Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Ngôi biệt thự đã 130 năm tuổi, được xây bởi thương nhân giàu bậc nhất TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trong thời Pháp thuộc. Công trình độc đáo có ngoại thất kiểu Pháp, nội thất kiểu Hoa.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc, Đồng Tháp) là biệt thự cổ nổi tiếng bậc nhất miền Tây. Ngôi nhà từng được lên hình trên bộ phim nước ngoài nổi tiếng có tựa đề Người tình, nhân vật chủ nhà do tài tử Trương Gia Huy thủ vai.

Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời - 1

Mặt tiền ngôi biệt thự có kiến trúc Pháp, nhưng mái ngói lại nổi bật kiến trúc Hoa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngôi nhà được xây dựng năm 1895, trên khu đất hơn 2.000m2 ở trung tâm TP Sa Đéc, có nền rộng 260m2 với kiến trúc gỗ truyền thống của người Hoa. Năm 1917, ngôi nhà được trùng tu, xây dựng thêm tường bao, hành lang theo kiến trúc Pháp.

Kiến trúc bên trong được thiết kế khá cầu kỳ: Hành lang có mái vòm, phòng khách với đèn chùm, quạt trần...

Chính giữa nhà là gian thờ với các bức hoành phi, cột kèo được chạm nổi hoa văn cây cỏ, chim muông sinh động. Nhiều chi tiết được sơn son, thiếp vàng.

Phía sau phòng thờ là không gian chung rộng rãi, chính giữa đặt một sập gỗ khảm xà cừ. Hai phía của không gian chung là 2 phòng ngủ sang trọng có vách gỗ ghép kính màu với nhiều họa tiết.

Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời - 2

Nội thất phòng thờ và trung tâm ngôi nhà được làm theo kiến trúc truyền thống của người Hoa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngoài ra ngôi nhà còn có phòng chứa đồ, phòng trang điểm đều được sắp đặt nội thất giá trị.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Trần Minh Sưởng, cán bộ quản lý ngôi biệt thự cho biết, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê do thương nhân người Hoa giàu nhất Sa Đéc thế kỷ 19 tên Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng. Sinh thời, ông Thuận là chủ một hiệu buôn lúa gạo, bất động sản biệt thự, cửa tiệm và nhà phố.

Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời - 3

Phòng ngủ sang trọng với vách gỗ nhiều họa tiết như kiến trúc cung đình (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Thời kỳ hưng thịnh nhất, ông Thuận là chủ của quá nửa bất động sản trên các dãy phố trung tâm Sa Đéc. Có con đường dài đến 7km thì đất 2 bên đều thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân người Hoa này.

Ông Thuận vừa mua đất xây nhà để bán, vừa làm cửa hàng cho thuê nên ngày càng giàu có. Với khối tài sản lớn, ông đã xây ngôi biệt thự tương xứng với gia sản của mình", ông Sưởng cho biết.

Ông Thuận mất, ngôi nhà được giao lại cho con trai là ông Huỳnh Thủy Lê, công tử nổi tiếng thời bấy giờ. Kể từ đó, ngôi nhà có tên biệt thự Huỳnh Thủy Lê.

Khi miền Nam giải phóng, gia quyến của ông Lê đều sang Mỹ định cư, ngôi nhà được chính quyền quản lý đến nay. Những năm gần đây, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở thành điểm tham quan du lịch hút khách bậc nhất Sa Đéc. Mỗi ngày có 50-200 người tìm đến tham quan ngôi nhà, trong đó trên 80% là khách nước ngoài.

Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời - 4

Đoàn khách Tây tham quan ngôi biệt thự (Ảnh: Nguyễn Cường).

Hai phòng ngủ của chủ nhân ngôi nhà được sửa sang thành 2 phòng khách sạn. Khách tham quan có thể ngủ lại để trải nghiệm cuộc sống người giàu có của thế kỷ trước.

Ngày nay, ngôi nhà được bảo tồn gần như nguyên vẹn, tuy nhiên có nhiều chi tiết đã xuống cấp. Công trình đã được công nhận Di tích Quốc gia năm 2009, đại diện đơn vị quản lý cho biết kế hoạch trùng tu đang được cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngoài kiến trúc độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn nổi tiếng bởi chuyện tình giữa ông Lê và bà Margueritte Duras, nữ nhà văn người Pháp.

Biệt thự xa hoa của đại gia buôn gạo giàu có nhất Sa Đéc một thời - 5

Ảnh lưu niệm nhà văn Margueritte Duras trong ngôi nhà cổ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chuyện tình đẹp vào cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Nhưng tình yêu không thành, ông Lê phải lấy vợ theo sự sắp đặt của cha mẹ, nữ nhà văn cũng phải về Pháp lấy chồng.

Sau khi về Pháp, hồi tưởng lại ký ức đẹp ở Đông Dương, bà Margueritte Duras đã viết nên tác phẩm Người tình. Tác phẩm xuất bản năm 1984, nổi tiếng toàn cầu, được dịch ra 43 ngôn ngữ.

Người tình sau này được dựng thành phim cùng tên. Bộ phim chất lượng được đầu tư quay trong 4 năm, ghi lại nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam nơi ông Lê và bà Margueritte Duras lưu dấu những kỷ niệm.

Theo người quản lý công trình, chính bộ phim và tác phẩm văn học đã đưa hàng vạn khách nước ngoài đến ngôi nhà để trải nghiệm không gian lãng mạn, tưởng tượng những giây phút đẹp mà cặp tình nhân từng trải qua.