Tháng 7 “cô hồn”: Có nên kiêng kị theo quan niệm dân gian?

(Dân trí) - Theo chuyên gia văn hóa dân gian Hùng Vỹ, những kiêng kị trong tháng 7 âm lịch được truyền miệng từ đời này sang đời khác, lâu dần hình thành thói quen mà không có cơ sở khoa học.

Chuyên gia văn hóa dân gian Hùng Vĩ cho biết, tục lệ cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch là một tín ngưỡng được truyền từ đời này sang đời khác. Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ cổ tích Trung Quốc. Cũng như trên trần thế có vua cai quản đất nước, người Trung Quốc tin rằng, thế giới sau khi chết cũng sẽ có người cai quản – đó chính là Diêm Vương.

Vào ngày 2/7 âm lịch đến 12 giờ đêm ngày 14/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở cửa Quỷ Môn Quan cho các vong hồn chốn địa ngục được “ngao du” ở cõi trần thế. Vào thời gian này, ở Việt Nam người dân thường cúng: cháo, gạo, muối… cầu siêu cho những vong hồn đã khuất.

Việc cúng “cô hồn” không chỉ là để khỏi quấy phá mà vì muốn làm phúc, giúp các “cô hồn” có ngày được no nê, đỡ tủi phận. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa: con người dù có gây ra tội lỗi gì cũng có một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn.

Việc làm lễ và chuẩn bị các đồ cúng lễ theo chuyên gia Hùng Vỹ cần đơn giản, không cần phô trương, cầu kỳ quan trọng nhất là thành tâm và hiểu đúng bản chất của nghi lễ này để có cách ứng xử phù hợp.
Việc làm lễ và chuẩn bị các đồ cúng lễ theo chuyên gia Hùng Vỹ cần đơn giản, không cần phô trương, cầu kỳ quan trọng nhất là thành tâm và hiểu đúng bản chất của nghi lễ này để có cách ứng xử phù hợp.

Theo chuyên gia văn hóa Hùng Vỹ, trong lễ cúng cô hồn không nhất thiết phải làm lớn mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Vào ngày này, có thể sắp một mâm cơm chay, hoa quả, hương, hoa, trà thuốc, thành tâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người đã khuất.

Ngoài ra, chuẩn bị thêm một lễ cúng cô hồn (chúng sinh). Trên mâm cúng chúng sinh có thể chuẩn bị: muối gạo, cháo trắng nấu loãng, hoa quả, các loại bỏng ngô, bánh kẹo… đặt ở ngã ba đường, gần miếu, gốc đa, đầu làng…. Hoặc cũng có thể thực hiện nghi lễ cúng chúng sinh ở nhà chùa.

Lễ cúng cô hồn (chúng sinh) được tổ chức vào buổi chiều ngày 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch), bởi theo theo quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục. Việc làm lễ và chuẩn bị các đồ cúng lễ theo chuyên gia Hùng Vỹ cần đơn giản, không cần phô trương, cầu kỳ quan trọng nhất là thành tâm và hiểu đúng bản chất của nghi lễ này để có cách ứng xử phù hợp.

Hiện nay, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ lớn, sắm thuyền vàng, ngựa voi để đốt cho người âm. Điều này, theo chuyên gia Hùng Vỹ là không cần thiết. “Tục cúng cô hồn là một tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa nhân văn nhưng nhiều người lại sa vào mê tín, dị đoan. Người ta ganh nhau, đua nhau “đốt” thật nhiều tiền bạc cho người âm, để họ phù trợ mà không hiểu rằng những toan tính này phạm vào giáo lý nhà Phật. Nếu mình “đốt” vàng mã để cầu là phạm vào “tham”, đốt mà không hiểu biết, theo phong trào là phạm vào “sân, si””, ông Hùng Vỹ nói.

Chia sẻ về những kiêng kị được nhiều người truyền tai nhau trong tháng 7 Âm lịch như: kiêng làm nhà, kiêng khai trương, cưới hỏi làm các công việc đại sự…, chuyên gia văn hóa này cho biết đây là những tập tục được truyền từ đời này sang đời khác, lâu dần hình thành thói quen mà không có cơ sở khoa học. “Những quan niệm này xuất phát từ tâm lý “có thờ, có thiêng, có kiêng có lành” của người Việt. Tuy nhiên, mọi người chỉ nên tham khảo, hãy tìm hiểu theo khoa học, cái gì phù hợp thì theo”, ông Hùng Vỹ nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, các gia đình nên coi đây như dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã khuất, làm việc thiện nguyện, báo hiếu ông bà, cha mẹ, không nên sa đà vào mê tín dị đoan hay sắm sửa đồ lễ đắt tiền. “Việc kiêng kị quá nhiều mà không có cơ sở không khác gì mua dây tự trói mình làm cho cuộc sống trì trệ, ảnh hưởng và kém phát triển”, ông Vỹ khẳng định.

Hiệp Nguyễn