Thu phụ phí "cấm trẻ khóc to gây ồn", thực khách phản đối, nhà hàng bối rối

Huy Hoàng

(Dân trí) - Một số nhà hàng trên thế giới treo biển báo "hạn chế trẻ em" hoặc thu phụ phí với "những em bé gây ồn ào", tuy nhiên bản thân họ cũng bối rối vì chưa thể phạt ai.

Liên quan tới thông tin về một quán cafe ở Đà Nẵng không nhận khách dưới 12 tuổi vì không có chỗ cho trẻ em chơi, e ngại làm ảnh hưởng tới những vị khách khác, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Có rất nhiều bình luận phản đối gay gắt vấn đề này, thậm chí có người nói rằng đây là cách để "chủ quán tự PR". Bên cạnh đó vẫn có ý kiến ủng hộ quyết định trên bởi họ thừa nhận có những trường hợp trẻ em tới quán làm ồn, gây ra phiền toái cho người khác khiến quán hàng khó xử lý.

Vậy vấn đề này ở các nước trên thế giới xử lý thế nào?

Thu phụ phí với "trẻ em gây ồn ào", thực khách và nhà hàng "cùng rối"

Chuyện các nhà hàng, quán ăn trên thế giới "cấm trẻ em" hoặc thậm chí "thu phụ phí với những em bé gây ồn ào" đã không còn lạ ở nhiều quốc gia.

Thu phụ phí cấm trẻ khóc to gây ồn, thực khách phản đối, nhà hàng bối rối - 1
Nhiều chủ nhà hàng lo lắng tiếng ồn của trẻ nhỏ ảnh hưởng tới những vị khách khác (Ảnh: News).

Theo Business Insider, chủ một nhà hàng ở Queensland, Australia, đưa ra quy định "cấm tất cả trẻ nhỏ dưới 7 tuổi". Chủ quán cho biết, anh đưa ra quy định này sau sự cố một em bé 2 tuổi khóc và la hét ầm ĩ suốt bữa trưa, gây ảnh hưởng tới những vị khách khác.

Quy định này vấp phải sự phản đối của nhiều bậc phụ huynh. Giữa những luồng tranh luận gay gắt, phát ngôn viên của Ủy ban chống phân biệt đối xử Queensland (ADCQ) nói rằng, người bị từ chối phục vụ vì đi cùng một đứa trẻ có quyền gửi đơn khiếu nại tới ADCQ.

Trong khi đó, ông Brian Down đến từ liên đoàn ẩm thực Far North Queensland cho biết, "chính sách cấm trẻ nhỏ" đang phổ biến tại một số quốc gia châu Âu.

Tháng 9/2022, chủ nhà hàng Angie's Oyster Bar and Grill ở Singapore lên tiếng cảnh báo thực khách sẽ bị tính phụ phí 10 SGD (hơn 170 nghìn đồng) nếu để trẻ nhỏ đi cùng la hét và quậy phá.

Thu phụ phí cấm trẻ khóc to gây ồn, thực khách phản đối, nhà hàng bối rối - 2
Nhà hàng thu phụ phí với trẻ em gây ồn sau khi nhận nhiều lời phàn nàn (Ảnh: Kenishirotie).

Trên trang cá nhân của mình, phía nhà hàng cho biết "họ thường xuyên nhận được những lời phàn nàn về việc trẻ em chạy lung tung không được trông nom, làm phiền người khác, gây nguy hiểm vì nhân viên thường xuyên di chuyển với đồ ăn nóng và dao kéo sắc". Đây là lý do chính khiến nhà hàng thu phụ phí với trường hợp vi phạm và "hy vọng người lớn có ý thức hơn khi đưa trẻ em tới không gian chung".

Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh hoặc người chăm sóc không đồng tình với chính sách này. Trong bài đánh giá nhà hàng trên TripAdvisor, có thực khách tuyên bố họ sẽ không quay lại nữa. Về phần mình, sau một tháng thực hiện "chính sách mới", đại diện nhà hàng thừa nhận họ cũng chưa phạt bất cứ ai và nhận được ít lời phàn nàn về việc trẻ em không cư xử đúng mực hơn trước.

No Kids Zone là văn minh hay phân biệt đối xử?

Trên thực tế "No kids zone" (tạm dịch: khu vực không dành cho trẻ em) là khái niệm còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, điều này không còn lạ lẫm. Thậm chí, nhiều nhà hàng, quán cafe ở Hàn Quốc, biển báo này đã xuất hiện từ khá lâu.

Thu phụ phí cấm trẻ khóc to gây ồn, thực khách phản đối, nhà hàng bối rối - 3
Biển báo "khu vực không dành cho trẻ em" ở Hàn Quốc (Ảnh: Knowing Korea).

Một tổ chức ở Hàn Quốc đã tiến hành cuộc khảo sát liên quan tới nhân viên làm việc tại quán cafe và phát hiện rằng, 72,65% nhân viên đồng ý từ chối cho trẻ nhỏ vào cửa. Nguyên nhân chính bởi trẻ em thường ồn ào khiến những vị khách khác thấy bị làm phiền. Trong khi đó, cha mẹ của các em bé lại bỏ qua hành động con em mình, không nhắc nhở cũng không có động thái ngăn cản.

Rất nhiều ý kiến trái chiều đã nảy sinh xung quanh vấn đề này. Thậm chí có người cho rằng, đây là hành vi phân biệt đối xử với trẻ nhỏ cũng như các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên đến nay, biển báo "No Kids Zone" hay "Children Free Zone" (Tạm dịch: khu vực hạn chế trẻ em) xuất hiện nhiều hơn. Một số hãng hàng không như Malaysia Airlines, AirAsia đã áp dụng điều này sau nhiều lời phàn nàn của hành khách về việc họ "chịu đựng tiếng ồn của trẻ em trên máy bay", đặc biệt là những chuyến bay dài.

Vậy việc áp dụng "No Kids Zone" có cần thiết và hợp lý hay không? Điều này rất khó đánh giá bởi các chuyên gia nhận định, việc tạo ra khu vực riêng cho trẻ nhỏ sẽ là biện pháp tốt hơn là xây dựng "nơi cấm trẻ em" khiến chúng bị tách biệt.

Biện pháp tốt nhất chính là tạo ra môi trường phù hợp cho cả trẻ em và người lớn, nơi có thể cùng vui chơi trong không gian chung mà không sợ ảnh hưởng tới xung quanh.