Bà con người Thái ở xã miền núi Hòa Bình thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng

Khôi Vũ

(Dân trí) - Những năm qua, bản Nhót (Mai Châu, Hòa Bình) thay da đổi thịt nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Xã Nà Phòn cách trung tâm huyện Mai Châu (Hòa Bình) gần 2km, cách Hà Nội khoảng 140km về hướng Tây Bắc. Nơi đây vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Thái như ẩm thực, trang phục, nhà sàn..., thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm tới khám phá.

Dù là xã phát triển du lịch muộn hơn các địa phương trong huyện Mai Châu nhưng Nà Phòn đã nhanh chóng đưa bản Nhót kết nối với bản Lác, xã Chiềng Châu, bản Poom Cọng, thị trấn Mai Châu tạo thành "tam giác du lịch" thu hút du khách.

Khi tới bản Nhót, du khách bước vào không gian bình yên, khác xa cuộc sống ồn ào, tấp nập ở các thành phố lớn. Những mái nhà sàn người Thái nhuốm màu thời gian nằm nép mình giữa vườn cây, ruộng lúa, ao cá. Bà con vui vẻ cùng nhau dệt vải, bán thổ cẩm, làm các món ăn dân dã như xôi, thịt nướng...

Bà con người Thái ở xã miền núi Hòa Bình thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng - 1

Bản Nhót, xã Nà Phòn đang "thay da đổi thịt" nhờ phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: Khôi Vũ).

Những năm qua, chính quyền và người dân xã Nà Phòn đã đầu tư tạo dựng cảnh quan môi trường, thành lập đội văn nghệ, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ ăn, nghỉ… cho du khách. Tới nay, toàn xã có 19 nhà nghỉ homestay, 2 khu nghỉ dưỡng. Xã duy trì 100 khung cửi dệt thổ cẩm, thành lập 22 đội văn nghệ.

Trước đây, bà con người Thái tại xã chỉ múa sạp, đánh keeng loóng trong các ngày lễ, Tết truyền thống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi Nà Phòn phát triển mạnh du lịch cộng đồng và thu hút nhiều du khách tìm tới trải nghiệm các nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, các đội văn nghệ tổ chức biểu diễn thường xuyên hơn. Hoạt động này góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào Thái trắng Hòa Bình.

Với giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử và tính nghệ thuật, ngày 10/11/2023, keeng loóng của đồng bào Thái tại Mai Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ghi danh là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Theo ông Hà Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, những năm qua, công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch cộng đồng đã được xã Nà Phòn khai thác và bước đầu đạt kết quả tích cực.

"Chúng tôi xác định đưa du lịch sinh thái gắn văn hóa bản địa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao. Năm 2022, chúng tôi có 183 hộ nghèo nhưng tới nay, cuối năm 2023, chúng tôi giảm được 83 hộ nghèo", ông Ngân cho biết.

Việc gắn bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch ở Nà Phòn là hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án giúp khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa thông qua các hình thức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm