Quán ăn dùng gậy tự chế, thực đơn "đeo cổ" khi giao dịch với khách

Hoài Trang

(Dân trí) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt "chiêu thức" độc đáo được nhà hàng, quán ăn áp dụng với khách hàng nhằm hạn chế tiếp xúc gần khiến dân mạng vô cùng thích thú.

Những ngày qua, TP Thanh Hóa tạm dừng bán hàng ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về từ ngày 9/8 để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều cửa hàng, quán ăn đã nghĩ ra cách thức sáng tạo phục vụ khách hàng để hạn chế tối đa tiếp xúc mà vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Quán ăn dùng gậy tự chế, thực đơn đeo cổ khi giao dịch với khách - 1

Để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách, nhân viên nhà hàng ăn đã sử dụng gậy tự chế và thực đơn viết tay để giao dịch (Ảnh chụp màn hình).

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền video một nhân viên quán ăn đã sử dụng hình thức "giao dịch" vô cùng độc đáo với những vị khách mua cơm.

Quán ăn dùng gậy tự chế, menu đeo cổ bán hàng mùa dịch

Chia sẻ với Dân trí, chị Hạnh chủ quán cơm Huân Hạnh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, để đảm bảo an toàn phòng dịch, chị Hạnh luôn nhắc nhở nhân viên chấp hành quy định 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn và giữ khoảng cách khi giao tiếp với khách.

Bên cạnh đó, chị Hạnh còn tự chế một chiếc gậy có gắn ống nhựa để khách bỏ tiền vào và sử dụng thực đơn viết tay có đánh số từ 1-9 giúp tài xế dễ dàng gọi đồ ăn mà không cần xuống tận nơi.

Quán ăn dùng gậy tự chế, thực đơn đeo cổ khi giao dịch với khách - 2
Khách mua cơm chỉ cần ngồi trên xe "order" (đặt món - PV) và sau đó xuống lấy cơm ở bàn đã được đặt sẵn phía ngoài quán (Ảnh: NVCC).

Chị Hạnh cho biết, việc triển khai hình thức bán hàng này được gia đình chị thực hiện cách đây gần một tháng, sau khi nhận thấy dịch bệnh ngày càng phức tạp, trong khi quán cơm nhà chị thường xuyên phục vụ khách và các tài xế lái xe đường dài.

Chính vì vậy, chị đã nghĩ ra ý tưởng dùng gậy tự chế dài 2m và sử dụng thực đơn viết tay để giao dịch với khách, vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Để khách dễ dàng gọi món dù phải đứng ở một khoảng cách khá xa, chị Hạnh viết chữ to, rõ ràng và đánh số thứ tự cho các món ăn. Bằng cách này, các tài xế có thể ngồi luôn trong xe gọi đồ mà không cần vào quán, khách mua cơm chỉ cần ngồi trên xe "order" và sau đó xuống lấy cơm ở bàn đã được đặt sẵn phía ngoài. Dù cách thức này chưa được áp dụng nhiều và hơi kỳ lạ nhưng đảm bảo an toàn cho mọi người nên chị Hạnh chọn lựa và áp dụng.

Quán ăn dùng gậy tự chế, thực đơn đeo cổ khi giao dịch với khách - 3
Chị Hạnh - chủ quán cơm đã nghĩ ra nhiều "chiêu thức" phục vụ khách hàng trong mùa dịch (Ảnh: NVCC).

"Khi mới áp dụng hình thức này, nhân viên, khách hàng cũng tỏ ra hơi bất tiện, nhưng một hai lần rồi thành quen. Sau gần một tháng áp dụng, hiện tại khách đến mua cơm đều cảm thấy thoải mái với hình thức mua cơm này. Vừa đảm bảo an toàn phòng dịch mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên", chủ quán ăn nói.

Cũng theo chị Hạnh, kể từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lượng khách đến quán ăn của chị đã giảm đáng kể, chủ yếu phục vụ lái xe đường dài theo hình thức bán mang về và từ chối phục vụ khách ăn tại chỗ.

"Những ngày vừa qua không được phép phục vụ tại chỗ nữa buộc chúng tôi phải thay đổi phương thức kinh doanh để đạt hiệu quả tích cực trong mùa dịch, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Do đó, dù phải tạm dừng kinh doanh tại chỗ nhưng quán vẫn được duy trì, nhân viên vẫn có việc làm trong mùa dịch là tôi mừng rồi.

Với hình thức bán cơm "gián tiếp" này, tôi cũng thấy yên tâm hơn rất nhiều, dù công đoạn giao cơm, thu tiền diễn ra chậm nhưng tránh được tình trạng chen chúc, tập trung đông người. Hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh qua đi để cuộc sống người dân được trở về như quỹ đạo bình thường", chị Hạnh bày tỏ.