Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm lễ cúng cho ngày rằm tháng 7

(Dân trí) - Rằm tháng 7 là một dịp lễ quan trọng. Đây là thời điểm các gia đình thể hiện lòng thành kính lên đức Phật, chư vị thần linh; báo hiếu gia tiên và đồng thời phát lộc cho các vong hồn được xá tội.

Dưới đây là tổng hợp cách thức chuẩn bị mâm cỗ cúng cho Đức Phật, gia tiên và cô hồn cùng các lưu ý quan trọng trong việc lễ bái vào ngày rằm tháng 7.

Mâm cúng Phật

Đối với những gia đình theo đạo Phật thì rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người. Vì vậy, vào ngày lễ Vu Lan, bạn chỉ cần sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.

Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm lễ cúng cho ngày rằm tháng 7 - 1

Lúc làm lễ cúng nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này. Một điều cũng cần đặc biệt chú ý nữa là theo quan niệm từ lâu đời mâm cúng Phật nên làm vào ban ngày.

Mâm cúng gia tiên

Cũng giống như mâm lễ cúng Phật, lễ cúng gia tiên nên được thực hiện vào ban ngày. Mâm lễ này chính là đại diện tấm lòng thành kính của gia đình gửi đến các bậc tổ tiên-đặc trưng cho ngày lễ Vu Lan báo hiếu.

Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất. Gia đình cũng có thể chọn mâm cơm chay thay thế nhưng phải đảm bảo đủ món. Mâm cúng gia tiên nên được đặt ở trong nhà.

Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm lễ cúng cho ngày rằm tháng 7 - 2

Mâm cúng cô hồn

Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Rằm tháng 7 còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân”, tức là ngày mà Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...

Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên. Vì vậy, dân gian thường làm một mâm lễ cho các vong hồn này để chúng không quấy nhiễu dương gian.

Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm lễ cúng cho ngày rằm tháng 7 - 3

Trái với mâm cúng Phật và gia tiên. Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.

Mâm cúng cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham. Một mâm lễ cúng cô hồn điển hình gồm có: quần áo chúng sinh được gỡ ra thành từng món, rải xuống dưới mâm, một ít tiền vàng cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), một ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai,sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ v.v... Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà.

Một số điều lưu ý trong lễ cúng rằm tháng 7

- Mâm cúng Phật, thần linh và gia tiên làm trong nhà.

- Mâm cúng cô hồn phải đặt ở ngoài trời tránh các bậu cửa. Tốt nhất nên cúng ở Chùa.

- Mâm cúng Phật phải được đặt ở vị trí cao nhất trên bàn thờ tiếp đến là mâm cúng thần linh và cuối cùng là mâm cúng gia tiên.

- Vì ngày rằm tháng 7 sẽ có rất nhiều cô hồn vất vưởng nên các món đồ cúng như áo quần vàng mã dành cho gia tiên thì phải ghi rõ tên người nhận.

- Khi cúng trước tiên nên đọc văn khấn thần linh và thổ địa, sau đó đọc to, rõ tên hương hồn người nhận.

Minh Nhật

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm