Tôn vinh đạo hiếu, gắn kết gia đình tại Lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên
(Dân trí) - Lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên diễn ra ngày 3/4, tại Đền Cô Bé Ngai Vàng, Sóc Sơn, Hà Nội. Sự kiện nhằm tôn vinh đạo hiếu, khơi dậy sự gắn kết gia đình.
Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức tri ân cha mẹ, bày tỏ lòng kính trọng, yêu quý, biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục.
Tại lễ khai hội, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, Lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên, đã đưa nội hàm chữ "hiếu" vào nội hàm tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt. Đây là ý nghĩa rất lớn, nên được lan tỏa, nhân rộng.
Còn theo Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, lễ hội này thể hiện một tinh thần đẹp của dân tộc Việt Nam, chạm tới mong muốn nguyện ước của nhiều người.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều hệ giá trị bị đảo lộn, việc phát huy nêu cao chữ "hiếu" đặc biệt có ý nghĩa.
Chữ "hiếu", đạo hiếu cần được nhắc nhở, lưu tâm là điều kiện cần thiết để gia đình ổn định, xã hội phát triển bền vững. "Hiếu" là biểu tượng của tình yêu thương, sự biết ơn và trách nhiệm của mỗi người đối với đấng sinh thành. Làm tròn chữ "hiếu" chính là giữ gìn đạo lý làm người, là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ, phát huy lan tỏa muôn đời.

Theo thầy Huyền Tích, lễ hội là dịp để tri ân cha mẹ, đặc biệt là để thế hệ trẻ, học hỏi và hiểu rõ hơn về chữ "hiếu" (Ảnh: H. A).
Thầy Huyền Tích, thủ nhang Đền Cô Bé Ngai Vàng, cho biết, được tổ chức vào dịp trước ngày Giỗ tổ Hùng Vương và trong tháng 3 Âm lịch - tháng Tiệc Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu - Lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên không chỉ là dịp để tri ân cha mẹ mà còn để mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, học hỏi và hiểu rõ hơn về chữ "hiếu", về giá trị gia đình, lòng yêu thương và sẻ chia.
Lễ hội cũng giúp kết nối cộng đồng, tạo ra một không gian ấm áp, ý nghĩa, để mỗi người nhớ về cội nguồn và trân trọng những gì mình đang có.

Nghi thức tri ân bậc sinh thành (Ảnh: Hồng Ngân).
Bên cạnh nghi thức tri ân cha mẹ, lễ hội năm nay còn tổ chức nhiều tiết mục tôn vinh văn hóa, lịch sử Việt Nam do các ca sĩ: Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng... thể hiện.
Hoạt động thi sáng tác thơ, bài hát nhằm tôn vinh những nhân vật hiếu thảo trong lịch sử Việt Nam cũng được nhiều người hưởng ứng.
Được con gái đưa đến lễ tri ân Bách Thiện Hiếu Vi Tiên, bà Vũ Thị Hòa (70 tuổi, ở quận Tây Hồ) chia sẻ, bà rất xúc động và mong muốn tinh thần đạo hiếu luôn được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
"Các bạn trẻ ngày nay rất bận rộn, có buổi lễ này, các cháu sẽ sắp xếp công việc, dành thời gian nghĩ đến bậc sinh thành nhiều hơn. Tôi vẫn dạy con cháu phải luôn hướng về gia đình, không có gia đình, cội nguồn thì sợi dây kết nối trong cuộc sống sẽ nhạt dần. Tôi là mẹ, là bà, hàng ngày con cháu đi hỏi về chào là tôi thấy vui rồi", bà Hòa nói.