DNews

Sợ camera quay lén, nhiều cô gái lục tung mọi ngóc ngách mới dám đi vệ sinh

Thư An

(Dân trí) - Tại Hàn Quốc, vấn nạn đặt camera quay lén được xem như "đại dịch". Phụ nữ ở đây luôn cảm thấy bất an, sợ mình trở thành con mồi của những kẻ biến thái.

Sợ camera quay lén, nhiều cô gái lục tung mọi ngóc ngách mới dám đi vệ sinh

"Tôi sợ sử dụng nhà vệ sinh mỗi khi ra ngoài. Nếu không còn cách nào khác, tôi sẽ dành vài phút kiểm tra xem có camera giấu trên bồn cầu, khe hở giữa các bức tường, cửa phòng tắm, bản lề... hay không. Ngay cả khi đã chắc chắn không có gì, tôi vẫn cảm thấy lo lắng, sợ mình có thể bị quay lén.

Cách đây vài ngày, tôi vào một nhà vệ sinh nữ ở ga tàu Dongdaegu. Hầu như phòng nào cũng có ít nhất một kẽ hở đã được những người phụ nữ khác bịt lại".

Đó là dòng chia sẻ của một phụ nữ Hàn Quốc trên trang blog (một dạng nhật ký trực tuyến) nói về cuộc khủng hoảng camera quay lén (hay còn gọi là "molka") ở đất nước kim chi.

Tại đây, những chiếc máy quay lén được cài đặt và phát hiện hàng ngày ở khắp các không gian công cộng, nhằm ghi lại những khoảnh khắc nhạy cảm của phụ nữ. Nhiều camera được giấu kín, trong khi số khác được ngụy trang thành đồ đạc thông dụng như đồng hồ, chìa khóa xe, USB, tranh vẽ.

Các video quay trộm được phát tán và bán trên nhiều diễn đàn trực tuyến mà nạn nhân không hề hay biết. Khoảng 80% nạn nhân là nữ, trong khi phần lớn thủ phạm là nam giới, theo Spheresofinfluence.

"Đại dịch" quay lén

Tội phạm tình dục kỹ thuật số liên quan đến việc chụp các hình ảnh hoặc video nhạy cảm mà không có sự đồng thuận. Những tội ác này ảnh hưởng nặng nề tới nạn nhân, thậm chí đến cách phụ nữ di chuyển trong không gian công cộng, trang phục họ mặc và người họ tin tưởng.

Theo tạp chí TIME, trong vòng 5 năm (2013-2018), cảnh sát Hàn Quốc đã nhận được hơn 30.000 báo cáo về các máy quay bất hợp pháp tìm thấy ở nơi công cộng.

Năm 2017, cảnh sát Seoul thành lập đội chuyên kiểm tra các camera ẩn trong khách sạn và nhà vệ sinh công cộng. Năm 2019, cơ quan chức năng phát hiện một nhóm quay lén có tổ chức, vận hành hàng trăm camera siêu nhỏ giấu trong ổ cắm điện và màn hình tivi ở các khách sạn trên 10 thành phố khác nhau nhằm quay lén khách. Khoảng 1.600 người trở thành nạn nhân trước khi sự việc bị phanh phui.

Sợ camera quay lén, nhiều cô gái lục tung mọi ngóc ngách mới dám đi vệ sinh - 1

Jung Joon Young bị đưa ra xét xử vào tháng 3/2019 vì tội cưỡng dâm, quay lén phụ nữ (Ảnh: The Korea Times).

Cũng trong năm 2019, Hàn Quốc rung chuyển vì vụ bê bối của nhiều người nổi tiếng, trong đó có ngôi sao Kpop - Jung Joon Young. Người này thừa nhận, anh ta đã bí mật quay lại cảnh mình quan hệ với phụ nữ và chia sẻ chúng.

Năm 2021, cảnh sát báo cáo hơn 16.866 tội phạm tình dục kỹ thuật số. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, con số thực tế còn cao hơn vì nhiều trường hợp không được báo cáo.

Luật hiện hành của Hàn Quốc quy định, những người phát tán hình ảnh trái phép có thể bị phạt tiền hoặc kết án tối đa 5 năm tù. Tuy nhiên, đại diện của một tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị quay lén cho biết, hơn 63% trường hợp không dẫn đến hành động pháp lý. Không phải nạn nhân không muốn tìm công lý, mà hành trình đó để lại rất nhiều tổn thương.

"Tại sao chúng tôi phải làm điều này?"

Sảnh cưới đã được đặt và đồ đạc trong nhà đều được sắm sửa nhưng cô dâu Lee Yu Jung (26 tuổi) - một trong hàng nghìn phụ nữ là nạn nhân của nạn quay lén ở Hàn Quốc - không thể có mặt. Tháng 9/2020, nhà nghiên cứu trẻ đã tự kết liễu đời mình sau khi bị một đồng nghiệp quay lén trong phòng thay đồ ở bệnh viện nơi cả hai cùng làm việc.

Theo The Korea Times, đây là trường hợp tử vong liên quan đến camera quay lén đầu tiên được báo cáo ở Hàn Quốc.

Đoạn phim của Lee được tìm thấy trong một kho video khổng lồ về phụ nữ. Tất cả đều bị quay lén bất hợp pháp bằng các thiết bị rẻ tiền, chỉ nhỏ bằng một chiếc móc chìa khóa.

"Tôi rất tức giận. Tôi không muốn tin rằng con bé đã ra đi", Lee Young Tae - cha của nạn nhân - đau buồn nói.

Trước khi con gái qua đời, ông Lee cho biết, cô đã uống rượu và dùng thuốc chống trầm cảm sau khi cảnh sát bắt giữ người đàn ông quay phim trái phép trong siêu thị. Sau đó, cảnh sát phát hiện kho video chứa toàn nội dung nhạy cảm mà anh ta đã quay lén, trong đó có Lee.

Sợ camera quay lén, nhiều cô gái lục tung mọi ngóc ngách mới dám đi vệ sinh - 2

Camera được cảnh sát phát hiện giấu bên trong ổ cắm trên tường và giá đỡ máy sấy của khách sạn trong vụ án quay lén 1.600 người gây chấn động năm 2019 (Ảnh: South Korea National Police Agency).

Thực tế, không phải nạn nhân quay lén nào cũng tìm được công lý. Kyung Mi là một trong những người may mắn đó.

Tháng 8/2016, Kyung Mi trình báo cảnh sát sau khi cô bắt gặp bạn trai là nam ca sĩ Jung Joon Young quay lén cảnh họ thân mật. Tuy nhiên, cô từ bỏ sau khi được thông báo không thể thu giữ điện thoại của Jung.

3 năm sau, khi Jung bị bắt, cảnh sát kiểm tra và phát hiện điện thoại của anh ta có chứa hình ảnh nhạy cảm của 12 phụ nữ, trong đó có Kyung Mi. Jung sau đó bị kết án 5 năm tù.

Những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một số biện pháp nhằm ngăn chặn "đại dịch" quay lén. Trong đó, năm 2018, chính phủ nước này tuyên bố thành lập đội đặc nhiệm tiến hành kiểm tra thường xuyên các nhà vệ sinh công cộng trong thành phố nhằm truy quét camera quay lén. Hình phạt nghiêm khắc hơn cũng được áp dụng đối với tội phạm tình dục kỹ thuật số.

Trong khi đó, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm hỗ trợ nạn nhân từ tư vấn tâm lý, điều tra đến tố tụng.

Là một phụ nữ sống ở Seoul (Hàn Quốc), đạo diễn phim Youjin Do cũng luôn dáo dác tìm kiếm những khe hở mỗi lần bước vào nhà vệ sinh công cộng.

"Không khó để tìm thấy, chúng thực sự ở khắp nơi. Tôi còn nhìn thấy vết tích của những người phụ nữ khác khi cố che đi vị trí nào khả nghi. Một số nhét khăn giấy, một số được che bằng băng dính, một số có bút đánh dấu. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát. Tại sao chúng tôi phải làm điều này? Thật điên rồ", cô cảm thán.

Năm 2022, bộ phim tài liệu Open Shutters do Do làm đạo diễn và nhà sản xuất được công chiếu. Bộ phim theo chân Jieun Choi - một nhà báo ở Hàn Quốc đang điều tra nạn dịch đặt camera quay lén ở nước này.

Bản thân Choi cũng là mục tiêu. Khi một sĩ quan cảnh sát bấm chuông cửa nhà Choi vào đêm khuya, cô mới phát hiện rằng, mình đang bị một người đàn ông quay lén từ trên sân thượng của một tòa nhà gần đó.

Do cho rằng, với những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc, cách xã hội nhìn nhận vấn nạn quay lén đã dần thay đổi. Cô dẫn chứng: "Hồi đó, nếu có một anh chàng chụp ảnh một phụ nữ trên tàu điện ngầm rồi đăng lên mạng và nói: "Này, nhìn đôi chân này đi", không ai nghĩ rằng điều đó là ghê gớm. Nhưng sau tất cả nỗ lực, cuối cùng, mọi người cũng bắt đầu nói: "Điều này thực sự khủng khiếp".

Nhưng cho đến khi vấn nạn quay lén thực sự được ngăn chặn, mỗi khi bước vào nhà vệ sinh công cộng, phụ nữ vẫn phải lục tung mọi ngóc ngách để tìm camera giấu kín rồi mới dám đi vệ sinh.