Khánh Hòa lên phương án trùng tu 5 biệt thự cổ lầu Bảo Đại
(Dân trí) - Tỉnh Khánh Hòa đang lên phương án trùng tu, tôn tạo cũng như các giải pháp khả thi về quản lý, khai thác đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá trên núi Cảnh Long.
Ngày 6/4, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành thông báo kết luận của ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, về nội dung liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo 5 căn biệt thự Cầu Đá (hay còn gọi là biệt thự lầu Bảo Đại ở khu vực núi Cảnh Long thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang).
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao các sở, ngành có liên quan tham mưu kế hoạch tổng thể về phương án trùng tu, tôn tạo; tìm các giải pháp khả thi về quản lý, khai thác đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá, xác định tiến độ, mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các công việc liên quan báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/4.
Bên cạnh đó, các sở, ngành chủ động tiến hành lập hồ sơ công nhận xếp hạng di tích đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá; đề xuất chủ trương đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo 5 căn biệt thự Cầu Đá, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét; hoàn thành trước ngày 15/6.
Song song với 2 nhiệm vụ nêu trên, tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh việc bàn giao các hiện vật, di vật tại 5 căn biệt thự Cầu Đá cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh quản lý, đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục.
Như Dân trí đã thông tin, năm 2013, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch tại khu di tích lầu Bảo Đại. Đồng thời, tỉnh giao hơn 13ha đất (bao gồm 5 biệt thự cổ, đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long cùng mặt biển) cho Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án kinh doanh Bảo Đại resort Nha Trang.
Chủ trương xây dựng resort ở lầu Bảo Đại đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của nhân dân Nha Trang, vì lo ngại dự án sẽ tác động tiêu cực đến di tích. Dù vậy, dự án vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, các công trình tại dự án này hầu như còn dang dở, một số công trình chỉ xây dựng được phần thô rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa có đề nghị trả lại 5 biệt thự trong khu di tích để chính quyền quản lý. Yêu cầu này được phía doanh nghiệp chấp thuận và tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất tại dự án này.
Di tích Cầu Đá do người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm (1923) với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).
Khoảng từ năm 1940 đến 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến khu di tích này nghỉ dưỡng, giải trí nên từ đó có tên lầu Bảo Đại.