Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại

Hoài Trang

(Dân trí) - Sau khi thành phố Hà Nội thực hiện chỉ thị 16, nhiều nhà hàng, quán ăn, shop quần áo... đã tận dụng mặt bằng sẵn có để chuyển sang bán thực phẩm hàng thiết yếu trong mùa dịch.

Những ngày gần đây, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội các nhà hàng, quán ăn, shop quần áo lần lượt chuyển đổi mô hình thành nơi bán thực phẩm thiết yếu như: Thịt lợn, rau củ quả để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân trong thời gian giãn cách.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 1
Trong mùa dịch, các cửa hàng ăn, shop quần áo,... quanh khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tận dụng mặt bằng sẵn có để chuyển sang bán thực phẩm hàng thiết yếu.

Chia sẻ với Dân trí, chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi, chủ quán ăn trên đường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) nói, gần nửa tháng nay gia đình chị đã chuyển đổi đầu tư từ quán ăn qua bán hoa quả để giảm thiểu thiệt hại kinh doanh trong mùa dịch.

Tranh thủ lúc vắng khách, chị Hà nói, trước khi chuyển qua kinh doanh mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch chị phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng để thích ứng nhu cầu của thị trường.

Bán hàng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nên chị Hà phải giăng dây tạo khoảng cách giữa người mua và người bán. Dù người mua đứng cách xa nhưng vẫn có thể quan sát được mặt hàng cần mua một cách dễ dàng.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 2
Chị Hà tất bật với sạp hoa quả của mình.

"Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình tôi buộc phải chuyển sang bán hoa quả để vừa đảm bảo kế sinh nhai, vừa đảm bảo nguyên tắc phòng dịch của thành phố", chị Hà cho hay.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thành cũng phải nghỉ việc bán nem nướng để chuyển sang buôn bán thực phẩm. Tất bật cân thịt cho khách, chị Thành chia sẻ, trước đây, công việc bán nem nướng đem lại nguồn thu ổn định giúp chị trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng kể từ khi dịch bệnh ảnh hưởng, nguồn thu nhập từ cửa hàng nem nướng đã giảm sút đáng kể.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 3

Gia đình chị Thành, chủ quán nem nướng, phải chuyển đổi hình thức kinh doanh để thích nghi kịp với hoàn cảnh cách ly xã hội.

Suốt 2 năm nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến cuộc sống gia đình chị Thành trở nên khó khăn hơn khi phải lo tiền mặt bằng và nuôi hai con ăn học. Ngay sau khi cửa hàng nem đóng cửa, chị Thành đã bàn với chồng tận dụng cửa hàng nem để kinh doanh thịt lợn.

"Từ ngày mở bán thịt lợn, hai vợ chồng ngày nào cũng đi sớm về muộn, quần áo thì lấm lem mà thu nhập chẳng đáng là bao. Nhưng giữa mùa dịch có đồng ra đồng vào vẫn hơn nên vợ chồng tôi đều chấp nhận", chị Thành nói.

"Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần này, hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Vì vậy, thời điểm này có mặt hàng để bán là tôi vui rồi", chị Thành nói thêm.

Từ chủ một shop quần áo, chị Cù Thị Hoàn (37 tuổi, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) phải thuê lại mặt bằng của nhà hàng bia với giá rẻ để bán rau củ quả.

Chị Hoàn cho hay, từ khi TP Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, quần áo là mặt hàng không thiết yếu nên không được phép kinh doanh. Chị lập tức nghĩ ra mô hình kinh doanh rau củ quả.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 4
Chị Hoàn đang bày bán rau tươi ở cửa hàng trên phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

"Thời điểm này, việc buôn bán mặt hàng thiết yếu sẽ mang lại thu nhập ổn định. Vì vậy, tôi luôn ưu tiên lựa chọn các loại rau củ để được lâu như bắp cải, cải thảo, cà rốt, khoai tây,... để bán.

Tuy nhiên, buôn bán trong mùa dịch nên việc tìm nguồn hàng hay trao đổi với khách cũng phải hạn chế và đảm bảo đúng quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Khi mua hàng, tôi luôn phải nhắc nhở người dân đứng giãn cách 2m. Nếu không đứng giãn cách chúng tôi sẽ từ chối bán hàng", chị Hoàn nói.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 5
Người dân khi đến mua những nhu yếu phẩm phải chấp hành nghiêm quy định giãn cách.

Cũng như chị Hoàn, chị Thơm (43 tuổi, quê Phú Thọ) bán mặt hàng thịt gia cầm giãi bày, gia đình chị đang kinh doanh hoa tươi tại chợ Nghĩa Tân, nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên chị chứng kiến cảnh vắng vẻ, đìu hiu của khu chợ vốn sầm uất này. Ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm qua khiến việc buôn bán cũng như cuộc sống của gia đình chị bị đảo lộn.

Nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán hàng thiết yếu trong mùa dịch để tồn tại - 6
Cửa hàng làm nail cũng phải chuyển đổi sang bán hoa quả.

Theo chị Thơm, nguồn thu nhập những ngày này tuy không nhiều nhưng cũng khắc phục được một phần khó khăn trong mùa dịch. Chị Thơm cho rằng, năm nay là năm khó khăn nhất so với những đợt dịch trước.

"Tôi chỉ mong sao hết dịch để cuộc sống người dân được trở về như trước. Hiện tại, bán thực phẩm là giải pháp tình thế trong thời gian giãn cách bởi không biết bao giờ mới hết dịch. Nhưng thời điểm này có thêm nguồn thu nhập là mừng rồi", chị bày tỏ.