Những lưu ý khi đi lễ chùa trong tháng “cô hồn”

(Dân trí) - Vào tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), người dân Việt Nam thường có thói quen đi chùa chiền, thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu… mong một tháng bình yên và có được sự may mắn hơn cho mình.

Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy (ngày xá tội vong nhân) – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.

Do đó, nhiều người cho rằng, trong tháng này, họ dễ gặp phải những điều xui xẻo, không may mắn. Những việc trọng đại như cưới hỏi, mua sắm, xây dựng, đi xa vì thế đều tránh trong tháng cô hồn.

Ngoài việc làm lễ cúng cô hồn tại nhà thì người Việt còn có thói quen đi chùa chiền, thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu… mong một tháng bình yên và có được sự may mắn hơn cho mình. Song không phải ai cũng nắm được những quy định cần biết khi thắp hương, lễ bái tại chùa.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trang phục

Đền chùa là nơi thờ tự thiêng liêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, khi đi lễ chùa, bạn không nên mặc những bộ quần áo sặc sỡ, lòe loẹt, đặc biệt là váy đầm quá ngắn, trang phục hở hang, phản cảm…

Thay vào đó, nên mặc những bộ quần áo giản dị, nhã nhặn, gọn gàng và kín đáo. Nếu có thể, hãy chọn những trang phục có cùng tông màu với loại áo tràng các Phật tử thường mặc đi lễ chùa là màu lam và màu nâu. Điều thể hiện sự tôn kính của bạn dành cho tổ tiên, thánh thần.

Ảnh: Đi lễ chùa cần mặc trang phục phù hợp (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên tắc ra, vào chùa

Khi vào đề chùa, không đi vào cửa giữa mà nên đi vào qua cửa bên phải và đi ra qua cửa bên trái. Không quỳ hay đứng chính giữa phật đường để lễ Phật mà nên quỳ hoặc đứng chếch sang một bên khấn vái.

Nhiều đền chùa có quy định tháo bỏ giày dép trước khi vào sắp lễ, do đó cần hết sức lưu ý đến điều này. Ngoài ra, không được dẫm lên bậu cửa đề chùa. Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.

Sắm lễ

Điều quan trọng nhất khi dâng lễ trong đền, chùa là sự thành tâm. Do đó, lễ vật không phải cứ nhiều mới là tốt.

Đến dâng hương ở đền chùa, phật tử nên sắm các lễ chay như hương, hoa tươi, oản, xôi chè… Lễ mặn chỉ có thể sắm sửa nếu trong chùa có thờ các vị Thánh, và có ban thờ Mẫu và chỉ dâng tại các ban này thôi.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Không nên đặt tiền thật lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.

Dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc… Tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại

Các bước thực hành lễ

1. Trước tiên là đặt lễ vật và thắp hương, làm lễ ở ban thờ Đức Ông.

2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.

3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường.

4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).

Khi hành lễ trước tượng Phật nên cung kính, tôn nghiêm không được ngó ngang, quay dọc. Cuối buổi lễ, nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức. Nếu muốn vãn cảnh chùa thì nên đứng từ bên ngoài để nhìn ngắm.

Khi vào đền chùa, không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.

Nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt. Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con.

Nhữ Trang

(tổng hợp)