DMagazine

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa?

(Dân trí) - TPHCM hay Sài Gòn từ lâu đã là đầu tàu kinh tế của cả nước, điểm đến của triệu triệu người lao động. Thế nhưng, đã bao giờ bạn thực sự hiểu hết ý nghĩa của 2 tiếng "Sài Gòn" chưa?

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng thực sự đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa?

(Dân Trí) - Thành phố Hồ Chí Minh hay còn được gọi với cái tên thân thương - Sài Gòn - từ lâu đã là đầu tàu kinh tế của cả nước, điểm đến của triệu triệu người dân lao động. Thế nhưng, đã bao giờ bạn thực sự hiểu hết ý nghĩa của 2 tiếng "Sài Gòn" chưa?

Vào thế kỷ XX, khi người phương Tây du nhập vào nước ta, các học giả đã cố gắng lý giải về tên gọi Sài Gòn và lý do tại sao nó lại trở nên gần gũi thân thuộc đối với mọi người.

Trong vòng hơn một thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn tiếp tục giải thích nguồn gốc của địa danh này. Mặc dù, những giả thuyết vẫn còn nhiều hạn chế và chưa nhận được sự đồng tình tuyệt đối, thế nhưng đã phần nào mang tới cái nhìn rõ nét về vùng đất văn hóa này.

Ở bài viết lý giải về tên gọi Sài Gòn này, tôi xin được trích dẫn những lý giải trong cuốn sách Địa danh học Việt Nam của PGS.TS Lê Trung Hoa. Những cách giải thích gắn liền với văn hóa, tính cách và phẩm chất con người phương Nam sẽ giúp độc giả hiểu hơn về 2 tiếng "Sài Gòn" thân thương.

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa? - 1

Sài Gòn, tưởng chừng thân quen, nhưng bạn đã từng đặt câu hỏi nó mang ý nghĩa như thế nào chưa?

Sài Gòn là Thầy Gòn

Về giả thuyết này cho rằng, trước kia có có một ông thầy tên Gòn. Vì quá nổi tiếng nên người ta đã lấy chức danh và tên ông - Thầy Gòn - để gọi vùng đất Chợ Lớn. Về sau vì nói chệch, Thầy Gòn biến thành Sài Gòn.

Tuy vậy, theo PGS.TS Lê Trung Hoa thuyết này vẫn còn nhiều nhược điểm. Ví như, thầy giáo và thầy thuốc thời điểm đó rất sùng chữ Hán, nên khó có thể gọi mình với cái tên nôm na: Gòn. Trong các địa danh Nam Bộ cũng chưa thấy một địa danh nào có từ tố "Thầy" bị nói chệch thành "Sài" mà các từ tố "Sài" ở đằng trước đều có nguồn gốc Khơ-me…

Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây Cống là nguồn gốc của Sài Gòn

PGS.TS Lê Trung Hoa chia sẻ: Năm 1778, một số người Hoa ở cù lao Phố (Đồng Nai) đã di chuyển xuống vùng Chợ Lớn lập nên một thành phố, gọi theo âm Hán Việt là Đê Ngạn, Đề Ngạn hay Tây Công. Theo giọng Quảng Đông và Triều Châu lúc đó, họ đã đọc các địa danh là Tai Ngon, Thầy Ngồn, Thì Ngòn, Ti Ngan, Xi Cún hay Xây Cón… Về sau, người Việt gọi chệch thành Sài Gòn.

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa? - 2

Mặc dù các lí giải vẫn chưa nhận được sự đồng tình, thế nhưng đều cho thấy văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người nơi đây.

Mặc dù về mặt ngữ âm, các tên gọi tên trên đều gần với Sài Gòn, thế nhưng giả thuyết này đều bị nhiều thực tiễn lịch sử và ngôn ngữ bác bỏ. Trong đó, hiện tượng người Hoa đặt địa danh theo giọng của họ và người Việt gọi theo hiếm thấy ở Nam bộ nói chung và ở thành phố nói riêng.

Thực tiễn ngôn ngữ cho thấy khi cần phiên âm một địa danh thì mỗi người, mỗi dân tộc sẽ có cách phiên theo ý riêng của mình chứ không có trường hợp ngược lại. Và mạnh mẽ nhất là lịch sử năm 1776 Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã nhắc tới địa danh Sài Gòn vì nó liên quan đến một sự kiện lịch sử năm 1674. Vì vậy, địa danh Sài Gòn đã có trước khi người Hoa đặt chân đến Chợ Lớn (1778).

Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor, Cai Ngon là nguồn gốc của Sài Gòn

Theo đó, nhà bác học Trương Vĩnh Ký căn cứ vào mặt chữ Hán và chữ Nôm ghi âm địa danh Sài Gòn trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức để phân tích ý nghĩa từng chữ. Trong đó, Sài là "củi", Gòn là "cây gòn". 

Báo Le Courrier de Saigon số ra ngày 20/1/1868 cũng đã khẳng, định giả thuyết Kai Gon (cây gòn) cho ra Sài Gòn. Đồng thời, không ít người cũng cho rằng trước kia ở vùng Chợ Lớn có khu rừng gòn nên người Khơ-me đã gọi là Prey Kor (rừng gòn). Mặt khác, người Thái Lan gọi rừng gòn là Cai Ngon. Vì vậy, Prey Kor, Cai Ngon hoàn toàn có thể sinh ra Sài Gòn.

Thế nhưng, PGS.TS Lê Trung Hoa cho biết, giả thuyết trên vẫn có nhiều vướng mắc. Thứ nhất, trước nay  trong từ Hán Việt, "Sài" chỉ xuất hiện trong từ ghép (như sơ sài, sài tân hay tân sài (vựa củi), chứ chưa bao giờ là một từ đơn, nghĩa là dùng độc lập. 

Kế đến, người Việt không gọi cai (kai) mà gọi cây và cây, nên không thể nói chệch thành Sài.

Tiếp theo, mặc dù tổ hợp ngữ âm Prey Kor có thể cho ra Sài Gòn, thế nhưng từ tố này chưa hề xuất hiện trong văn bản cổ nào và cũng không có bất kì tài liệu nào chứng tỏ trước kia ở vùng Chợ Lớn có rừng gòn.

Sau cùng, chưa từng có sự kiện người Thái Lan gọi một địa danh của người Khơ-me hay người Việt, rồi về sau người Khơ-me và người Việt gọi theo.

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa? - 3

Là dân tứ phương đổ về mưu sinh nên người ta dễ dàng đồng cảm, yêu thương, san sẻ khó khăn với nhau.

Glainagara là nguồn gốc của Sài Gòn

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế dựa vào lịch sử và đặc trưng của địa danh vùng Đông Nam Á đã từng đưa ra giả thuyết: có thể một địa danh gốc do một từ Nam Á Glai (nghĩa là rừng) kết hợp với một từ Sanskrit Nagara (thị trấn) tạo ra tổ hợp Glai Sanskrit với nghĩa "thị trấn trong rừng" nhằm chỉ khu vực người Hoa sinh sống ở Chợ Lớn thời trước. 

Về mặt ngữ âm, Glai rất dễ biến thành Sài và Nagara chuyển thành Gòn. Thế nhưng, trong cuốn Địa danh học Việt Nam, PGS.TS Lê Trung Hoa chia sẻ đây chỉ là một giả thuyết đang tiếp tục nghiên cứu vì chưa có đủ cứ liệu.

Prey Nokor hay Brai Nagara là nguồn gốc của Sài Gòn

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, nhà bác học Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên cho rằng Prey Nokor (thị trấn trong rừng) là nguồn gốc của Sài Gòn. Năm 1974, Martine Piat cũng đã khẳng định Brai Nagara (thị trấn trong rừng) là dạng gốc của Sài Gòn. Trong đó, cả Prey và Brai là 2 cách viết của người Khơ-me để chỉ cùng từ "rừng".

Bên cạnh đó, Launay cho biết năm 1747 ở vùng Gia Định xưa có 2 địa danh Rai-gon thong (Sài Gòn Thượng) và Rai-gon ha (Sài Gòn Hạ). Và tiền thân của Sài Gòn là Rai Gon, và Rai Gon bắt nguồn từ Brai Nagara hay Prey Nokor.

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa? - 4

Ở Sài Gòn bạn không khó để bắt gặp những con người hào sảng, tốt bụng. Trong ảnh là ông Võ Thanh Vinh (60 tuổi, ngụ Tân Bình) thường xuyên sửa xe miễn phí cho người dân gặp nạn trên đường.

PGS.TS Lê Trung Hoa cho biết, dựa trên hai mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ, ý kiến Brai (hay Prey) Nokor là nguồn gốc của Sài Gòn có khả năng đúng nhất. 

Thứ nhất, địa danh Sài Gòn khá cổ mà phần lớn địa danh của Khơ-me cũng rất cổ.

Thứ hai, địa danh Sài Gòn không có ý nghĩa gì trong tiếng Việt, nên khả năng phiên âm từ tiếng của dân tộc khác là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ ba, địa danh Brai Nagara có trong lịch sử và sự kiện một thị trấn ở Chợ Lớn trước kia nằm giữa rừng là thật.

Thứ 4, về mặt ngữ âm, Brai Nokor có cơ sở đọc thành Rai gon và đọc chệch thành Sài Gòn.

Thứ 5, trong lịch sử địa danh học đã có các địa danh có từ tố "Sài" đứng trước thường là địa danh Khơ-me như Sài Mẹt, Sài Mạt (một sóc ở Campuchia).

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn đã là địa danh quen thuộc với hàng triệu người dân, là vùng đất hứa cho dân tứ phương trăm miền tụ về làm ăn sinh sống. 

Sau này, vùng đất phương Nam được đổi tên hành chính thành Thành phố Hồ Chí Minh, lại tục mang trong mình sứ mệnh kinh tế - văn hóa đầu tàu của đất nước, đến nay vẫn liên tục đổi thay và không ngừng phát triển.

Sài Gòn, bạn nghe quen, nhưng đã biết mang ý nghĩa như thế nào chưa? - 5

Nội dung: Huy Hậu

Thiết kế: Thủy Tiên