Cần tận dụng sức nóng của bom tấn “Kong: Đảo đầu lâu” để làm du lịch!

(Dân trí) - Ông Trần Nhất Hoàng: Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL cho rằng, việc công chiếu phim “Kong: Skull Island” trên toàn cầu là cơ hội vàng để Việt Nam quảng bá du lịch đặc biệt là các địa phương có bối cảnh trong phim. Tuy nhiên, sự kiện này còn khá mới mẻ nên chúng ta cũng không tránh khỏi những thiếu sót, bỡ ngỡ trong việc tận dụng cơ hội này để phát triển du lịch.

Cơ hội “vàng” để làm du lịch

Bộ phim “Kong: Skull Island” một trong những siêu phẩm của Hollywood đang được công chiếu toàn cầu. Điều đặc biệt bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của bộ phim lại được quay tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình của Việt Nam. Ông có cho rằng đây là cơ hội hiếm có để chúng ta có thể quảng bá hình ảnh của mình trước công chúng toàn cầu?


Ông Trần Nhất Hoàng: Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL.

Ông Trần Nhất Hoàng: Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL.

Bộ phim "Kong: Skull Island" có mức đầu tư lớn với sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao hạng A của Hollywood như: Samuel L Jackson, John Goodman, Tom Hiddleston và Brie Larson… bên cạnh đó hình tượng Kong vốn đã rất được yêu thích nhờ những siêu phẩm trước đó, chính vì thế tôi tin khi công chiếu phim sẽ nhận được sự chào đón của khán giả trên khắp toàn cầu. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã chia sẻ rằng có đến hơn nửa cảnh quay là ở Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội quảng bá tốt nhất cho điểm đến du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh quảng cáo, các hình thức tương tác độc đáo của nhà làm phim trước khi ra mắt phim cùng các bức ảnh với hàng triệu lượt theo dõi của các ngôi sao trong phim về Việt Nam, chúng ta cần tuyên truyền hơn nữa cho thế giới thấy rằng những cảnh quay đẹp, hùng vĩ tưởng như giả tưởng lại có thật ở Việt Nam. Tôi đánh giá Quảng Bình khá chủ động, sáng tạo và nhạy bén trong việc tận dụng cơ hội này khi mời đạo diễn phim Jordan Vogt-Roberts quay trở lại trải nghiệm khám phá Sơn Đoong và tung ra các hình ảnh, video về các địa danh của địa phương mình một cách rất ấn tượng. Thước phim quảng bá về Quảng Bình do Đạo diễn Jordan dẫn chuyện lồng ghép với quảng cáo cho phim được dựng hấp dẫn, tinh tế và cực kỳ thuyết phục là sản phẩm tuyệt vời của sự hợp tác giữa tỉnh và Đạo diễn trẻ tài năng này.


Ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… phim trường của những bộ phim “bom tấn” đều được tận dụng trở thành những địa điểm du lịch hút khách, “hái” ra tiền, đáng tiếc ngành du lịch Việt Nam chưa làm được điều này.

Ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… phim trường của những bộ phim “bom tấn” đều được tận dụng trở thành những địa điểm du lịch hút khách, “hái” ra tiền, đáng tiếc ngành du lịch Việt Nam chưa làm được điều này.

Ngoài Quảng Bình biết tận dụng những lợi thế từ hiệu ứng của bộ phim để thúc đẩy phát triển du lịch thì các địa phương khác vẫn chưa có một kế hoạch hoặc động thái cụ thể nào. Phải chăng chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và chưa nhanh nhạy trong việc nắm bắt các cơ hội vàng để quảng bá du lịch nước mình, thưa ông?

Thực tế mà nói việc này còn quá mới mẻ với chúng ta, chúng ta nhận thức và muốn làm nhưng ta còn cần tích luỹ thêm kinh nghiệm về việc tận dụng cơ hội dạng này, đây chính là dịp để ta học hỏi và tích luỹ, cũng không phải là việc của ngày một ngày hai. Thực tế, chúng tôi đã phối hợp với hãng phát hành để có được dòng chữ “Siêu phẩm Holywood đầu tiên quay tại Việt Nam”, nghe thì đơn giản nhưng chúng ta cần biết từng từ ngữ trên poster của một bộ phim lớn đều phải được hãng và nhà sản xuất duyệt đồng ý, trong ngành công nghiệp điện ảnh thì một bộ phim là một sản phẩm thương mại có giá trị rất cao, không dễ có gì được gắn trên đó mà không phải chia sẻ lợi ích!

Đối với trường hợp của Quảng Bình, cách tiếp cận là rất chuyên nghiệp, nhạy bén và có tầm nhìn, tỉnh đã có sự chủ động, và sẽ đem lại hiệu quả, nhưng còn nhiều cơ hội để ta có thể làm được hơn nữa sau khi phim công chiếu, ta vẫn cần sáng tạo và chủ động hơn nữa, nhất là các địa phương nơi đoàn quay phim. Và cần nhiều hơn nữa sự phối hợp của các doanh nghiệp.

Ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… phim trường của những bộ phim “bom tấn” đều được tận dụng trở thành những địa điểm du lịch hút khách, “hái” ra tiền thế nhưng theo ông vì sao Việt Nam lại chưa làm được điều này?

Nói về tận dụng bối cảnh do đoàn phim dựng lên, tôi có thể chia sẻ: Legendary có quy định mang tính nguyên tắc là các bối cảnh dựng lên phải tháo bỏ hoàn toàn ngay sau khi đoàn phim rời khỏi hiện trường vì vấn đề bảo mật hình ảnh, trước khi phim ra rạp, các bối cảnh quay phim và các chi tiết hình ảnh của phim đều phải tuyệt đối bí mật. Trong một số trường hợp trên thế giới, sau khi phim ra mắt, các địa danh có thể đặt vấn đề xin lại bản vẽ bối cảnh và dựng lại, thường đây là việc phải có chi phí bản quyền và chia sẻ lợi nhuận với hãng. Tuy nhiên, cụ thể trong trường hợp của chúng ta, bối cảnh chính mà phim quay ở Việt Nam chủ yếu là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, những bối cảnh dựng gần như không có. Phim sử dụng nhiều kỹ sảo hậu trường nên những bối cảnh đoàn phim xây dựng thật ở ngoài rất hạn chế.


Việt Nam có rất nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch.

Theo tôi, Quảng Bình có kế hoạch dựng mô hình con Kong, tạo những sản phẩm du lịch gắn với những nơi đoàn đã đến, đặt biển thể hiện nơi phim Kong: Skull Island đã từng quay phim v.v… hoặc như khu nghỉ dưỡng Emeralda cũng có biển chú thích những căn phòng đoàn làm phim ở, dựng mô hình 3D tương tác v.v… là mô hình phù hợp có thể làm ngay.

Chúng ta cần tích lũy kinh nghiệm để đón đầu cơ hội.

Vậy theo ông các địa phương có các điểm đến gắn với bộ phim và ngành du lịch nói chung cần tận dụng những cơ hội trên theo cách nào để có thể quảng bá và phát triển du lịch một cách tốt nhất?

Trước hết, chúng ta nên biết, dùng hình ảnh, chất liệu, hay thước phim bất kỳ nào từ bộ phim để tạo ra lợi nhuận đồng nghĩa với việc phải chia sẻ lợi nhuận đó với hãng. Các hướng làm đơn giản, sáng tạo như thế giới vẫn áp dụng là những tấm biển ghi chú để khách tham quan chụp ảnh, chia sẻ, hoặc những doanh nghiệp nhanh nhạy tạo ra những sản phẩm du lịch theo dấu chân Kong gợi tò mò là hoàn toàn được. Đặc biệt trong thời đại mà các hình ảnh, cảm xúc được đăng tải tức thời như hiện nay thì việc chia sẻ và lan tỏa thông tin đêm lại hiệu quả nhanh chóng.

Tại thị trường trong nước, Bộ VHTTDL đã phối hợp với hãng phát hành đặt những mô hình 3D bộ phim khổ lớn đặt nơi công cộng cho công chúng tương tác với hình ảnh bộ phim, chụp ảnh ảo để chia sẻ trên mạng xã hội, trong thời đại này sự lan toả này là đáng kể. Chúng tôi đã phối hợp để có mô hình này tại tại TP Hồ Chí Minh và tại Khu nghỉ dưỡng Emeralda Ninh Bình, các đàm phán mất nhiều thời gian và phút chót mới đi đến được thống nhất. Bộ cũng phối hợp với hãng phát hành để làm tốt nhất công tác truyền thông, lan toả sự kiện này rộng rãi. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề cụ thể với hãng phim thể để cho phép dùng những cảnh quay hiện trường của bộ phim gắn với quảng bá những địa danh của chúng ta, vẫn là câu chuyện chia sẻ lợi ích và chưa đạt được đồng thuận. Cục Điện ảnh cũng đã có những phần chủ động giới thiệu điểm quay phim Việt Nam khi tham gia các sự kiện nghề nghiệp quốc tế sau khi dự án này được thực hiện thành công, hãy tưởng tượng lời giới thiệu “Siêu phẩm Kong: Skull Island được quay ở Việt Nam” là lời giới thiệu thuyết phục nhất về một điểm quay đạt chuẩn. Các đối tác Holywood cũng đã có lời mời đoàn sang thăm và giới thiệu nhiều hơn về các điểm lý tưởng cho việc quay phim sau này, đó là tín hiệu mừng.

Thực tế, so với các nước khác trong khu vực cảnh đẹp của chúng ta không hề thua kém: chúng ta có nhiều bãi biển đẹp, nhiều cảnh đẹp hoang sơ, núi non hùng vĩ… mà hiếm nơi nào có được thế nhưng tại sao nhiều đoàn làm phim nước ngoài lại không mấy mặn mà khi chọn Việt Nam làm bối cảnh trong phim?

Chúng ta phải khẳng định rằng, Việt Nam có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với lợi thế mang tính vượt trội so với nhiều nơi khác trên thế giới, mà cảnh quan thiên nhiên là thứ không làm ra được.

Không phải bây giờ các nhà làm phim Holywood mới ngắm đến Việt Nam mà trước đây cũng đã từng có những bộ phim của Hollywood đề cập được quay phim ở Việt Nam như Điệp viên 007 hoặc đạo diễn Oliver Stone đã từng khảo sát 1 vòng Việt Nam và chọn được những điểm quay phim lý tưởng cho những bộ phim lớn của ông thời những năm 90 thế kỷ trước, nhưng thời điểm đó chính sách của chúng ta còn chưa cởi mở và dường như ta chưa ý thức được sức ảnh hưởng mà điện ảnh có thể đem lại. Những thất bại trên khiến Holywood không mặn mà với ta nữa, chủ yếu là vấn đề chính sách. Kong: Skull Island có ý nghĩa phá tan tảng băng đó. Để thật sự là điểm quay phim hấp dẫn của thế giới, ta còn cần có những chính sách cởi mở về nhiều vấn đề như: Hải quan, đặc biệt là chính sách hoàn thế… Có những quốc gia họ có chính sách hoàn thuế đến 25% cho những đoàn làm phim có chi phí cao, nghĩa là đoàn làm phim mang vào 100 triệu thì khi ra có thể thu về 25 triệu, nơi đó trở nên vô cùng hấp dẫn.

Thêm vào đó, chúng ta phải thiếu đội ngũ chuyên nghiệp để có thể cung ứng các dịch vụ cho các đoàn làm phim. Đoàn làm phim “Kong: Skull Island” chia sẻ rằng, ở Thái Lan họ tìm 10 người để thực hiện một công việc nào đó thì có đến 7 người có thể làm được, ở Úc còn hơn thế. Còn ở Việt Nam, họ đã không nghĩ rằng họ tìm được, hoặc chỉ có 1 người làm được. Thứ nữa, là các trang thiết bị của chúng ta còn thiếu, hầu hết các thiết bị của bộ phim đều phải mang từ nước ngoài sang, mất thời gian và tốn kém. Khi các đoàn phim đến nhiều hơn, tự nhiên có cầu sẽ có cung.

Từ sự kiện đoàn phim “Kong: Skull Island” sang quay ở Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình lần này, theo ông chúng ta nên có những kế hoạch và phương án hợp tác với đoàn phim nước ngoài thế nào để đạt được hiệu quả du lịch tốt nhất?

Tích lũy kinh nghiệm để chủ động đón đầu những cơ hội. Có chính sách ưu đãi để hợp tác với những đoàn phim lớn, coi đó như một dự án đặc biệt. Trung ương địa phương, xã hội đồng lòng tiếp thị điểm đến và cùng nỗ lực để làm hài lòng ở mức tối đa có thể cho các đối tác lớn. Ví dụ lần vừa qua, chẳng ai yêu cầu các diễn viên nổi tiếng phải kể những trải nghiệm tuyệt vời mà họ có ở Việt Nam mà là họ đã có những tình cảm tốt đẹp thật sự với Việt Nam và tự nhiên họ chia sẻ đến khán giả, bạn bè của mình qua mạng xã hội có thể lan toả đến hàng triệu người. Đó chính là cách quảng bá tốt nhất, thuyết phục nhất.

Tiếp đến là nguồn nhân lực cần được đào tạo để đủ năng lực và tính chuyên nghiệp đáp ứng được việc hợp tác những đoàn phim lớn cho những dự án lớn.

Và cùng với Nhà nước, ta cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp chuyên nghiệp quảng bá, tiếp thị tới Hollywood và thế giới các địa điểm đẹp có thể quay phim được ở Việt Nam.

Hà Trang (Thực hiện)