Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính và xu hướng "không tiếp trẻ em"

Minh Nhân

(Dân trí) - H. (24 tuổi, Hà Nội) học bài tại một quán cà phê nhưng không may bị một bé trai làm đổ nước vào máy tính. Phụ huynh bé cho rằng "Trẻ con không biết gì", từ chối chịu toàn bộ trách nhiệm.

Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước hỏng máy tính đắt tiền

L.H., 24 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tối 11/12 học bài tại một quán cà phê trên phố Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). H. cho biết bé trai hơn một tuổi đã chạy đến nghịch ngợm, vô tình làm đổ cốc nước còn khoảng 70-80% vào bàn phím máy tính của cô.

"Mẹ bé xin lỗi, lịch sự đưa tôi số điện thoại, dặn kiểm tra máy tính nếu có vấn đề thì liên hệ lại", H. nói với PV Dân trí.

Sau đó, cô đến 3 cửa hàng sửa chữa máy tính, đều được thông báo: "Máy bị ngập nước, dấu hiệu chập main (bảng mạch chính)". Cô đã nhắn tin và gửi video buổi làm việc với cửa hàng cho bố mẹ bé trai, nhưng chỉ được phản hồi: "Sự cố xảy ra không ai mong muốn. Một đứa trẻ hơn một tuổi chạm vào cốc nước của em. Do em không nhanh tay đỡ được nên mới đổ vào máy! Bé nhà chị cũng không hề ý thức và cố ý em nhé! Chị đã rất trách nhiệm bảo sẽ gửi phí sấy cho em". 

Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính và xu hướng không tiếp trẻ em - 1

L.H. đăng bài lên mạng xã hội sau việc bị bé trai làm đổ nước vào bàn phím máy tính. (Ảnh chụp màn hình).

H. cho hay gia đình bé trai chỉ đồng ý trả tiền sấy máy là 150.000 đồng, một lần nữa cho rằng: "Trẻ con không biết gì, nó làm đổ vào là không may. Việc của em là bảo quản máy, không bảo quản được là lỗi do em. Anh chị sẽ không đền máy cho em".

"Sau đó, tôi liên tục gọi điện và nhắn tin, nhưng họ không nghe máy", H. nói đã nhờ quán cà phê trích xuất camera để làm rõ vụ việc. 

Hôm sau, phát hiện máy tính không mở được loa, H. tiếp tục mang ra cửa hàng kiểm tra, thì được biết "main bị chập, có nguy cơ hỏng luôn, chi phí sửa chữa là 8 - 9 triệu đồng". 

"Đến hiện tại thì tôi không thể liên lạc được với phụ huynh bé trai", cô gái bức xúc, sau đó đã đăng bài lên các trang mạng xã hội. Cô mong rằng người lớn nếu mang theo trẻ nhỏ đến nơi công cộng thì phải có trách nhiệm trông giữ, tránh ảnh hưởng những người xung quanh. 

Trước đó, một quán cà phê ở Đà Nẵng gây tranh cãi khi ra thông báo "không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi". 

Trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Đình Tín (đại diện quán) cho biết sau một thời gian hoạt động tiếp đón gia đình có con nhỏ, quán nhận thấy nhiều trẻ đuổi bắt, la hét, dẫm đạp lên cây cối, cầm đá chọi nhau và đã từng trúng khách. 

Quán nhấn mạnh không có không gian vui chơi dành cho trẻ em, đã nhắc nhở phụ huynh, cũng từng khuyến cáo người lớn hãy trông chừng trẻ em, nhưng dường như đều bị phớt lờ. 

Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính và xu hướng không tiếp trẻ em - 2

Một quán cà phê ở Đà Nẵng "không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi". (Ảnh: Hoài Sơn).

Chủ quán cần xác định "khách hàng của mình là ai" và "không phải là ai"

Dưới góc nhìn là một người kinh doanh trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), anh Nguyễn Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home, nhận định việc quán cà phê ở Đà Nẵng đưa ra thông báo "không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi" là hết sức bình thường.

Trong kinh doanh, việc xác định "khách hàng của mình là ai" và "không là ai" là điều rất cơ bản đối với một chủ quán F&B. 

"Theo tôi, chủ quán cà phê không sai. Nhưng thông điệp đưa ra có giọng văn hơi mạnh đã khiến một số người lớn phản ứng", anh nói. 

Anh Nguyễn Hoàng Tùng cho hay, "no kids zone" (Tạm dịch: khu vực hạn chế trẻ em) là một xu hướng văn minh, tôn trọng khách hàng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. 

Một số quán cà phê/nhà hàng tập trung vào tệp khách văn phòng, doanh nhân - là những người cần sự thư giãn, không gian tĩnh lặng… Do đó, nếu xuất hiện tệp khách hàng khác gây ồn ào, trẻ em cười nói, chạy đùa thì quán sẽ bị ảnh hưởng doanh thu, những khách hàng còn lại cũng bị ảnh hưởng về trải nghiệm tại quán. 

"Việc một số người đòi tẩy chay quán cà phê không tiếp trẻ em là hành vi thái quá. Hãy đặt mình vào vị trí của chủ quán và của cả những khách hàng khác. Chúng ta luôn có khả năng lựa chọn. Khi đi với trẻ em, hãy đến các quán có không gian cho trẻ em. Đó là một phần của ứng xử văn minh", anh Nguyễn Hoàng Tùng nói.

Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính và xu hướng không tiếp trẻ em - 3

"No Kids Zone" - "Khu vực không dành cho trẻ em", một khái niệm còn tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện từ lâu tại nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Hàn Quốc. (Ảnh: Knowing Korea).

Trên thực tế, chuỗi Pizza Home phục vụ tất cả các lứa tuổi, không yêu cầu đặc biệt về độ tuổi hay không tiếp trẻ em. Tuy nhiên, quán yêu cầu khách không hút thuốc lá trong không gian kín, nhất là vào mùa hè bật điều hòa. 

Quy định này khiến nhiều khách hàng thích hút thuốc không thoải mái. Nhưng theo anh Tùng, đây cũng là cách tôn trọng trải nghiệm của tệp khách hàng chính yếu của quán - những người không thích mùi thuốc lá trong không gian kín.

"Vẫn có những khách hàng vì lười di chuyển ra không gian mở bên ngoài hoặc vào những ngày hè nóng bức ngại đi ra, đã cố tính hút thuốc trong quán. Chúng tôi sẽ nhắc nhở khách hàng. Phần lớn họ đều hiểu chuyện, khi cần không gian hút thuốc sẽ không đến quán mình", anh cho hay. 

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, anh kể cũng từng đưa con trai đến một quán F&B có trưng bày một số lọ mật ong. Đứa bé trong lúc chạy nhảy, đùa nghịch đã va phải bàn trưng bày khiến mật ong rơi xuống đất và vỡ tan. 

"Tôi phải đền những lọ mật ong vỡ và xin lỗi quán vì nhân viên phải dọn dẹp. Tuy nhiên, cũng có những khách hàng không sẵn sàng đền tiền chỗ mật ong vỡ thì sự việc có thể sẽ gây thiệt hại cho quán", anh chia sẻ. 

Nhiều người đề xuất các quán cà phê, nhà hàng nên xây dựng một không gian riêng dành cho trẻ em, tuy nhiên theo anh Nguyễn Hoàng Tùng, không phải hàng quán nào cũng đủ không gian để làm điều này. 

Hơn nữa, người kinh doanh cần phải tối ưu từng mét vuông thuê mặt bằng để làm sao có thể đem lại lợi nhuận tối ưu nhất.

"Do đó, theo tôi, việc hiểu 'khách hàng của mình là ai' và 'không phải là ai' là điều rất cơ bản trong kinh doanh. Thông điệp của quán cà phê đưa ra không sai, có điều ngôn ngữ thông điệp có phần hơi gắt đã khiến một số khách hàng phản ứng. Tuy nhiên, tệp khách hàng trung thành của quán, những người cần không gian tĩnh lặng, thư giãn sẽ vẫn ủng hộ quán như thường", vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Đi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính và xu hướng không tiếp trẻ em - 4

Quán cà phê của anh Phạm Tùng không đưa ra quy định về độ tuổi của khách hàng, chỉ yêu cầu hạn chế gây ồn ào và xê dịch đồ đạc trong quán. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đồng quan điểm, anh Phạm Tùng, chủ chuỗi cà phê Hầm Trú Ẩn (ở Hà Nội) cho rằng, quán cà phê có quyền ra quy định đối với khách hàng, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi của quán và quyền lợi chung của khách hàng khác. 

Cá nhân anh cũng tránh lui tới những quán cà phê, nhà hàng có thể có nhiều khách hàng mang theo trẻ nhỏ. 

Tại Hầm Trú Ẩn, anh Tùng không đưa ra quy định về độ tuổi của khách hàng, chỉ yêu cầu hạn chế gây ồn ào và xê dịch đồ đạc trong quán. Ngoài ra, chủ quán cũng chú trọng đào tạo nhân viên chủ động nhắc nhở một cách tế nhị và lịch sự đối với những khách gây ồn quá mức.

"Chuỗi cà phê của tôi mở từ năm 2018, cho tới giờ cũng gặp rất nhiều đối tượng khách hàng. May mắn độ tuổi khách hàng của quán khá trẻ, nên thông thường sẽ không dẫn theo trẻ nhỏ. Nếu có, chúng tôi cũng chưa gặp trường hợp nào gây ảnh hưởng quá mức", anh nói.

Theo anh Phạm Tùng, có lần, một bé trai được mẹ dẫn đến Hầm Trú Ẩn, đã hò hét đòi chơi máy gắp thú bông. Nhân viên của quán đã chủ động giúp đỡ người mẹ và sau đó cậu bé cũng bình tĩnh hơn. Đây cũng là cách hạn chế những sự cố không may do trẻ em gây ra. 

Đồng tình với ý kiến của chủ chuỗi Pizza Home, theo anh, việc xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em mà không gây ảnh hưởng tới người khác là một khoản đầu tư không nhỏ, mà không phải quán cà phê hay nhà hàng nào cũng đủ khả năng tài chính. 

"Tôi nghĩ khách hàng cũng nên thông cảm với các quán cà phê, chẳng ai muốn cấm khách hàng của mình cả, nhưng nếu họ không đủ quy mô để kiểm soát các vấn đề về tiếng ồn của trẻ em thì họ buộc phải cấm thôi, anh nói.