Gọi mèn mén là cám lợn: Ứng xử thế nào với món ăn lạ, khác biệt văn hóa?

Thúy Thanh

(Dân trí) - Việc dùng những từ ngữ chê bai như kinh khủng, man rợ… hoặc so sánh với món này, món kia khi nói về một món ăn lạ là cách hành xử thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết khi đi du lịch đến một vùng đất mới.

Sự việc nữ doanh nhân Hoàng Hường gọi món ăn mèn mén của người Mông là "cám lợn" không chỉ gây phẫn nộ cho cộng đồng mạng mà còn khiến nhiều chuyên gia văn hóa, ẩm thực cảm thấy bất bình. 

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng bày tỏ: "Khi đọc thông tin đó tôi giật mình, tại sao một người mang danh là doanh nhân lại có thể buông ra những lời như thế. Dù xét trên phương diện nào cũng là không chấp nhận được". 

Gọi mèn mén là cám lợn: Ứng xử thế nào với món ăn lạ, khác biệt văn hóa? - 1

Việc ví mèn mén như cám lợn của nữ doanh nhân khiến cộng đồng mạng dậy sóng (Ảnh chụp màn hình).

Theo tiến sĩ Hồng, mỗi món ăn là đại diện của nền văn hóa ẩm thực của địa phương. Khi nhắc đến ẩm thực, chúng ta luôn ưu tiên yếu tố hợp khẩu vị, phải hợp khẩu thì người thưởng thức mới thấy ngon miệng.

Tuy nhiên, để đánh giá thế nào là hợp hay không thì không có quy chuẩn nào nhất định, tùy thuộc vào quan điểm cá nhân, lối sống của vùng miền hay của những tộc người khác nhau. 

Việt Nam có nhiều món ăn độc đáo như tiết canh, thịt chó, trứng vịt lộn, thắng cố, mèn mén, đuông dừa, mắt cá ngừ hay mực sống ngâm nước mắm… đây được coi là đặc sản nhưng cũng là những món ăn kén người thưởng thức.

Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Ví dụ như món ăn mèn mén, nếu hiểu về đời sống của người Mông sẽ biết mèn mén tuy chỉ được làm từ bột ngô tẻ nhưng đã nuôi sống cả một tộc người. Món ăn này không chỉ có giá trị về dinh dưỡng mà còn mang giá trị văn hóa.

"Tôi đã từng ăn mèn mén rất nhiều lần ở Hà Giang, Lào Cai, cá nhân tôi rất yêu thích món này. Mèn mén phải ăn chậm, nhai kỹ mới cảm nhận được vị bùi của bột ngô. Nếu ăn tại chỗ được ngắm nhìn khung cảnh núi rừng sẽ rất tuyệt. Tuy nhiên, tôi hiểu không phải ai cũng thích món ăn này hay rất nhiều những loại đặc sản khác, nhưng chúng ta cần có một thái độ ứng xử chuẩn mực", Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho biết.

Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Việc dùng những từ ngữ chê bai như kinh khủng, man rợ… hoặc so sánh với món này, món kia khi nói về một món ăn lạ là cách hành xử thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết.

Thay vào đó, chúng ta có thể từ chối những món ăn không phù hợp với mình một cách lịch sự. Đón nhận món ăn với tâm thế thấu hiểu, cởi mở, biết được giá trị của món ăn với người dân địa phương. Học cách tôn trọng sở thích của bản thân nhưng cũng không quên tôn trọng thói quen, sở thích của người khác. 

"Sự đánh giá tức thời là con đường ngắn nhất dẫn đến một mối quan hệ đổ vỡ, gây tổn thương cho người khác. Vô hình chung biến mình trở thành người không được tôn trọng", tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên ẩm thực Việt Nam được nâng tầm thành "văn hóa ẩm thực". Hai chữ "văn hóa" ở đây không chỉ bao hàm nghệ thuật nấu nướng, thưởng thức món ăn mà còn là cách ứng xử với người tạo ra món ăn. 

Khi văn hóa ẩm thực được xác định là một trong những yếu tố chủ chốt để phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì việc nâng cao hiểu biết về văn hóa giao tiếp càng trở nên quan trọng.

Trước đó, tháng 2/2023, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ gọi "mèn mén là cám lợn" ngay trong bữa cơm gia đình của người Mông ở Hà Giang. Dư luận bức xúc và phẫn nộ với cách gọi này, bởi mèn mén vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mông. 

Theo tìm hiểu, người phát ngôn trong video là bà Hoàng Thị Hường, hay còn gọi là Hoàng Hường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường.

Bà Hường được nhiều người biết đến khi livestream quảng cáo thuốc trị xương khớp, nước súc miệng... Trước đó, ngày 13/4/2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 65 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường về lỗi vi phạm khi quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Ngày 21/3, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của công dân Thào Thị M. (trú xóm Chúng Pả A, xã Phó Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) về việc bà Hoàng Hường lên mạng xã hội xúc phạm người dân Hà Giang. 

Ngoài việc tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh về việc bà Hoàng Hường gọi người kinh doanh dịch vụ ở Dốc Thẩm Mã là "những người ăn xin", thì cơ quan công an cũng đã tiếp nhận thông tin để xác minh về việc Hoàng Hường gọi mèn mén là cám lợn, là món ăn "giải nghiệp".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm