Thực hư về khuyến cáo người ốm, có bệnh "kiêng" đi đám ma
(Dân trí) - Dù khoa học chưa chứng minh nhưng dân gian vẫn thường khuyến cáo những người có bệnh, thường xuyên đau ốm… nên kiêng đi đám tang vì sợ "hơi lạnh" sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tật nặng hơn.
Theo võ sư Trần Văn Huệ (võ đường Tĩnh Tâm, Nghệ An) - người cũng thường xuyên nghiên cứu về lĩnh vực Đông y cho biết, trong cơ thể con người gồm có phần khí và phần huyết.
Huyết là một dịch thể hữu hình, khí là thứ vô hình, đó hai yếu tố song hành giúp cơ thể kháng lại bệnh tật. Nhưng khi ốm, phần khí không thể bảo vệ được cơ thể, dễ bị tà khí (khí xấu từ bên ngoài) xâm nhập, tác động làm bệnh càng trở nên nặng hơn.
"Trong đám tang, thi thể người mất lạnh lẽo do thân nhiệt không còn, cộng thêm quá trình oxy hóa chấm dứt, quá trình phân hủy cũng diễn ra. Các vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng, phát tán ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, nếu người bị bệnh sẵn thì không nên đi đám tang, bởi sức đề kháng của họ không được như người khỏe mạnh, bệnh sẽ nặng hơn", võ sư Huệ lý giải.
Mặt khác, võ sư Trần Văn Huệ cũng lý giải "hơi lạnh" từ người chết theo hiện tượng vật lý thông thường. Theo đó, trong cơ thể con người tồn tại dòng điện sinh học, cường độ mạnh hay yếu tùy thuộc vào cơ thể của từng người.
"Cơ thể con người có cả dòng điện âm và dương. Khi chết đi sẽ chỉ còn lại phần điện tích âm, nếu người sống đứng gần sẽ xảy ra hiện tượng tương tác vật lý (cùng dấu thì đẩy ra, khác dấu thì hút lại). Những người khỏe mạnh thì khó có thể cảm nhận được, nhưng nếu là người sức khỏe yếu sẽ cảm thấy sởn gai ốc vì lạnh. Thực chất, đó là sự tiếp xúc giữa hai điện tích trái dấu", võ sư Huệ nói.
Còn theo TS. Bàn Tuấn Năng - Viện văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, khoa học hiện đại chưa chứng minh được về hiện tượng "hơi lạnh" trong đám tang. Nhưng xét ở góc độ Đông y thì việc kiêng hơi lạnh trong đám tang trong dân gian là có cơ sở. Bởi, Đông y chữa bệnh luôn nhìn nhận một cách tổng phổ, và tìm gốc vấn đề đề giải quyết triệt để.
"Theo quan niệm âm - dương trong Đông y, khi con người sức khỏe bình thường thì âm và dương cân bằng. Nhưng khi ốm hoặc mắc bệnh thì phần khí âm trong cơ thể sẽ cao hơn, nếu nhận thêm khí âm (khí lạnh) từ đám tang khiến âm dương mất cân bằng trầm trọng, từ đó bệnh tật tiến triển theo chiều hướng xấu", - TS. Năng cho hay.
Tuy vậy, một số bác sĩ ở các bệnh viện lại cho rằng, việc kiêng hơi lạnh trong đám tang là không có cơ sở khoa học, các trường hợp đi đám tang về bị đau ốm, phát bệnh, thậm chí là tử vong… có thể là trùng hợp.
Người có cơ thể ốm yếu sẵn, khi đi đám tang tâm lý ở trạng thái dễ bị kích thích, về nhà hay mất ngủ vì nghĩ ngợi, sức khỏe từ đó tiến triển theo chiều hướng không tốt, dẫn đến bệnh tật nặng hơn.
Về mặt khoa học, khi con người mất đi thì yếu tố đầu tiên là thoát nhiệt, một số hóa chất có sẵn trong cơ thể của con người cũng thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trong các nhóm bệnh, độc chất đó thì chỉ có một số lây qua đường không khí, số còn lại lây qua đường dịch tiết, máu, nước bọt… Do vậy, không thể nói nói tất cả bệnh tật đều lây lan qua đường không khí.
Bác sỹ Thái Hòa - Trưởng Khoa nội 2 (Bệnh viện K) khẳng định thêm: "Không có mối liên quan, bằng chứng khoa học nào giữa chuyện đi đám ma khiến bệnh nặng lên, hay xuất hiện thêm bệnh. Với bệnh nhân ở bệnh viện K, chúng tôi chỉ định họ kiêng khem liên quan đến một số thuốc điều trị. Tùy từng loại thuốc mà đưa ra phương pháp kiêng cữ khác nhau".