Chủ nhà gửi con qua đêm rồi không về, người phụ nữ nuôi con hộ suốt 21 năm
(Dân trí) - Người mẹ ở Hà Nội đem gửi con cho bà Bình một thời gian rồi biến mất không tin tức. Bé gái năm nào nay đã thành thiếu nữ nhưng bà vẫn canh cánh một nỗi niềm.
Cảm giác đặc biệt ngay từ lần đầu tiên gặp mặt
Trong gian phòng trọ nhỏ ở thôn Ngọc Loan (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), bà Đặng Thị Bình tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều cho mấy trẻ nhỏ gần nhà bà nhận đưa đón ngoài giờ.
Ở tuổi 72, nhiều người đã về quê nghỉ ngơi nhưng riêng bà Bình, suốt nhiều năm vẫn canh cánh nỗi niềm về mẹ đẻ của đứa "con gái thứ ba" - Hoàng Huyền Thương.
Bà Bình tự nhận cuộc đời mình có duyên với những đứa trẻ khi nhiều năm trước, từ nghề giúp việc, trông trẻ bà vô tình trở thành "mẹ" của con chủ cũ. Sau một vài tháng gửi con người mẹ ấy bỗng biến mất để lại đứa con thơ không một lần quay lại.
Bà Bình quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Chồng mất sớm, một mình bà bươn chải đủ nghề để nuôi 2 con gái khôn lớn. Hơn 20 năm trước, bà lên khu vực quận Long Biên, Hà Nội để bế cháu cho chị gái. Sau này, khi cháu đã lớn, bà nhận trông trẻ cho bạn bè của các con quanh khu vực phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Khoảng thời gian này, thi thoảng bà gặp gỡ với cô gái tên H. T. Bà không biết H. T quê ở đâu, làm công việc gì, chỉ thấy người phụ nữ này mang bầu và thường ghé quán thuốc của chị gái bà trò chuyện.
" H. T thường khen tôi có gương mặt phúc hậu. Biết tôi làm nghề trông trẻ, cô ấy luôn nói sau này khi sinh con sẽ nhờ tôi trông", bà Bình nhớ lại.
Người phụ nữ cứ nghĩ đó chỉ là câu nói bâng quơ nhưng không ngờ một ngày, bà thấy H. T bế theo một bé gái, đi ô tô cùng một người đàn ông đến trước nhà.
"Hôm ấy là ngày 8/1/2004. H. T xách theo 1kg đường và 1 hộp sữa đặc. Ban đầu tôi nghĩ H. T mang đến biếu mình nhưng khi nói chuyện mới vỡ lẽ là cô ấy muốn gửi con ngủ lại qua đêm và gửi sữa để tôi cho cháu uống", bà Bình nhớ lại lần đầu tiên gặp Huyền Thương.
Nghe cô gái trẻ muốn gửi con qua đêm, bà Bình không khỏi bất ngờ. Người phụ nữ phân vân muốn từ chối nhưng người mẹ lại nói vì sắp phải vào viện làm phẫu thuật nên nhờ bà giúp. Nghe cô trình bày hoàn cảnh, bà mềm lòng đồng ý.
Thời gian ấy, bà Bình nhận trông trẻ bán trú với mức lương 300.000 đồng/tháng/bé. Nhưng với Thương, bà nhận lương 1 triệu đồng/tháng bởi trông cả ngày lẫn đêm.
Nhờ có kinh nghiệm chăm trẻ, bà Bình không quá khó để dỗ dành cô bé ngủ mỗi đêm hay cho cô bé ăn. Dẫu vậy, ôm Huyền Thương trong tay, mắt bà bỗng nhòe đi vì thương đứa trẻ đỏ hỏn phải xa mùi sữa mẹ.
"Tôi ôm con bé trong tay và nâng niu chăm sóc như con, cháu của mình. Không hiểu vì điều gì mà tôi thấy rất thân thương, gắn bó với con bé ngay từ khi mới gặp mặt", bà Bình rưng rưng nhớ lại.
Ba ngày sau, bà Bình lại thấy người đàn ông đi ô tô màu đen hôm trước ghé qua phòng trọ. Người này thông báo H. T đã mổ xong và mong được gặp con. Bà Bình ôm theo bé gái vào viện để 2 mẹ con gặp nhau rồi lại đưa bé gái về phòng trọ.
Khoảng thời gian sau đó, cứ 2-3 ngày người mẹ trẻ đến thăm con mang theo quà, bánh và chơi với con 2-3 tiếng hoặc nửa ngày nhưng vẫn không đón con về. Bà Bình cũng thấy không hiểu vì sao một người mẹ lại chấp nhận ở xa con như thế.
Đến ngày 22/2/2005 Âm lịch, bà Bình có việc gia đình nên gọi điện thoại cho cô gái trẻ đến đón con về. Tuy nhiên, từ thời điểm này, bà Bình không thể liên lạc được với H. T.
Bà nghĩ cô gái trẻ vì công việc bận rộn nên tạm cắt đứt liên lạc một thời gian nhưng không ngờ nhiều ngày tháng sau đó, bà càng mong càng không thấy bóng dáng cô đâu.
Bà Bình gắn bó với Huyền Thương từ lúc Thương còn nhỏ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Cho tôi 1 tỷ đồng tôi cũng không lấy"
Qua một số mối quan hệ, bà nghe ngóng được nơi làm việc của cô gái này và tìm đến thì được những người cùng chỗ làm cho biết, H. T đã nghỉ việc và chuyển đi nơi khác. Những người làm việc tại đây hoàn toàn bất ngờ khi biết H. T có một cô con gái.
Thời gian sau đó, cứ nghe ai mách ở đâu nhìn thấy người giống H. T bà Bình lại tất tả tìm đến. Là một người mẹ, bà hiểu hơn ai hết, những đứa con mong muốn được ở bên người sinh thành thế nào. Riêng về phần mình bà nghĩ, bản thân đã có tuổi, sẽ thật khó để chăm sóc chu toàn cho một đứa trẻ.
Một lần năm 2009, nghe tin H. T làm việc ở Từ Sơn, Bắc Ninh, bà Bình thuê xe ôm đến nơi cô làm việc.
"Tôi cho con bé Thương ngồi ở giữa, trước khi đi đã gửi tiền xe ôm đàng hoàng vì không muốn nếu gặp H. T phải để cô ấy trả tiền. Tôi cũng không có ý định đến đòi tiền công mình nuôi dưỡng cháu nhiều năm mà chỉ muốn hỏi vì sao cô ấy bỏ con bé", bà Bình chia sẻ.
Những tưởng sẽ gặp được H. T nhưng chờ cả một ngày, bà Bình cùng Huyền Thương lại thất thểu ra về trong nước mắt. Kể từ hôm đó, bà xác định coi Thương như đứa con ruột và sẽ không bao giờ vất vả đi tìm cô gái kia nữa.
"Tối hôm ấy về nhà, Thương nói với con gái tôi: "Dì ơi, nay con với bà đi tìm mẹ và bà tức giận lắm, bà bảo không bao giờ đi tìm mẹ nữa. Vậy là từ nay con không có mẹ nữa, từ tối nay cho con gọi dì bằng mẹ nhé!. Sắp vào lớp 1 mà con bé nói được câu ấy, tôi nghe mà thấy thắt lòng", bà Bình rưng rưng khi nhớ lại.
Cuộc sống ở thành phố không dễ dàng gì. Bà Bình vừa mưu sinh nuôi thân, vừa làm đủ nghề để nuôi Huyền Thương. Bà vẫn nhận trông trẻ, tranh thủ lúc rảnh rỗi đi nhặt ve chai hoặc nhận lau nhà thuê để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Nhiều người thấy bà vất vả liền khuyên bà gửi Thương vào trại trẻ mồ côi, song dường như có một sợi dây vô hình gắn kết khiến bà Bình không đành lòng. Ai hỏi bà cũng quả quyết sẽ cố gắng nuôi cô bé khôn lớn, trưởng thành. Nếu bà không nuôi được sẽ nhờ con cái hỗ trợ. Các con của bà Bình cũng hết lòng ủng hộ. Họ càng thương và kính trọng mẹ hơn.
Suy nghĩ là vậy nhưng bà Bình biết các con có cuộc sống riêng nên luôn chủ động trong mọi việc liên quan đến Huyền Thương. Ngày Thương đến tuổi đi học, bà nhiều lần ngược xuôi đi về lo tìm trường, tìm lớp và hồ sơ giấy tờ cho cháu bé.
"Đến tuổi vào lớp 1 mà Thương vẫn chưa có giấy khai sinh. Tôi cứ nghĩ có giấy khai sinh mới được đi học nên chạy đôn chạy đáo khắp nơi, nhưng vì các quy định về hồ sơ, giấy tờ khá phức tạp nên mất nhiều thời gian mà tôi vẫn không giải quyết được", bà Bình kể.
Câu chuyện về một người phụ nữ không có công ăn việc làm nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi được các cán bộ của quận Long Biên biết đến. Một vị cán bộ đã tìm đến hỏi thăm và hỗ trợ bà Bình làm giấy khai sinh cho Huyền Thương.
Khi được hỏi về nguyện vọng và khó khăn đang gặp phải, bà Bình nói với vị cán bộ: "Giờ cho tôi chọn 1 tỷ đồng hoặc 1 tờ giấy khai sinh cho cháu, tôi xin nhận tờ giấy khai sinh, còn trả lại 1 tỷ đồng".
Lần ấy, bà Bình còn kể về bữa cơm đạm bạc với những mẩu mỡ thừa xin ngoài chợ, những mớ rau một lần mua ăn đôi ba bữa, món trứng chưng ăn đi ăn lại… cho vị cán bộ nghe.
Thương cảm trước hoàn cảnh của hai bà cháu, nữ cán bộ đã rà soát và đưa Huyền Thương vào danh sách hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ của một tổ chức. Trong mấy năm liền, bà Bình được hỗ trợ thêm một khoản tiền nhỏ mỗi tháng nên cuộc sống mới dần bớt vất vả.
Có lần bà còn được một vài mạnh thường quân hỗ trợ mua sách vở, xe đạp cho Thương đi học.
Hạnh phúc vì có một gia đình
Năm 2012, con gái bà Bình mua được một mảnh đất ở Văn Lâm, Hưng Yên để xây nhà. Để thuận tiện hỗ trợ con chăm cháu, bà Bình thuê một căn phòng trọ ở gần đó và đưa Thương về sống chung. Cô bé dần khôn lớn dưới sự chăm sóc chu đáo của người vốn chẳng hề có quan hệ máu mủ.
Nhắc đến bà Bình - người đã nuôi nấng mình hàng chục năm, Huyền Thương luôn dành cho bà sự kính trọng. Bà Bình đã đem đến cho cô một gia đình tràn đầy tình yêu thương, ấm áp.
Thương chia sẻ bà Bình luôn đối xử tốt với cô, thậm chí còn tốt hơn cháu ruột, chăm sóc thương từng chút một. Ngay cả khi cô gái lớn, rời nhà đi học đại học, mỗi lần về nhà có gì ngon bà đều để dành cho cô mang đi học.
Dù lịch học bận rộn, Thương vẫn cố gắng dành thời gian về thăm bà mỗi tuần. Với cô, đó không chỉ là một thói quen mà còn là cách để bù đắp phần nào những tháng ngày bà vất vả vì mình.
Bước sang năm mới, điều ước lớn nhất của Thương là bà luôn mạnh khỏe, sống lâu bên con cháu. Cô cũng muốn gửi đến bà lời cảm ơn chân thành vì đã dành trọn tình yêu thương, vất vả nuôi dạy cô.
Hiện tại, Thương chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cô gái trẻ luôn mong muốn có một công việc ổn định để sớm có thể báo hiếu, đền đáp công ơn của bà và bố mẹ nuôi (các con của bà Bình).
Nhiều lúc nhìn lại hành trình nuôi Huyền Thương, bà Bình ngỡ những nhọc nhằn như mới hôm qua.
"Niềm mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là Thương ra trường có công ăn việc làm ổn định, có một tổ ấm của riêng mình. Với tôi đó là cách báo hiếu tốt nhất rồi", bà Bình tâm sự.