Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội

Hồng Anh

(Dân trí) - Vợ chồng anh Chinh từng đi du học ở Israel, Úc rồi Nhật Bản. Tháng 12/2021, cặp đôi này bất ngờ từ bỏ công việc nhiều người mơ ước trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè để đi trồng rau sạch.

"Học cho lắm vào giờ lại làm... nông dân"

Suốt mấy tháng nay, anh Nguyễn Đức Chinh (SN 1982) không còn khoác lên mình bộ cánh tươm tất của một công chức để đến cơ quan đúng vào 8h sáng mỗi ngày. Thay vào đó, trang phục anh mặc thường ngày là chiếc áo lao động màu xanh bộ đội, đôi ủng và chiếc nón lá che mưa che nắng. Có hôm anh rong ruổi trên khắp các ngõ ngách Hà Nội, ship rau cho từng khách hàng.

Tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp năm 2005, anh Chinh không về quê Hà Tĩnh mà ở lại Hà Nội lập nghiệp. Như bao người trẻ mới ra trường thời điểm ấy, anh Chinh long đong tìm việc khắp nơi. Mãi sau này, anh cùng bạn đời của mình là chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1983) thi đỗ vào một viện nghiên cứu về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam. 

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 1
Vợ chồng anh Chinh, chị Duyên (Ảnh: H.A)

Cũng lận đận như chồng, chị Duyên từng có thời điểm phải vào tận Tiền Giang xin việc nhưng cũng chẳng ăn thua. Chính vì vậy, thời điểm ấy, được công tác tại một viện nghiên cứu lớn, cả hai nghĩ họ sẽ rất thoải mái với cuộc sống ở Thủ đô. Bố mẹ đôi bên cũng yên tâm và nở mày nở mặt.

Vợ chồng anh Chinh sau đó hoàn thành bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Úc. Năm 2015, được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ, chị Duyên mượn mảnh vườn bỏ hoang rộng 1.000 m2 làm chỗ thực hành. Từ đây, niềm đam mê với cây rau bắt đầu nhen nhóm trong họ.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 2
Trang trại nhìn từ trên cao (Ảnh: NVCC)

Năm 2016, anh Chinh giành được học bổng tiến sĩ nghiên cứu tại Nhật Bản nên đưa cả gia đình sang sinh sống và học tập cùng. Tại đây, anh biết đến cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" nổi tiếng của người khai sinh ra nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới.

Tại Nhật Bản, anh Chinh còn được trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên nên càng hứng thú hơn với cây rau.

Trở về nước năm 2019, đem theo suy nghĩ "chắc chắn phải làm điều gì đó", anh cùng vợ lang thang nhiều ngày ở các vùng ngoại ô Hà Nội. Một ngày, họ tìm thấy vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc ngút đầu ở bãi sông Đáy thuộc xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Xác định đây là vùng đất đẹp, thuận lợi cho cây trồng phát triển, cả hai liên hệ thuê lại trước sự tò mò của người dân xung quanh.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 3

Đầu năm 2020, vợ chồng anh Chinh và hai thạc sĩ cùng cơ quan là Trần Văn Luyện (SN 1987) và Nguyễn Thị Thanh (SN 1988) bắt tay khai khẩn đất hoang. Họ thuê thêm mấy nhân công cùng trồng các hàng rào sinh học từ cây chuối, cây gai rồi đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện, làm nhà container, thiết kế hệ thống tưới tiêu…

Nhiều buổi trưa nắng, anh Chinh miệt mài đi kéo những xe rơm cao ngút đầu về phủ luống quên cả ăn uống. Chị Duyên thì đen nhẻm, nhiều hôm say nắng chỉ muốn uống nước thay cơm.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 4

Việc xử lý cỏ và sâu bệnh tốn không ít thời gian (Ảnh: H.A)

Để công việc ở cơ quan không bị ảnh hưởng, cứ 4h30 hàng sáng, anh Chinh cùng vợ thức giấc, đem theo sẵn một bộ quần áo công sở di chuyển hơn 15 km đến trang trại. Trời tờ mờ sáng họ bắt tay ngay vào làm luống, gieo trồng, thu hoạch hoặc hướng dẫn cho các nhân công cách chăm bón. Đến hơn 7h30, họ lại tất tả đi đến cơ quan. Chiều về, họ lại trở về trang trại làm đến 7-8h tối mới dừng tay.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 5
Nhiều nhân công được huy động để diệt sâu bằng tay (Ảnh: H.A)

Năm 2020, sau khi làm trang trại được 8 tháng, chị Duyên nhận thấy nếu tiếp tục kéo dài tình trạng "chân trong chân ngoài" thì không thể hiệu quả. Chị quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Hai thạc sĩ cùng anh chị gây dựng trang trại cũng lần lượt nghỉ việc sau đó.

Đến tháng 12/2021, anh tiến sĩ cũng theo chân vợ, rời bỏ vị trí đang có nhiều cơ hội thăng tiến để về chuyên tâm cho trang trại. Bố mẹ đôi bên dù rất ngỡ ngàng nhưng cũng tôn trọng quyết định của cả hai.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 6
Vợ chồng anh Chinh và cộng sự từ bỏ công việc bàn giấy về làm bạn với cây rau (Ảnh: H.A)

Cậu của anh Chinh thấy cháu từ một chàng trai thư sinh, trắng trẻo thành anh nông dân chân lấm tay bùn, đen nhẻm thì xót xa gọi điện hỏi mẹ anh Chinh: "Ăn học về làm tiến sĩ mà lại đi trồng rau, rau thì được bao nhiêu tiền mà làm?". Có người lại gièm pha bảo rằng: "Bồng bột, học cho lắm giờ lại làm nông dân".

Những lần "đánh bạc" với trời

Bỏ qua mọi định kiến, anh Chinh, chị Duyên cùng các cộng sự quyết tâm và đầu tư thời gian và tiền bạc cho trang trại. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải không ít khó khăn, thất bại bởi làm nông nghiệp sạch chưa bao giờ dễ dàng, nhiều phen như đánh bạc với trời.

Vì ít vốn nên ban đầu họ chỉ thuê được 4 công nhân. Đất làm không hết, cỏ mọc nhanh hơn rau. Suốt 1 năm đầu, tháng nào họ cũng lỗ. Nhân công nhìn ruộng rau bị sâu bọ tấn công sốt ruột mách ông chủ "dùng cách này cách kia" nhưng cả nhóm vẫn kiên quyết với lý tưởng làm nông nghiệp sạch.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 7

Anh shipper còn giao cả rau giống cho khách hàng (Ảnh: H.A)

Lý tưởng bao giờ cũng đẹp nhưng để hiện thực hóa thành hiện thực thì vô cùng khắc nghiệt. Với vợ chồng tiến sĩ, dường như còn khó khăn hơn. Số tiền tích góp từ hơn chục năm nghiên cứu, làm việc dồn cho trang trại nhanh chóng bay vèo. Họ buộc phải vay mượn anh em, bạn bè để có tiền cầm cự.

Chị Duyên kể, mẻ rau đầu tiên do thời tiết nắng nóng, nước tưới chưa ổn định nên đa số rau bị xấu, già và dai. Nhìn vẻ bên ngoài không được tươi ngon, một số khách hàng đã gọi điện kêu trời bày tỏ sự thất vọng. Một số khác vốn đã quen ăn các loại rau mềm nhũn thông thường, không quen với kiểu rau của trang trại nên cũng phàn nàn.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 8

Chị Duyên lên đơn rau trong ngày cho khách (Ảnh: H.A)

Sau khi vấp phải những thất bại đầu tiên, cả hai dần rút kinh nghiệm. Những luống rau "khó tính" họ dùng lưới để che phòng tránh sâu bọ khi cây còn non, sau đó, dùng các vi sinh vật bản địa ngâm với các chế phẩm hữu cơ để tạo thành nguồn đạm bón cho rau.

Họ tự trồng đậu tượng, mua trứng… lên men để tưới cho cây. Giai đoạn cây trưởng thành, họ cùng nhân công bắt từng con sâu… "Chúng tôi tốn nhiều thời gian để xử lý sâu bệnh và cỏ. Tuy nhiên, rau sau đó đủ nắng đủ gió, tích được đủ dinh dưỡng thì ngọt và ngon hơn hẳn rau bán ngoài chợ", chị Duyên nói.

Giữa năm 2021, các sản phẩm rau trong trang trại của vợ chồng vị tiến sĩ được nhiều người biết đến, đặt hàng đều đặn. Một số cửa hàng cũng ký kết hợp đồng nhập rau lâu dài. Cứ nghĩ mọi việc sẽ thuận lợi từ đây, nhưng không ngờ họ thêm một phen lao đao.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 9

Anh Chinh thuê gần chục nhân công để chăm sóc rau, xử lý sâu bọ và cỏ (Ảnh: H.A)

Tháng 6/2021, cả xã Hiệp Thuận phong tỏa vì có F0. Tháng 7/2021, Hà Nội giãn cách xã hội. Cả gia đình anh Chinh quyết định di cư xuống căn nhà container rộng 9 m2 ở trang trại để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch rau quả. Thời tiết nóng nực, lại thiếu hụt nhân công vì cả xã phong tỏa, vợ chồng tiến sĩ phải đội nắng xuyên trưa cắt bầu, bí, nhổ rau chở ra chốt kiểm dịch nhờ bạn bè đem về nhà đóng gói rồi chuyển đến cho khách.

Khi xã gỡ phong tỏa, anh Chinh xin được giấy đi đường, hai ba ngày test Covid-19 một lần để đi ship rau cho các cửa hàng ở trung tâm Hà Nội. Thời gian này, trang trại không tiếp cận được khách lẻ nên cũng sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng. Bạn bè anh Chinh, chị Duyên có người là viện trưởng, có người làm ở đại sứ quán nghe tin cũng tới "giải cứu" rau sạch, đem rau đi bán ở cơ quan của họ giúp anh chị.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 10
Khi Hà Nội hết giãn cách, trang trại lại đối diện với thách thức về thời tiết. Suốt 1,5 tháng trời, mưa lụt triền miên. Dù đất của trang trại là đất pha cát nhưng cũng không kịp thoát hết nước. Các loại rau cứ lần lượt ngập úng, hết đợt này đến đợt khác. Nhìn đồng ruộng trắng băng, các loại giống đắt đỏ thối hỏng, chị Duyên buốt ruột đến ứa nước mắt.
Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 11

Thành quả ngọt ngào của những tiến sĩ, thạc sĩ bỏ phố về quê (Ảnh: H.A).

Trải qua bao vất vả, vợ chồng tiến sĩ tự tin khẳng định rằng, các sản phẩm rau của họ trồng ra đảm bảo tiêu chí 5 không: Không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không phân bón hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không dùng giống biến đổi gen.

Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 12
Anh Chinh là nhân lực chính đảm nhận việc ship rau đi khắp Hà Nội (Ảnh: H.A)
Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 13
Lượng khách hàng của vị tiến sĩ ngày một đều đặn (Ảnh: H.A)
Vợ thạc sĩ Úc, chồng tiến sĩ Nhật nghỉ việc đi… ship rau ở Hà Nội - 14
Quãng đường anh di chuyển mỗi ngày lên tới cả trăm cây số (Ảnh: H. A)

Cách đây ít lâu, anh Chinh đón bố vợ ở Thái Bình lên thăm trang trại rau của hai vợ chồng. Nhìn những luống rau bạt ngàn xanh mướt, ông cụ mỉm cười mãn nguyện và bảo: "Bố cũng chịu thua chúng mày". Mẹ đẻ anh Chinh thì cũng an tâm hơn và tin rằng trồng rau thực sự là một "công việc hay ho", ý nghĩa, đem lại nguồn sạch thực phẩm sạch cho nhiều người như lời các con từng trấn an mình trước đó.

"Khi tôi quyết định nghỉ việc, nhiều người bảo tôi là ngu dại, dở hơi. Cũng dễ hiểu thôi bởi công việc đó nhiều người mong không được. Mình thì lại bỏ. Nhiều đồng nghiệp thì rủ sang bộ phận của họ để có cơ hội lên phó phòng, trưởng phòng nhưng tôi vẫn quyết tâm nghỉ", chị Duyên chia sẻ

"Thời gian đầu khủng khiếp lắm, nhưng giờ thì ổn hơn rồi. Nghe khách hàng nói "chỉ có rau nhà em chị mới dám ăn sống thôi", tôi mừng và vui lắm, cảm thấy không có gì phải hối hận về quyết định nghỉ việc của mình nữa. Cứ vậy mà cố gắng thôi", anh Chinh nói.