TPHCM: Hàng quán loay hoay tìm lối ra trong mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Để níu kéo doanh thu khi không được phục vụ khách tại chỗ, các tiểu thương tìm mọi cách để tăng thu nhập như khuyến mãi giảm giá, đăng ký gian hàng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội...
Để phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND TPHCM đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hộ gia đình kinh doanh ăn uống tại nhà và thức ăn đường phố chỉ được bán cho khách mang về và đặt hàng trực tuyến, không được phục vụ tại chỗ từ 0h ngày 28/5.
Theo ghi nhận của Dân trí trong 2 ngày 28 - 29/5, các hàng quán ăn uống dọc các tuyến phố lớn tuân thủ quy định này rất chặt chẽ. Các quán cà phê dọc các tuyến đường lớn như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Sa, Lê Văn Sỹ, Phan Xích Long… đều từ chối khách muốn vào, dán thông báo "chỉ bán mang về".
Những tuyến phố ăn uống nổi tiếng lâu nay như Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Phan Xích Long… cũng không còn cảnh xe máy đậu chen chúc để khách vào ăn trưa như trước. Thậm chí, nhiều hàng ăn đã đóng cửa tạm nghỉ bán.
Tại chợ 200 (đường Xóm Chiếu, Quận 4), dù đã được cơ quan chức năng tháo gỡ phong tỏa từ ngày 22/5 nhưng đến nay khá nhiều quầy ăn tại đây vẫn đóng cửa, chưa mở bán trở lại. Các hàng quán còn mở cửa thì đều treo biển thông báo "xin quý khách vui lòng mua mang về".
Cô Thảo - chủ quán phá lấu bò ở chợ 200, cho biết việc không phục vụ khách tại quán cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình mua bán ở đây. "Quán của cô bán chậm hơn trước rất nhiều", cô Thảo nói.
Tuy nhiên, theo cô Thảo thì để bảo vệ an toàn cho mình và cho người dân thành phố, việc hạn chế này là cần thiết và lượng khách thân thiết của cô cũng đã quen với việc này từ mấy đợt dịch trước. Cô cũng đã quen với việc nhận đặt hàng qua điện thoại, làm thức ăn sẵn thành từng phần rồi người làm đi xe máy giao tận nhà cho khách.
Trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn qua Quận 5), nhiều quán ăn gia đình ở mặt đường cũng đã đóng cửa tạm thời. Các hàng quán còn buôn bán cũng chỉ mở hé cửa, xếp chồng bàn ghế lên nhau để báo hiệu cho khách việc quán không phục vụ tại chỗ.
Để níu kéo doanh thu, các tiểu thương tìm mọi cách để tăng thu nhập như khuyến mãi giảm giá, đăng ký gian hàng trên các trang thương mại điện tử, đăng thông tin món ăn của quán mình mỗi ngày lên các nhóm cộng đồng cư dân ở địa phương để quảng cáo và nhận đặt hàng, giao hàng tận nơi…
Trên những nhóm mạng xã hội như Cộng đồng Củ Chi, Tôi là dân quận 9... gần đây xuất hiện toàn là những bài quảng cáo món ăn giao tận nhà của các thành viên.
Chị Huyền, chủ một quán lẩu bò ở Củ Chi cho biết: "Giờ dịch vầy thì biết làm sao giờ, phải tìm cách thôi. Cứ 10h sáng mình rao trên trang, đến tối thì chốt đơn ngày mai, rồi chuẩn bị làm các đơn đặt hàng, xong đến tầm 12h trưa đến chiều là đi giao cho khách. Hôm nào nhiều đơn thì đặt grab giao...".
Anh Dũng - chủ một quán cà phê trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8), còn tính toán bán thêm thức ăn tươi sống tại quán cà phê của mình để tăng thu nhập.
"Để đảm bảo doanh thu như trước, tôi nhập một số loại thực phẩm đông lạnh từ dưới quê lên bán để kiếm thêm", anh Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, anh Dũng và nhiều chủ quán như anh còn đăng ký thêm gian hàng online trên các ứng dụng như Now, GrabFood... để tăng thêm lượng khách.
Mặc dù chỉ thị cấm phục vụ khách ăn uống tại chỗ gây ảnh hưởng đến các hàng quán kinh doanh tại nhà và trên hè phố nhưng hầu như người dân TP đều tuân thủ rất nghiêm các biện pháp chống dịch.
Cô Hương, chủ một quán nước vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) tâm tư: "Giờ dịch phức tạp như vầy, hạn chế tiếp xúc cho an toàn. Cô mà dư dả thì cũng nghỉ bán luôn cho yên tâm".
"Cô vì miếng cơm manh áo mà phải tiếp tục bán thôi. Cứ bày hàng ra, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu chứ bán vầy cũng lo lắm. May là khách chỉ ghé ngang qua, mình làm ly nước xong là khách lấy đi liền, không phải tiếp xúc lâu", cô Hương nói.
Chị Phúc, chủ một quán cơm trên đường Hồ Văn Tắng (huyện Củ Chi) cũng cho hay: "Giờ dịch phức tạp thì ai cũng khó khăn, tình hình khó khăn chung mà. Mình giảm thu nhập một chút nhưng an toàn cho mình và mọi người!".