Hành trình không tưởng đi 34 nước trong một năm du học của chàng trai Việt
(Dân trí) - Trong một năm du học, Nguyễn Tùng Sơn (29 tuổi) đã du lịch 34 quốc gia, nâng tổng số nước anh từng đến lên 46.
Nhận được học bổng toàn phần Chevening ở Anh, Tùng Sơn tiếp nối hành trình học tập bằng chương trình học Thạc sĩ Đầu tư - Tài chính tại Đại học Queen Mary London.
Chia sẻ lý do du lịch nhiều nơi trong thời gian du học, Sơn nói: "Đi nhiều nơi, tôi được tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người, học hỏi thêm về lịch sử, văn hóa, phong tục của từng nơi. Trải nghiệm này giúp tôi mở rộng thế giới quan, nhìn ra những cơ hội mới, phát hiện những giới hạn và biết chấp nhận những sự thật trần trụi".
Hành trình không tưởng
Tháng 11/2021, Sơn nộp visa Schengen và được cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần, có hiệu lực trong 6 tháng. Lúc đó, anh quyết định sẽ tận dụng thị thực này hết mức có thể để bắt đầu một hành trình không tưởng.
Xuất phát từ Vương quốc Anh, Sơn đi qua 15 thành phố, thị trấn khác nhau với mục đích tìm hiểu văn hóa từng nơi.
Sau đó anh chia nhỏ nhiều đợt, đi theo cụm các nước cùng khu vực. Đợt đầu, anh đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Vatican vào tháng 12/2021. Một năm sau, anh lần lượt đặt chân tới Bắc Âu (tháng 1), Tây Âu (tháng 3 và 4).
Càng đi, chàng trai Việt Nam càng thấy thú vị. Anh quyết định đăng ký thị thực Schengen thêm 6 tháng để tiếp tục hành trình. Điểm kết thúc là cụm các quốc gia vùng Balkan vào tháng 1/2023.
Chia sẻ về hành trình không tưởng của mình, Tùng Sơn cho biết vừa du lịch vừa học toàn thời gian, nỗ lực đạt bằng tốt nghiệp xuất sắc, đồng thời hoàn thành chương trình thực tập, là một việc khó tưởng tượng.
"Tôi không nghĩ mình đã làm được. Thật là một trải nghiệm điên rồ, nhưng đáng trân trọng", anh nói.
Đi qua nhiều quốc gia nhưng Sơn nói không chỉ check-in qua loa mà sắp xếp, lên kỹ lịch trình với mong muốn trải nghiệm trọn vẹn nhất.
"Nếu có các chuyến bay du lịch từng cụm ở châu Âu, tôi sắp xếp những tuần được nghỉ để ôn thi giữa kỳ, ôn thi cuối kỳ, những tuần nghỉ sau thi, nghỉ lễ tại Anh, hay nghỉ làm khóa luận để có thể du lịch. Tôi cố gắng sắp xếp bài vở thật khoa học để không phải học khi đi du lịch.
Đối với các thành phố, thị trấn của Anh, tôi sẽ dành khám phá vào cuối tuần, rồi quay về để tiếp tục lịch học tuần kế tiếp", Sơn kể.
Nói về chi phí cho chuyến đi này, Sơn cho biết mỗi tháng dành ra một phần tiền từ học bổng và khoản tiết kiệm riêng, khoảng 100 triệu đồng. Theo anh, các chi phí đi lại, ăn uống tại các nước cũng không quá đắt đỏ. Về vé tham quan, anh tìm loại tiết kiệm nhất có thể.
Chàng trai sử dụng ứng dụng CouchSurfing (chia sẻ nhà với khách du lịch) để xin ở nhờ nhà người bản địa. Việc này giúp anh tiết kiệm chi phí, tăng cơ hội trải nghiệm văn hóa một cách chân thật nhất. Sau các chuyến đi, 58 người cho Sơn ở nhờ đã để lại những đánh giá tốt về anh trên ứng dụng này.
Trải nghiệm độc đáo
Không lựa chọn du lịch theo xu hướng mà Sơn cố gắng đi nhiều nhất có thể bởi anh cho rằng mọi trải nghiệm đều đáng quý.
Ví dụ, Luxembourg là một đất nước châu Âu nhỏ bé mà không nhiều người lựa chọn khám phá. Tuy nhiên, Sơn đã đến đây, nhận ra quốc gia này thật thú vị, bởi là nơi đặt trụ sở của rất nhiều cơ quan trong liên minh châu Âu, các tập đoàn tài chính lớn. Nhiều người Pháp, Đức, Italy đến đây làm việc vào mỗi sáng, rồi trở về biên giới vào buổi chiều.
Với Sơn, mỗi chuyến đi là một hành trình trải nghiệm và học hỏi. Có rất nhiều kỷ niệm tại các quốc gia châu Âu mà anh không thể nào quên.
Trong lần qua hai quốc gia láng giềng Thụy Sĩ và Liechtenstein, do không tìm được người hỗ trợ ở Liechtenstein, Sơn đã quay lại Thụy Sĩ. Người dân làng Buchs gần biên giới tỏ ra kinh ngạc khi trông thấy anh - một người châu Á đến xin ở nhờ.
Trùng hợp hôm đó ở Buchs diễn ra lễ hội bia mà chủ nhà của Sơn đứng ra tổ chức. Hòa mình vào không khí lễ hội, anh nhận ra người dân thôn quê Thụy Sĩ thật thà và chất phác.
Chia sẻ về trải nghiệm tắm hơi ở Phần Lan, Sơn nói: "Người Phần Lan chọn tắm hơi để trò chuyện với bạn bè. Khi không còn 'lớp giáp bảo vệ' là quần áo, thư giãn trong hơi nóng dễ chịu, con người không còn phòng bị và trở nên chân thật với chính bản thân. Những lúc ấy, người Phần Lan cho rằng mỗi người không còn phán xét người đối diện và dễ mở lòng hơn".
Còn ở Anh, Sơn có khoảng thời gian trải nghiệm vô cùng quý báu về các loại hình nghệ thuật như: nhạc kịch, opera, ballet, BBC Proms (lễ hội âm nhạc cổ điển lớn nhất thế giới), Edinburgh Fringe (lễ hội nghệ thuật biểu diễn lớn nhất thế giới),…
Sơn và bạn bè vẫn hay nói đùa với nhau rằng ở Anh thì các loại hình phục vụ cho đời sống tinh thần không thiếu, chỉ... thiếu tiền để chơi thôi.
Theo Sơn, du học sinh ngoài việc học tập thì nên có những chuyến khám phá những thành phố, thị trấn hoặc đến những quốc gia lân cận. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và chương trình học của mỗi người để có kế hoạch di chuyển phù hợp.
"Điểm quan trọng nhất là càng đi, tư duy của tôi ngày càng rộng mở. Tôi tiếp thu tốt hơn và tôn trọng sự khác biệt, rèn luyện đức tính khiêm tốn và luôn cố gắng học hỏi không ngừng. Đúng như tôi tâm niệm: 'Nếu chúng ta càng có nhiều thông tin, chúng ta sẽ dễ đưa ra những quyết định sáng suốt nhất cho từng thời điểm'", Sơn chia sẻ.