Tâm sự nhói lòng của nhân viên nhà tang lễ mỗi dịp Tết đến

Phi Hùng

(Dân trí) - Những nhân viên ở nhà tang lễ thường giữ một "giới hạn" nhất định, đặc biệt vào dịp Tết họ hạn chế tối đa việc giao lưu bên ngoài vì sợ mang điều tiếng làm cho người khác gặp phải "đen đủi".

Bí ẩn về "hơi lạnh" từ người chết

Trung bình mỗi ngày nhà tang lễ thành phố Hà Nội tổ chức 6-7 đám tang, trước khi lễ tang được chính thức diễn ra, các nhân viên nhà tang lễ phải tất bật chuẩn bị nhiều công đoạn từ việc tiếp nhận, bảo quản thi thể đến khâu thay quần áo, trang điểm... cho người quá cố.

Mặc dù chưa có cơ sở khoa học, nhưng từ xa xưa trong dân gian vẫn thường khuyến cáo những người có bệnh tật, hay ốm yếu… nên kiêng đi đám tang vì sợ "hơi lạnh" sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tật nặng hơn.

Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với xác người, vì thế bản thân những nhân viên làm ở đây cũng khá duy tâm, họ luôn ý thức phòng tránh "hơi lạnh" từ mình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân và những người xung quanh.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu C. (42 tuổi) cho biết mình đã có gần 20 năm làm việc tại nhà tang lễ thành phố Hà Nội, bản thân anh và đồng nghiệp luôn quan niệm "có kiêng, có lành".

Tâm sự nhói lòng của nhân viên nhà tang lễ mỗi dịp Tết đến - 1
Những nhân viên nhà tang lễ luôn ý thức phòng tránh "hơi lạnh" cho mình và cho người khác.

Anh C. lý giải: "Khi con người mất nghĩa là 'thoát dương', lúc này họ là một người 'âm' thực sự. Nếu không được bảo quản lạnh, các bệnh tật trong cơ thể người mất sẽ phát ra, ảnh hưởng đến những người còn sống. Vì thế, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp nhận thi thể để bảo quản, tránh tuyệt đối không lây lan các bệnh tật của người quá cố ra bên ngoài.

Do làm nghề tâm linh nên chúng tôi cũng duy tâm, chuyện bị nhiễm hơi lạnh từ người chết là khó tránh khỏi. Việc kiêng hơi lạnh cho mọi người trong gia đình và mọi người xung quanh cũng được tôi và đồng nghiệp lưu ý.

Chẳng hạn như thời điểm gia đình có con nhỏ, người thân bị ốm,… thì sau giờ tan làm, điều đầu tiên tôi về nhà là hơ qua lửa, cởi bỏ bộ đồ đang mặc ngâm vào nước nóng. Rồi tắm rửa sạch sẽ, sau đó mới có thể tiếp xúc với người thân".

Mặc dù vậy theo anh C., nhiều khi trong người mệt vì cảm cúm, anh vẫn đi làm bình thường, nhưng không thấy sức khỏe có vấn đề gì bất thường. May mắn, khi tiếp xúc với thi thể người chết nhân viên nhà xác có đồ bảo hộ, phòng ngừa bệnh tật.

Còn theo ông Nguyễn Đình Thăng - Phó trưởng phòng tổ chức hành chính nhà tang lễ thành phố Hà Nội cho biết, đến giờ khoa học chưa giải thích được về "hơi lạnh" từ người đã chết mà dân gian vẫn lưu truyền.

Nhưng theo ông: "Sau một khoảng thời gian mất đi, cơ thể người chết sẽ trở nên cứng đơ, chạm vào sẽ cảm nhận được hơi lạnh toát ra rất rõ. Người bị bệnh về xương khớp khi đi đám về thường sẽ có hiện tượng bị đau nhức, tê buốt. Thậm chí, khi vừa ra khỏi đám tang, nếu ai để ý sờ hai đầu gối sẽ thấy lạnh toát.

Bên cạnh đó, một số người bị ung thư đi đám tang về bệnh sẽ nặng hơn. Bản thân tôi đã từng chứng kiến vài trường hợp trong họ nhà mình bị ung thư, sau khi đi đám tang về bệnh tình mỗi lúc một nặng. Tất nhiên, những trường hợp trên tôi cũng chẳng thể lý giải nổi".

Nỗi buồn khi Tết đến, xuân về

Chính vì việc phải kiêng "hơi lạnh" mà ông Thăng và các đồng nghiệp thường tự giữ một "giới hạn" nhất định khi đi giao lưu bên ngoài. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, họ thường chỉ đến nhà người thân - những người hiểu và thông cảm cho cái nghề của họ nhất.

"Mặc dù xã hội ngày nay có nhiều quan niệm thoáng hơn, chẳng ai nói gì chúng tôi. Nhưng vào dịp tết, chúng tôi thường chỉ đến nhà bố mẹ, anh em ruột thịt và đồng nghiệp, còn ở bên ngoài chúng thôi thường để sau dịp tết mới dám đi.

Tâm sự nhói lòng của nhân viên nhà tang lễ mỗi dịp Tết đến - 2
Ngay cả khi có người quen bị ôm, các nhân viên cũng chỉ biết gửi lời hỏi thăm.

Mình đến với tấm lòng, nhưng chẳng may nhà người ta gặp chuyện gì thì lại nghĩ ngay đến mình mang xui xẻo tới cho gia đình họ, thế nên chúng tôi tránh mặt là vì vậy.

Ngay cả khi có người quen ốm, cũng chỉ dám gửi lời hỏi thăm động viên chứ rất ít khi trực tiếp tới thăm vì sợ bệnh của họ sẽ nặng hơn lại đổ lỗi tại mình", ông Thăng tâm sự.

Tâm sự nhói lòng của nhân viên nhà tang lễ mỗi dịp Tết đến - 3
Những ngày đầu năm mới, các nhân viên nhà tang lễ thường chỉ đi chúc tết ở nhà người thân, đồng nghiệp.

Cũng theo ông Thăng, những người làm ở nhà tang lễ luôn tránh đi thăm phụ nữ mới sinh, vì theo quan niệm dân gian người tiếp xúc với thi thể nhiều sẽ bị "ám" hơi lạnh, nếu đứng gần phụ nữ mới sinh sẽ làm cho họ bị mất sữa.

Ngoài ra ông Thăng cũng chia sẻ, những thi thể đưa vào nhà tang lễ thành phố luôn được ông và đồng nghiệp xem như chính người nhà, mọi công việc đều làm đúng trách nhiệm và lương tâm.

Điều làm ông và các đồng nghiệp cảm thấy buồn nhất không phải vì sợ miệng lưỡi hay sự xa lánh của người đời về cái "nghề" của mình, mà việc nhiều gia đình tổ chức đám tang cho người chết vào ngày 30 tết một cách rất nhanh chóng khiến ông cảm thấy tủi thân thay cho người mất.

"Cứ đến ngày 30 tết tôi lại thấy thương và khóc thay cho những người chết, có gia đình rất đông con cháu, thậm chí có địa vị, nhưng tôi cảm thấy họ hắt hủi người đã chết. Dường như họ chỉ muốn cử tang lễ một cách nhanh chóng mà không muốn để sang ngày đầu năm mới vì sợ đen đủi", ông Thăng nói.