Bên dưới Vạn Lý Trường Thành có ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nhà ga Trường thành Bát Đạt Lĩnh nằm ở độ sâu 102 m ngay bên dưới Vạn Lý Trường Thành cũng là công trình có độ sâu nhất thế giới hiện nay.

Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang sắp tới gần cũng là lúc tàu cao tốc tự lái đầu tiên trên thế giới dần đi vào hoạt động.

Đây là chuyến tàu để vận chuyển các vận động viên cũng như quan chức di chuyển giữa hai thành phố chính - nơi đăng cai tổ chức các trận đấu trên tuyến đường sắt liên tỉnh Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu.

Bên dưới Vạn Lý Trường Thành có ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới - 1
Bên dưới kỳ quan thời cổ đại còn sót lại Vạn Lý Trường Thành là nhà ga đường sắt sâu nhất thế giới (Ảnh: Travel).

Chỉ riêng với việc đây là chuyến tàu tự lái cũng đủ để nó trở nên thu hút dư luận và giới truyền thông. Nhưng đặc biệt hơn cả, một phần hành trình kéo dài 56 phút, tàu chạy xuyên qua một kỳ quan kỹ thuật khác là ga Trường thành Bát Đạt Lĩnh nằm ở độ sâu 102 m ngay bên dưới Vạn Lý Trường Thành.

Bên dưới Vạn Lý Trường Thành có ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới

Hoàn thành vào năm 2019, nhà ga nằm cách lối vào Bát Đạt Lĩnh - phần tường thành nổi tiếng nhất của công trình kỳ quan thế giới. Nhằm bảo vệ phần di tích mang tính biểu tượng lịch sử không bị hư hại cấu trúc, tuyến đường sắt và nhà ga đi kèm được thiết kế nằm sâu dưới lòng đất.

Bảo tồn Vạn Lý Trường Thành bằng công nghệ tiên tiến bậc nhất

Ở độ sâu 102 m trên diện tích hơn 36.000 m2, công trình gồm 3 tầng này hiện đang là ga đường sắt cao tốc dưới lòng đất sâu và rộng nhất thế giới.

Việc xây dựng một nhà ga phức tạp như vậy, bao gồm hệ thống đường hầm dài 12 km thuộc Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là một kỳ công không hề dễ dàng.

Theo truyền thông của Trung Quốc, các kỹ sư đã sử dụng thiết bị nổ điện tử để xác định thời gian chính xác của chất nổ xuống tới từng mili giây và cho phép công nhân duy trì tốc độ rung dưới 0,2 cm/giây. Điều này có nghĩa là mọi vụ nổ đều phải tính toán rất tỷ mỉ và có độ chính xác cực cao nhằm đảm bảo tác động bên dưới không lớn hơn một bước chân lên công trình Vạn Lý Trường Thành.

Bên dưới Vạn Lý Trường Thành có ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới - 2
Công trình nằm ở độ sâu 102 m (Ảnh: Getty).

Bắt đầu từ năm 2016, việc xây dựng đường hầm và nhà ga dự kiến mất khoảng 3 năm để hoàn thành.

Tuyến đường sắt cao tốc đã rút ngắn hành trình đi từ thủ đô Bắc Kinh tới Vạn Lý Trường Thành từ khoảng 1,5 tiếng xuống chỉ còn 27 phút. Nếu vào lúc cao điểm xảy ra tắc nghẽn giao thông, việc di chuyển trước đó sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Nhà ga cách cáp treo Vạn Lý Trường Thành chỉ vài phút và cách điểm bắt đầu của công trình lịch sử này khoảng 800 m. Đây cũng là nơi có thang cuốn dài thứ 2 của Trung Quốc, với chiều dài 88m và cao 42 m.

Do khoảng cách tới sân ga, cổng ga sẽ đóng 12 phút trước khi khởi hành chuyến tàu cuối cùng. Trong khi đó, các nhà ga khác tại Trung Quốc thường đóng 5 phút. Điều này nhằm đảm bảo hành khách đủ thời gian di chuyển qua các khu sân ga rộng lớn.

Vạn Lý Trường Thành sẽ xuất hiện tại Thế vận hội mùa đông?

Mặc dù sẽ không có bất cứ sự kiện thể thao nào diễn ra gần bức tường thành Bát Đạt Lĩnh, nhưng nó sẽ là một phần của lễ rước đuốc diễn ra vào những ngày đầu tháng 2 này. Do vậy, nhà ga cũng như một phần của Bát Đạt Lĩnh sẽ bị đóng cửa vào thời gian đó.

Một số điểm thi tại Trung tâm nhảy trượt tuyết quốc gia ở Chongli, nơi cách Vạn Lý Trường Thành 20m sẽ được thiết kế khung cảnh lịch sử cho các vận động viên thi đấu ở các bộ môn.

Công trình được đánh giá là "kỳ quan kỹ thuật hiện đại"

Trên tuyến đường sắt Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu dài 174 km là tàu cao tốc nhiều toa Fuxing, được vận hành bằng điện do tập đoàn đường sắt Trung Quốc phát triển. Tàu có thể chạy tốc độ tối đa lên tới 350 km/h, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố chính tổ chức Olympic từ 3 giờ xuống chỉ còn 56 phút.

Dù đây là tàu cao tốc tự lái, nhưng luôn có nhân viên lái tàu giám sát túc trực. Tàu có thể tự khởi động, tự dừng, tự điều chỉnh các giới hạn tốc độ khác nhau giữa các nhà ga.

Bên dưới Vạn Lý Trường Thành có ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới - 3
Tàu cao tốc đi qua một đoạn Juyongguan của Vạn Lý Trường Thành hồi cuối tháng 1 vừa qua (Ảnh: Getty).

8 toa của tàu được trang bị tín hiệu 5G, hệ thống chiếu sáng thông minh và 2.718 cảm biến thu thập dữ liệu thời gian thực, phát hiện mọi bất thường trong quá trình vận hành.

Bát Đạt Lĩnh - bức tường thành nổi tiếng nhất Vạn Lý Trường Thành

Bát Đạt Lĩnh là đoạn tường thành nằm bên ngoài ngoại ô của thủ đô Bắc Kinh. Nơi này nằm cách quảng trường Thiên An Môn chừng 70km về phía tây bắc, được xây dựng vào năm 1505 dưới thời nhà Minh (1368-1644) do Hoàng đế Hồng Chí khởi xướng.

Đây cũng là một trong 9 thành trì quan trọng của Vạn Lý Trường Thành từ thời nhà Minh, đồng thời là khu vực được bảo quản tốt nhất hiện nay.