Lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng và văn khấn ngày vía Thần Tài

Hồng Anh

(Dân trí) - Nhiều mâm cúng Thần Tài có các món đắt đỏ giá hàng triệu đồng. Chuyên gia Phạm Cương cho biết, không có một mâm cúng Thần Tài chung cho tất cả mọi người, nên tùy điều kiện từng gia đình mà chuẩn bị.

Vì sao mâm cúng Thần Tài thường có tôm, cua?

Ngày vía Thần Tài thể hiện sự đa dạng trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt Nam. Có nhiều điển tích, truyền thuyết về ngày vía Thần Tài.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho hay, theo quan niệm nhà Phật, ngài Di Lặc nhiều vàng bạc châu báu được coi là Thần Tài.

Quan niệm dân gian thì cho rằng, Thần Tài là các vị tiểu thổ thần nhỏ bé ở trong góc nhà. Các vị tiểu thổ thần nhỏ đến mức nhiều gia đình không dám quét nhà 3 ngày Tết vì sợ bới tung góc nhà khiến các vị Thần Tài bỏ đi. Điều này cũng lý giải tục kiêng quét nhà 3 ngày Tết vì sợ "đổ tài lộc đi".

Lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng và văn khấn ngày vía Thần Tài - 1

Mâm cúng ngày vía Thần Tài (Ảnh: Thu Huong Vu).

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết, tín ngưỡng thờ Thần Tài bắt nguồn từ văn hóa phương Bắc cho rằng, Thần Tài là vị thần cai quản của cải, tài lộc của nhân gian. Vì vậy, thờ Thần Tài là một cách để cầu may mắn, nhất là đối với những người làm về kinh doanh, buôn bán.

Ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Nhiều người tin rằng, đây là ngày mà Thần Tài giáng trần và ban phát tài lộc cho nhân gian.

Tháng Giêng cũng là tháng khởi đầu của một năm mới, nên các gia đình cúng Thần Tài vào khoảng thời gian này với mong muốn đầu xuôi đuôi lọt, hy vọng may mắn tài lộc trong cả năm.

Mâm cúng ngày vía Thần Tài hiện nay rất đa dạng và không giống nhau giữa các vùng miền. Người miền Bắc thường chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, vàng mã… Một số nhà có thêm bộ tam sên (thịt ba chỉ, tôm luộc, trứng luộc) hoặc gà luộc, lợn quay… Người miền Nam thường chuẩn bị thêm cá lóc nướng.

Theo chuyên gia Phạm Cương, bộ tam sên thường được giải thích là tượng trưng cho thiên, địa, nhân. Thịt ba chỉ tượng trưng cho đất, tôm hoặc cua luộc tượng trưng cho nước, trứng luộc tượng trưng cho trời, thể hiện sự cân bằng và hài hòa trong vũ trụ.

Cá lóc là loài vật có sức sống mạnh mẽ tượng trưng cho tinh thần vượt qua khó khăn, cá nướng nguyên con tượng trưng cho sự nguyên vẹn, đủ đầy không bị thất thoát…

"Tuy vậy các cách giải thích này chỉ để tham khảo, đôi khi mang tính khiên cưỡng. Người miền Nam cúng cá lóc bởi đây là loài cá quen thuộc, dễ đánh bắt ở miền Nam. Người dân dâng cúng Thần Tài như một sản vật địa phương nhưng sau lại được nâng tầm lên quá mức", vị chuyên gia này nói.

Trên nhiều mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có tôm, cua, thịt ba chỉ, có nhiều món khá đắt đỏ (tôm hùm, cua hoàng đế) khiến mâm cúng lên tới hàng triệu đồng.

Trước băn khoăn của nhiều người có thể thay thế tôm, cua bằng các lễ vật khác, chuyên gia Phạm Cương cho biết: "Phải khẳng định là không có một mâm cúng Thần Tài chung cho tất cả mọi người. Việc dâng lên Thần Tài lễ vật gì tùy điều kiện gia đình và còn theo sản vật của từng vùng miền.

Việc cúng các lễ vật đắt đỏ chỉ là trào lưu thích phô trương của một số người chứ không phải là phổ biến và không bắt buộc phải có trong mâm lễ Thần Tài. Tôm, cua hay heo quay nếu có thì tốt, không có thì có thể thay bằng gà luộc hoặc giò lụa… là đầy đủ cả đồ cúng mặn, ngọt", ông Cương nói.

Theo đó, lễ vật có thể chỉ cần đơn giản với đầy đủ hoa, quả hoặc các sản vật đặc trưng từng vùng miền để thể hiện tấm lòng thành của gia chủ đối với vị thần cai quản và phù trợ cho mình.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng và văn khấn ngày vía Thần Tài - 2

Các món bánh hình túi tiền, thỏi vàng cũng được ưa chuộng dịp vía Thần Tài (Ảnh: Hồng Anh).

Ngày, giờ đẹp và văn khấn ngày vía Thần Tài

Vị chuyên gia này cũng gợi ý, trong ngày vía Thần Tài năm nay, nên cúng vào buổi sáng, giờ Mão (5-7h sáng) hoặc giờ Tỵ (9-11h sáng).

Trước ngày cúng, các gia đình nên lau dọn ban thờ Thần Tài sạch sẽ, dùng nước thơm để tẩy uế tượng Thần Tài Thổ Địa. Khi hành lễ, người đứng khấn cần có trang phục chỉnh tề và đọc bài khấn một cách rõ ràng, thành tâm.

Dưới đây là văn khấn ngày vía Thần Tài tham khảo trong cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy ngài Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.

- Con kính lạy các ngài thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là:…

Ngụ tại:…

Hôm nay, ngày… tháng… năm 2025

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)