Độc chiêu giúp bà chủ quán bún ốc Hà Nội bán 500 bát/ngày
(Dân trí) - Để có bát bún ốc ngon chuẩn vị, chị Lượng sử dụng ốc mít nhập từ các tỉnh phía nam. Ốc được vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay để tươi, ngon nhất.
Bên cạnh phở bò, bún thang, bún đậu... bún ốc cũng là món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở Hà Nội, thu hút thực khách gần xa thưởng thức.
Đúng như tên gọi, bún ốc được kết hợp từ các nguyên liệu chính gồm bún và ốc, ngoài ra còn có gạch cua béo ngậy, đậu rán, hành lá, tía tô, cà chua...
Nằm sâu trong con ngõ 12, phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) có một quán bún riêu gia truyền, giữ hương vị nước dùng mộc mạc nhưng nhiều năm nay vẫn được lòng thực khách.
Chủ quán là chị Lượng, là đời thứ 3 trong gia đình bán bún ốc. Trước đây mẹ chị Lượng bán bún riêu gánh, rong ruổi khắp phố cổ Hà Nội. Mãi sau này, bà mới mở cửa hàng. Khi có tuổi, bà truyền nghề cho con.
Vốn là người yêu thích nấu ăn, nhưng bán bún ốc phải sớm tối vất vả nên có thời gian chị Lượng nghỉ hẳn, định bỏ nghề gia truyền. Khoảng 6 năm trở lại đây, quá nhớ hương vị của mẹ, chị mở bán bún ốc trở lại ở phố Đào Tấn.
"Khi tôi nghỉ, rất nhiều khách quen gọi điện hỏi bao giờ bán lại, hỏi thăm lí do ngừng bán. Họ kêu nhớ vị bún ốc nhà tôi khiến tôi không nỡ bỏ nghề", chị Lượng kể.
Một tô bún ốc ở đây có đầy đủ ốc, riêu, đậu rán, thịt bò chần, trứng vịt lộn, giò. Nhưng nhiều người tìm tới quán lại ưa thích món bún riêu cua "nguyên bản", không có quá nhiều đồ ăn kèm.
Chị Lượng cho biết: "Quán bún ốc của nhà tôi không có bí quyết gì cả, chỉ là làm cho khách như làm cho nhà ăn. Mọi nguyên liệu như ốc, thịt bò, giò... đều là lấy đồ tươi ngon nhất, về sơ chế là bán luôn.
Quan trọng nhất, ốc phải làm từ loại ốc mít tươi, tuyệt đối không dùng hàng đông lạnh. Nếu dùng hàng đông lạnh ốc sẽ không ngọt, mất mùi thơm đặc trưng", chủ quán chia sẻ.
Theo chị Lượng, ốc mít quán sử dụng chủ yếu nhập từ các tỉnh phía nam. "Ốc được vận chuyển đường hàng không để cho con ốc tươi, khỏe, không bị chết", chủ quán cho hay.
Ốc được sơ chế sạch sẽ nên khi ăn sẽ không có cát, sạn hay bị nhớt.
Vào những ngày cao điểm, quán bún ốc của chị Lượng luôn kín chỗ và có thể phục vụ hơn 500 bát. Quán mở cửa từ 6h đến tối.
Theo chị Lượng, nồi nước dùng của quán, ngoài phần cua còn có xương lợn, cà chua, giấm bỗng. Phần giấm thanh, nêm nếm sao cho độ chua vừa đủ, không quá gắt.
Đậu chỉ rán vừa tới để mềm, xốp, không bị khô. "Hành khô thì mình tự phi sẽ thơm ngon hơn hàng làm công nghiệp", chị Lượng cho hay.
Giá mỗi bát bún ốc dao động từ 35.000 đến 65.000 đồng. Quán bún riêu của chị Lượng chủ yếu phục vụ khách quen và bán online trên các ứng dụng công nghệ. Buổi trưa là lúc hàng bún ốc chị Lượng đông nhất, khách ăn tại chỗ và mua về đứng kín.
"Quán bún ốc nhà tôi chuẩn vị ngọt thanh, vừa miệng, màu nước dùng trong, đậu thì bùi béo hơn nhiều nơi. Ốc to hay nhỏ thì đều tươi, ngọt thịt", chị Lượng chia sẻ.
Anh Quân làm việc ở TPHCM nhưng mỗi lần ra Hà Nội công tác đều đến quán này ăn bún ốc. "Tôi thích nước dùng ngọt thanh, chua nhẹ, thơm mùi giấm bỗng ở đây. Ốc béo, giòn sần sật, ăn hấp dẫn lắm", anh Quân cho hay.