Cây vải gần 1.000 năm tuổi vẫn xanh tốt, hàng năm thu hoạch hơn một tấn quả
(Dân trí) - Cây vải cổ thụ ở Trung Quốc được trồng từ năm 1076 ở thời Bắc Tống, đến nay gần 1.000 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt ra trái đều đặn. Năm nay cây lại cho trái bội thu, ước tính thu hoạch hơn một tấn quả.
Vải là loại quả được trồng ở nhiều nơi tại Trung Quốc, nhưng 2 năm trở lại đây, những vùng đất trồng vải có tiếng như Quảng Đông, Quảng Tây đều bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và thời tiết khắc nghiệt dẫn tới sản lượng bị thiệt hại nặng nề.
Bởi vậy năm nay "nhiều ánh mắt" lại đổ dồn về tỉnh Phúc Kiến, nơi sở hữu cây vải cổ thụ với tuổi đời gần 1.000 năm tuổi được trồng từ thời Bắc Tống. Năm nay, vải cổ thụ ước tính đạt sản lượng hơn một tấn quả.
Cây vải còn có tên gọi là Trạng Nguyên Hồng, hiện nằm ở thành phố Bồ Điền. Trồng từ năm 1076, đến nay cây cổ thụ này vẫn khỏe mạnh tươi tốt, có chiều cao hơn 13m và được chính phủ Trung Quốc công nhận là cây bảo hộ cấp quốc gia loại I vào năm 2003.
Không chỉ nổi tiếng với du khách thập phương bởi cây vải Trạng Nguyên Hồng, vùng đất Bồ Điền hiện có hơn 2.000 cây vải cổ thụ khác với tuổi đời đều trên 100 năm. Trong đó, 32 cây trên 500 năm tuổi và ra trái đều đặn mỗi năm.
Được biết, tỉnh Phúc Kiến vốn là vùng đất trồng nhiều vải thiều, chủ yếu phân bố ở Phúc Châu, Tuyền Châu, Chương Châu, Bồ Điền và một số nơi khác. Trong số đó, Chương Châu và Bồ Điền là 2 nơi đạt sản lượng vải cao và chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh đó, một "thủ phủ vải" lớn khác ở Trung Quốc phải kể tới thành phố Mậu Danh. Nơi đây có 4 vườn vải thiều cổ thụ được trồng thành cụm. Trong đó đáng chú ý có 350 cây vải thiều khoảng 1.000 năm tuổi, hơn 1.000 cây 500 năm tuổi và gần 20.000 cây có tuổi đời khoảng 100 năm.
Không chỉ mang tới nguồn sinh kế cho người dân địa phương, vài năm trở lại đây, Mậu Danh còn được đẩy mạnh phát triển du lịch nhờ những cây vải cổ thụ. Tại đây, du khách được trải nghiệm nhiều dịch vụ như đi bộ qua các vườn vải cổ, nếm thử trái vải được sấy khô.
Đáng chú ý có vườn vải cổ nằm ở thị trấn Genzi và bảo tàng vải thiều Trung Quốc của thành phố hiện là điểm thu hút khách bậc nhất, đón lần lượt hơn 300.000 và 600.000 lượt khách mỗi năm.
Nhằm đẩy mạnh nguồn thu, nhiều người nông dân trồng vải còn mạnh dạn đầu tư xây thêm các khu trải nghiệm liên quan tới loại cây ăn trái này trong đó có các điểm đến chụp ảnh và khu lưu trú nghỉ lại. Tất cả đều thiết kế theo chủ đề xoay quanh cây vải.
Theo nguồn tin từ truyền thông địa phương, nhờ phát triển du lịch bằng trái vải thiều, năm 2023 mức thu nhập bình quân của người dân địa phương đạt khoảng 51.000 tệ (180 triệu đồng).
Vải được mệnh danh là "một trong bốn loại trái cây chính của miền nam Trung Quốc" cùng với chuối, dứa và nhãn.
Hiện Trung Quốc là nước có diện tích trồng vải và đạt sản lượng vải lớn nhất thế giới.
Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, diện tích trồng vải của nước này chiếm hơn 60% toàn thế giới. Sản lượng vải năm 2023 cũng chiếm tới 80% sản lượng trên toàn cầu.
Mùa thu hoạch vải ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7, sớm hơn và lâu hơn các nước khác nhờ thổ nhưỡng, khí hậu, giống vải đa dạng hơn.
Từ năm 1987 đến nay, sản lượng vải Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần.