn Quảng Nam.

Kết nối các điểm du lịch nông thôn, tạo các tour tuyến mới để hút khách - 1

Ngày 15/12, Sở VH-TT&DL Quảng Nam tổ chức tọa đàm tham vấn xây dựng chương trình du lịch kết nối các điểm du lịch nông thôn Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là 2 trong các đại diện nổi bật nhất của du lịch Quảng Nam và của Việt Nam, là những điểm đến khó có thể bỏ qua trong hành trình du lịch của du khách tại Việt Nam.

Trong khi Mỹ Sơn đã và đang thu hút ổn định lượng khách du lịch quốc tế thì liên tiếp những năm gần đây, đô thị cổ Hội An đã được các tổ chức du lịch uy tín trên thế giới lựa chọn là điểm du lịch văn hóa hàng đầu trong khu vực.

Ngày 31/10, UNESCO đã kết nạp Hội An trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của Tổ chức trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Kết nối các điểm du lịch nông thôn, tạo các tour tuyến mới để hút khách - 2

Du khách checkin điểm du lịch lò gạch cũ, huyện Duy Xuyên (Ảnh: Công Bính).

Đây có thể được xem là cơ hội để có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn làm vệ tinh, bổ sung cho các điểm đến du lịch chính của Quảng Nam.

Tận dụng lò gạch cũ bỏ hoang tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, bà Lê Thị Thanh Nga xin phép chính quyền cải tạo lại lò gạch cũ này thành điểm đến với những nét thú vị riêng. Lò gạch cũ chỉ là "cái cớ", từ đó bà phát triển thêm các sản phẩm khác của địa phương để thu hút khách.

Bà Nga kết hợp với bà con nông dân cải tạo đồng lúa, tổ chức sản xuất gạo tím than, tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là điểm thu hút du khách đến check-in, thư giãn trong vài năm qua của vùng quê Quảng Nam.

Tại làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An), ngoài nghề mộc nổi tiếng còn có nhiều cơ sở làm nghề truyền thống khác như dệt chiếu, đan thuyền thúng. Nghề này hiện chỉ còn vài hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ.

Theo hướng dẫn viên, để đan một chiếc chiếu 2 lao động mất 1-2 ngày, chiếc chiếu bán với giá 450 nghìn đồng, công cán người dệt không được bao nhiêu. Nhờ có du lịch, người dệt chiếu có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn cho khách trải nghiệm.

Kết nối các điểm du lịch nông thôn, tạo các tour tuyến mới để hút khách - 3

Du khách trải nghiệm dệt chiếu tại làng Kim Bồng, TP Hội An (Ảnh: Công Bính).

Du khách muốn trải nghiệm, người dệt chiếu sẽ hướng dẫn và thu 15.000-20.000 đồng tiền công một khách. Nếu mỗi ngày được 10-20 khách thì người làm nghề dệt chiếu cũng có thu nhập, từ đó người dân yên tâm giữ nghề không bị mai một.

Tại cơ sở đan thuyền thúng của ông Sáu ở làng mộc Kim Bồng hiện cũng chỉ có mỗi mình ông giữ nghề. Ông Sáu cho hay con cháu ông không ai theo nghề của ông vì sản phẩm làm ra giá quá rẻ, thị trường không chuộng nên bán không được. Thị trường chỉ ưa chuộng thuyền thúng bằng nhựa.

Theo ông Sáu, giá một chiếc thuyền thúng rộng 1,8m trước đây giá 3 triệu đồng, hiện giá chỉ 2,2 triệu đồng. Ông đan một chiếc mất 5-7 ngày nhưng bán không được nên địa chỉ đan thuyền thúng của ông hiện trở thành điểm tham quan của du khách. Ông đan những chiếc thuyền thúng "mi ni" bán cho khách làm quà lưu niệm.

Kết nối các điểm du lịch nông thôn, tạo các tour tuyến mới để hút khách - 4

Ông Sáu trình diễn đan thuyền thúng (Ảnh: Công Bính).

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam - cho hay cùng với định hướng của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp và ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn.

Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau và được du khách trong nước và nước ngoài đón nhận như làng gốm Thanh Hà, làng du lịch cộng đồng Cẩm Kim, làng củi lũ (Hội An), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), điểm du lịch lò gạch cũ (Duy Xuyên)...

"Những điểm du lịch này làm đa dạng sản phẩm du lịch Quảng Nam, góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; phát triển du lịch khu vực nông thôn cũng góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có phát triển du lịch", ông Văn Bá Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam thời gian qua vẫn chưa thật sự có chiều sâu. Phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức… Đây là những rào cản cần tháo gỡ để du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam phát triển.