Phong tục cúng "tháng cô hồn": Từ cướp đồ cúng tới... sờ ngực gái trẻ

(Dân trí) - Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, không chỉ Việt Nam, một số các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, người dân có tập tục cúng "tháng cô hồn" với những phong tục và nghi thức riêng.

Việt Nam

Tháng 7 âm lịch hàng năm còn gọi là "tháng cô hồn". Từ xưa, người Việt đã lưu truyền phong tục cúng các cô hồn lang thang vào dịp này. Tuy nhiên, tùy từng gia đình và vùng miền sẽ có ngày cúng khác nhau, không ấn định thời điểm cụ thể.

Phong tục cúng "tháng cô hồn": Từ cướp đồ cúng tới... sờ ngực gái trẻ - 1

Đồ cúng trong ngày này sẽ có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước lã, các món ăn và không thể thiếu cháo loãng. Khi kết thúc lễ cúng, người cúng sẽ rải gạo và muối ra đường hay sân, đốt vàng mã cho người đã khuất. Tại nhiều địa phương, người dân còn cho phép trẻ con tới cướp đồ cúng sau khi làm lễ xong.

Đài Loan

Ngày cúng cô hồn ở Đài Loan thường diễn ra đúng vào ngày 15/7 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống. Vào ngày cúng, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị thịt, hoa và trái cây tươi rồi đặt đồ cúng trước sân. Gia đình có điều kiện sẽ mời nhà sư đến nhà làm lễ cầu siêu.

Ngoài ra, người Đài Loan còn tổ chức những đám rước ma quỷ với quy mô lớn. Đám rước gồm các xe chở hình nộm đi trên nhiều tuyến phố chính. Người dân cũng có tập tục thả đèn hoa đăng với ý nghĩa soi sáng đường và cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất.

Vân Nam, Trung Quốc

Người Trung Quốc thường thả đèn hoa đăng vào tháng cô hồn để đưa đường chỉ lối cho những linh hồn phiêu bạt khỏi bị lạc. Ngoài ra, riêng dân tộc Di ở Vân Nam, Trung Quốc, vẫn lưu truyền tập tục kỳ lạ. Đó là việc sờ ngực các cô gái trẻ.

Cô gái dân tộc Di, Vân Nam
Cô gái dân tộc Di, Vân Nam

Vào các ngày 14 đến 17/7 âm lịch hàng năm, các chàng trai dân tộc Di được sờ ngực các cô gái mà không bị coi là hành vi "khiếm nhã". Hoạt động này bắt nguồn từ việc những chàng trai trẻ chết trận xưa kia, chưa lập gia đình không siêu thoát được vì chưa gần gũi phụ nữ. Thầy cúng chọn ra các thiếu nữ trong trắng để làm vật tế cùng linh hồn sang thế giới bên kia. Không muốn bị chọn làm vật tế, các thiếu nữ trẻ nhờ các chàng trai trong bộ tộc sờ lên ngực. Dần dần, phong tục được lưu truyền đến ngày nay.

Malaysia

Phong tục cúng "tháng cô hồn": Từ cướp đồ cúng tới... sờ ngực gái trẻ - 3

Tháng 7 âm lịch hàng năm cũng là dịp người Malaysia cúng các vong hồn không có người thân săn sóc. Họ sẽ thắp nhang trên bàn thờ, đốt giấy tiền ngoài đường. Đặc biệt, vào những ngày này, các ngôi chùa ở Malaysia thường không đóng cửa để người dân về dâng hương và cầu bình an cho gia đình cùng những người đã khuất.

Nhật Bản

Lễ hội Obon ở Nhật Bản

Người Nhật Bản đón tháng cô hồn là lễ hội Obon với ý nghĩa "Mang linh hồn người đã khuất trở về trần thế". Người Nhật tin rằng, vào ngày này, linh hồn người đã khuất có thể thoát khỏi địa ngục do những tội ác họ từng gây ra thời còn sống và quay về nhân gian gặp lại con cháu.

Phong tục cúng "tháng cô hồn": Từ cướp đồ cúng tới... sờ ngực gái trẻ - 4

Lễ hội Obon tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Nhưng từ khi người Nhật chuyển sang dùng lịch dương, ngày hội lại chuyển sang 13-16/8 tùy theo từng địa phương. Đồ cúng trong ngày Obon gồm có bánh Mukaedango, bánh Ohagi, Soumen và bánh Okuridango. Trong suốt thời gian lễ hội, người dân sẽ treo những chiếc đèn lồng trên cao với ý nghĩa dẫn lối cho linh hồn người đã khuất trở về. Phong tục này được lưu truyền hàng trăm năm qua.

Hong Kong

Người dân Hong Kong cũng duy trì tập tục lễ cúng cô hồn theo phong tục người Hoa. Đến Hong Kong dịp này, du khách sẽ thấy người dân tập trung đông ở các công viên, khu vực ven sông hay bãi đất rộng để cúng tế tổ tiên, những cô hồn lang thang lưu lạc. Người dân sẽ đốt hương, vàng mã và phân phát gạo miễn phí.

Hoàng Hà

Tổng hợp