(Dân trí) - Nước lũ năm nay về muộn, nhiều nghề ăn theo mùa lũ hẩm hiu. Tuy nhiên, với những hộ dân đặt dớn bắt cá linh, thu nhập hơn nửa triệu đồng/mỗi ngày.
Mùa nước nổi hay mùa lũ ở miền Tây bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 - 11 dương lịch) hàng năm. Vào thời gian này, các cánh đồng nằm ngoài đê bao nước ngập trắng đồng. Tại các huyện đầu nguồn như An Phú, Châu Phú (tỉnh An Giang), huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) mực nước sâu từ 3-4m nước.
Trong khoảng thời gian này, dân sống nghề "bà cậu" - nghề câu, lưới, lờ, lọp, dớn… đua nhau "ra khơi"; đánh bắt tôm, cá, cua, cá linh - loại cá "trời cho" người dân miền Tây vào mùa nước nổi, tăng thêm thu nhập khi hết mùa cày cấy.
Nhưng năm nay, nước lũ về muộn, mực nước thấp hơn mọi năm so với cùng kỳ từ 0,4 m - 0,5 m. Đa phần người dân sống nghề câu, lưới bắt cá, "than trời" khi lượng cá, tôm… giảm hơn một nửa so với mọi năm. Nhưng với dân đặt dớn bắt cá linh, kiếm hơn nửa triệu đồng/ngày.
Ghi nhận tại cánh đồng nước lũ huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang), tờ mờ sáng, hàng chục hộ dân chuyên sống nghề đặt dớn, lú.. tập trung tại đầu kênh 13 (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang), đúng 6h, cán bộ tại Chốt phòng dịch này mở cửa cho dân ra đồng đánh bắt cá đến 18h mỗi ngày.
Anh Huỳnh Văn Khanh - ấp Phú Thuận, xã Phú Hội cho biết, mùa nước nổi năm nay về muộn và mức nước hiện tại thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 0,4m nước. Tuy nhiên, với dân sống nghề đặt dớn, lú vẫn ra đồng đặt dớn, bắt cá kiếm sống qua ngày được.
Năm nay, anh Khanh đặt 20 cặp dớn (mỗi cặp 4 tay dớn), cả ngày "quần thảo" trên cánh đồng nước lũ anh bắt từ 4-6kg cá linh non (người dân còn gọi là cá trời cho, vì cá này chỉ xuất hiện khi lũ về) bán cho ghe đục (ghe mua cá còn sống) với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Số cá linh chết và những loại cá nhỏ khác, anh bán cho thương lái làm cá mồi với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của anh Khanh từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày.
Còn anh Nguyễn Văn Mật - ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, cùng nghề đặt dớn như anh Khanh cho biết, năm nay bà con làm nghề đặt lợp cua, lợp tôm thì hắt hiu. Chỉ nghề đặt dớn, còn ra đồng "kiếm ăn" được, vì thu nhập bình quân mỗi ngày trên 500.000 đồng. Nhưng theo anh Mật, nghề đặt dớn bắt cá linh chỉ có thu nhập khá trong một tháng đầu mùa nước nổi.
Ông Lê Văn Hường - xã Phú Hội, huyện An Phú có trên 8 năm làm lọp cua cho biết, những năm trước đây, mỗi khi tới mùa nước nổi, ông làm và bán trên 1.000 cái lọp cua. Một hai năm trở lại đây, nước về muộn, mức nước không cao, cộng với chuyện người dân không qua đồng Campuchia đặt lọp nên ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập những người bán lọp, câu, lưới như ông.
Ông Bùi Thanh Sơn - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, toàn xã Phú Hội trên 2.000 hộ, với tổng số dân trên 9.000 người, trong đó có khoảng 30 % dân số sống nghề câu, lưới.
Năm nay, lũ nhỏ, cộng với dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, từ Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách phân bổ gạo tạm trữ của Chính phủ cho hộ nghèo và các chính sách của UBND tỉnh An Giang về việc hỗ trợ nhóm lao động tự do, hộ nghèo, bán vé số… đã giúp người dân giảm bớt phần nào khó khăn.
Nhưng theo ông Sơn, mặc dù lãnh đạo UBND huyện An Phú và các ban ngành đoàn thể xã Phú Hội vận động các nhà tài trợ, các DN hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân, tuy nhiên qua thống kê số hộ yếu thế, hộ khó khăn (người lớn tuổi nuôi con cháu, lao động sống nghề câu, lưới…) trên địa bàn xã còn khoảng 500 hộ dân đang cần được trợ giúp gạo và nhu yếu phẩm cần thiết khác.