Cây vải cổ thụ 1.500 năm tuổi bất ngờ kết trái sau 11 năm "tịt quả"
(Dân trí) - Cây vải với tuổi đời khoảng 1.500 năm ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, như "hồi sinh" với những chùm quả nặng trĩu cành. Trước đó, cây ra trái lần gần đây nhất là khoảng 11 năm.
Cây vải cổ thụ trồng ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, có chu vi thân khoảng 5,6m, cao 16m. Năm 1958, các chuyên gia đã xác định nó được trồng trước thời nhà Đường (618-907).
Thời điểm đó, khi trái chín, người dân địa phương vẫn hái xuống để cống nạp vào kinh thành. Việc làm này tiếp diễn qua nhiều triều đại.
Năm 2019, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã xác định và công nhận đây là cây cổ thụ cấp 1. Nó được đưa vào danh sách để chính quyền địa phương bảo vệ.
Theo tài liệu cổ, với tuổi đời khoảng 1.500 năm, trước đây, cây vải vẫn đều đặn ra trái. Tuy nhiên, khoảng 11 năm trở lại, cây không có quả dù vẫn xanh tốt. Thời điểm cây có quả gần đây nhất là vào năm 2012.
Nhưng năm nay lại là bất ngờ lớn. Suốt hơn một thập kỷ "tịt quả", mùa hè này, cây cổ thụ như "hồi sinh" với những chùm quả sai trĩu cành.
"Tôi rất tự hào vì chúng ta còn giữ được cây cổ thụ có lịch sử lâu đời như vậy. Thực sự tôi rất muốn nếm thử vị ngọt của trái vải thiều từ nghìn năm trước", một du khách ở Tứ Xuyên chia sẻ.
Hiện cây vải nghìn năm tuổi đang trở thành điểm đến thu hút khách thập phương tới chiêm ngưỡng.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên một cây vải cổ thụ tìm thấy ở tỉnh Tứ Xuyên. Trước đó, một cây vải lâu năm khác cũng thuộc tỉnh này, được xác định có tuổi đời khoảng 1.270 năm.
Tương tự, một cây vải có tuổi đời nghìn năm hiện vẫn còn sống ở khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây nước này. Cây cao khoảng 13m, hàng năm vẫn đều đặn ra trái. Người dân địa phương cho biết, mùa vải thiều chín cũng là thời điểm vui nhất của cả làng.
"Khi đó, tất cả người dân và những đứa trẻ vừa đi học về cùng tới hái vải, nếm thử vị ngọt của quả trên cây cổ thụ. Để bảo vệ cây khỏi côn trùng và sâu bệnh, chúng tôi chỉ dùng các phương pháp cổ xưa", một người làng chia sẻ.