Xúc động cô gái Hải Phòng xin ôm người lạ vì giống hệt mẹ quá cố
(Dân trí) - Gặp người phụ nữ lạ trong quán cà phê giống hệt người mẹ mất vì ung thư cách đây một năm, Ngọc Anh òa khóc nức nở.
Trong buổi cà phê chiều 2/5 cùng bạn, Ngô Ngọc Anh (28 tuổi, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) bắt gặp người phụ nữ mặc chiếc váy màu xanh, đeo kính, tay bấm điện thoại, giống hệt cảnh mẹ cô ngồi tính tiền, viết sổ sách mỗi tối.
Ngọc Anh quan sát, nhận ra chiếc vòng cổ người kia đeo cũng giống của người mẹ quá cố. "Xúc động nhất là mái tóc. Hai năm cuối đời do điều trị ung thư, mẹ cạo đầu, đội bộ tóc giả y hệt vậy", cô gái trẻ nức nở.
Khi bạn của người phụ nữ đứng dậy, Ngọc Anh sợ bà ra về nên mạnh dạn tiến đến. "Cô ơi, cô có thể ôm con một cái không ạ?" - Câu hỏi bất chợt khiến đối phương ngạc nhiên, những người ngồi bên cạnh cũng thắc mắc: "Sao lại xin ôm? Cô ấy nổi tiếng à?".
Ngọc Anh vội mở điện thoại, đưa ảnh mẹ cho người phụ nữ xem, đáp: "Dạ không ạ, vì cô giống mẹ con ạ". Mọi người nín lặng khi nghe cô gái nói "mẹ đã qua đời hơn một năm trước". Họ động viên, an ủi: "Trên đời ít người giống người lắm, gặp được nhau là cái duyên".
Người phụ nữ tự giới thiệu tên Lan, sống gần nhà Ngọc Anh. "Không biết giống gì không, nhưng hay khóc là giống cô rồi", bà Lan nói, vui vẻ ôm cô gái rồi cùng chụp ảnh.
Nhiều người khuyên Ngọc Anh xin số điện thoại hoặc xin bà Lan nhận làm con nuôi, nhưng cô từ chối. Điều cô mong muốn, đơn giản chỉ là một cái ôm, không muốn làm phiền cuộc sống riêng tư của người phụ nữ.
Bố mẹ Ngọc Anh ly thân từ năm cô 7 tuổi, về sau họ đều có công việc và gia đình riêng. Từ nhỏ, cô ở nhờ nhà họ hàng, cách một vài năm lại chuyển sống từ nhà này sang nhà khác.
Năm 22 tuổi, Ngọc Anh về sống với mẹ nhưng ít thể hiện tình cảm. Năm 2019, mẹ cô phát hiện mắc ung thư vú, trùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Khi bà xạ trị bị rụng tóc, con gái đã mua tặng những bộ tóc giả, giúp mẹ ổn định tâm lý.
Ba tháng tái khám, bác sĩ chẩn đoán hạch đã di căn, bệnh nhân phải tiếp tục xạ trị. Bệnh viện phong tỏa do Covid-19, mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà đi kèm. Dáng người Ngọc Anh nhỏ bé, không thể nâng mẹ lên, xuống giường bệnh, gia đình thống nhất thuê giúp việc. Còn cô ở nhà bạn gần đó, hỗ trợ ăn uống. Mỗi tuần, cô vào thăm mẹ được 3 - 4 lần.
Trong lần xạ trị cuối, người mẹ kêu đau, xin được về nhà. Sức khỏe suy giảm, bà luôn có người túc trực bên cạnh chăm sóc. Một hôm, bà tưởng Ngọc Anh là người giúp việc, giục bóp chân, tay. Nhưng khi mở mắt, trông thấy con gái, câu cuối cùng bà nói trước khi cạn kiệt sức lực: "Mẹ có giục gì con đâu".
Sau hai ngày liên tiếp nằm thở thoi thóp, mẹ Ngọc Anh ra đi. "Lúc mẹ còn sống, hai mẹ con không tâm sự hay nói chuyện, cũng không có ảnh chụp chung", cô gái tiếc nuối.
Thái Đức Hùng, người bạn đi cùng Ngọc Anh, ban đầu tưởng cô bạn khóc vì xem một video xúc động trên điện thoại. Anh thắc mắc, Ngọc Anh mới chỉ về phía bàn bên cạnh, nói: "Cậu nhìn cô kia giống mẹ tớ không?".
"Khi biết Ngọc Anh nhận ra một người giống hệt mẹ, tôi rất bất ngờ vì cô ấy giống mẹ Ngọc Anh từ phong thái, kiểu tóc đến cách ăn mặc", Hùng nói, "xung phong" quay video giúp bạn lưu giữ làm kỷ niệm.
Anh cho biết thêm, Ngọc Anh là người tình cảm, dễ khóc. Mỗi khi xem video cảm động như tình cảm mẹ con, cha con, đi tìm người thân sau nhiều năm xa cách thì cô đều khóc.
Đoạn video của Ngọc Anh lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút 2,5 triệu lượt xem. Họ hàng Ngọc Anh xem được video, đều đồng tình người phụ nữ "quá giống mẹ cô".
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng động viên, chia sẻ với cô gái trẻ. "Mình ôm bạn một cái nha, nghĩ đến ngày không còn mẹ bên cạnh nữa, mình bật khóc"; "Trước đây cũng có một người nắm tay mẹ mình, òa khóc nói giống mẹ quá cố của anh ấy"; "Mẹ mất khi mình vừa chào đời, trong đầu mình không một ký ức về mẹ, nhưng xem xong video lại khóc như mưa".
Ngọc Anh nói chỉ vô tình chia sẻ video lên mạng xã hội, không ngờ nhận được quan tâm từ cộng đồng. Nhiều người không quen nhắn tin động viên, tâm sự, kể lại câu chuyện của bản thân với Ngọc Anh, giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhung.
Cô gái hy vọng câu chuyện của bản thân sẽ nhắc nhở những ai còn bố, mẹ, người thân, hãy cố gắng lưu giữ thật nhiều kỷ niệm, thể hiện tình cảm với họ nhiều hơn, "vì rất nhiều người đã không còn cơ hội để làm điều đó nữa".
"Hy vọng mỗi người sẽ không phải có những nuối tiếc không thể bù đắp", Ngọc Anh tâm sự.