Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện "ngược đời": Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Anh Đức Hải cho biết: "Tôi thấy mọi người thường thể hiện sự bất ngờ hơn là khen ngợi. Có lẽ vì họ hiếm thấy cảnh chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm".

Quyết định bị nhiều người cho là "ngược đời"

Mỗi ngày của anh Hồ Đức Hải (32 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) bắt đầu từ 5h30 sáng bởi chỉ 30 phút sau, con trai 8 tháng tuổi của anh sẽ thức giấc. Anh cùng vợ vệ sinh nhanh cho con để con ti mẹ rồi đưa cậu bé đi tắm nắng.

Cứ như vậy, hai bố con tuần tự trải qua các hoạt động trong ngày cùng nhau từ ăn, ngủ, vui chơi, tắm giặt, đi dạo… cho đến khi vợ anh kết thúc ngày làm việc.

Trước khi trở thành ông bố bỉm sữa, anh Đức Hải từng đi làm ở một công ty với mức thu nhập khá ổn. Sau đó, anh kết hôn và nhận tin vui được lên chức cha vào đầu năm 2022. 

Tháng 7/2022, cách thời điểm vợ sinh khoảng 4 tháng, anh Hải quyết định nghỉ việc ở công ty.

Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện ngược đời: Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm - 1

Anh Đức Hải bên con trai (Ảnh: NVCC).

"Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ là nghỉ việc để có thời gian chăm sóc, đỡ đần vợ nhiều hơn những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, sau này, khi con trai ra đời và dần lớn lên, tôi nhận ra, mình cần đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu đời nên quyết định không đi xin việc trở lại ngay", anh Hải nói.

Bố mẹ đôi bên đều không vướng bận gì nhiều. Tuy nhiên, vì muốn Hec-Quyn (tên gọi ở nhà của con anh Hải - PV) được chăm sóc theo phương pháp mà hai vợ chồng đã tìm hiểu, anh Hải quyết định không nhờ ông bà từ quê lên chăm cháu.

"Ông bà đôi bên hỗ trợ vợ chồng tôi thời gian đầu khi cháu còn nhỏ. Tuy nhiên khoảng từ tháng thứ 4-5 trở đi thì vợ chồng tôi thay phiên nhau chăm con", anh Đức Hải chia sẻ.

Khi vợ hết thời gian nghỉ thai sản, anh Hải động viên vợ an tâm đi làm vì mọi việc ở nhà đã có anh cáng đáng.

Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện ngược đời: Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm - 2

Để chăm con thuần thục, anh Hải tìm hiểu nhiều kiến thức về trẻ nhỏ (Ảnh: NVCC).

Người đàn ông này cho biết, anh tự nhận thấy mình có thể chăm con tốt hơn. Ngoài ra, anh cũng muốn vợ không bị căng thẳng, stress và có thời gian hồi lại sức lực và tinh thần sau khoảng thời gian bầu bí, nuôi con sơ sinh.

Nhờ quyết định "ngược đời" của anh Hải, mà vợ anh - chị Huyền đã có thể an tâm đi làm trở lại.

Khoảng thời gian anh Hải ở nhà chăm con, cũng có nhiều ý kiến bàn tán rằng sao anh không đi làm, sao không để vợ chăm con, hay sao không kêu ông bà nội hay ngoại trông giúp.

Những lần đưa con sang sân khu chung cư gần đó chơi, nơi toàn là các bà, các mẹ chăm cháu, chăm con, anh Hải cũng nhận về nhiều câu hỏi tò mò cho rằng quyết định của anh là "ngược đời".

Tuy nhiên, người đàn ông này bỏ ngoài tai những lời bàn tán. Anh khẳng định, đã sinh con ra, anh phải có trách nhiệm với con, ông bà nội ngoại chỉ hỗ trợ một phần nào đó. Anh không thể phó thác hết cho ông bà rồi lao đi kiếm tiền hay chăm chút cho bản thân.

Khi được hỏi, anh có từng nhận được lời khen ngợi nào về quyết định của mình không, ông bố 9X mỉm cười nói: "Tôi thấy mọi người thường thể hiện sự bất ngờ hơn là khen ngợi. Có lẽ vì họ hiếm thấy cảnh chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm".

Bố đổi vai làm "mẹ"

Ở bên con, anh Hải được trải nghiệm đủ mọi cảm xúc của "một bà mẹ bỉm sữa". Anh cũng thấm thía hơn câu nói của người xưa "ăn tùy chủ, ngủ tùy con".

Đôi khi, ông bố trẻ cũng phải đối diện với cảnh con khóc không ngừng nhưng không rõ lý do. Có những hôm, bé Hec-Quyn bứt rứt khó chịu khi đi tiêm phòng về cứ bắt bố bế yên trên tay khiến anh chỉ có thể làm mọi việc bằng cánh tay còn lại…

Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện ngược đời: Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm - 3

Bé trai bên bữa trưa bố tự tay chuẩn bị cho (Ảnh: NVCC).

Ông bố trẻ cũng phải tìm hiểu, học hỏi từ cộng đồng các mẹ bỉm sữa nuôi dạy con để hiểu từng giai đoạn phát triển, từng nhu cầu của con.

Để kinh tế gia đình không bị ảnh hưởng, anh Hải vẫn nhận làm các công việc tự do, trao đổi tương tác chủ yếu qua online.

"Đôi lúc cũng tôi cũng thấy stress, mệt mỏi. Tôi vẫn duy trì làm việc online vào những lúc bé ngủ và sau 8h tối mỗi ngày. Trung bình một ngày tôi chỉ ngủ từ 5 đến 6 tiếng, có những hôm đến hạn hoàn thiện công việc, tôi thức đêm nhiều nhưng sáng hôm sau vẫn dậy sớm chăm con…

Mỗi lần như thế khá căng thẳng. Tuy nhiên, tôi luôn cố lấy lại cân bằng bằng cách uống một cốc cà phê. Đặc biệt, khi con tỉnh dậy, thấy con vui cười thì mọi mệt nhọc dường như lại vơi bớt đi", anh Hải tâm sự.

Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện ngược đời: Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm - 4

Bé trai phát triển khỏe mạnh, ăn ngủ đúng giờ, ít quấy khóc (Ảnh: NVCC).

Hơn 2 tháng chăm con, anh Hải cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc khi được làm bố. Anh thích ngắm con khi con ngủ, vui chơi cùng con và đặc biệt hơn, mỗi ngày, anh tự tay chuẩn bị những món ăn dặm cho con. Theo anh Hải, đây là quãng thời gian vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn mà bất cứ bố mẹ nào có con nhỏ cũng phải trải qua.

Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ của anh Hải, bé Hec-Quyn phát triển khỏe mạnh, ăn ngủ đúng giờ, ít quấy khóc. Cậu bé tự chơi khi bố bận, tự ngủ không cần phải ôm bế hay nằm võng, nằm nôi.

Tham gia các hội nhóm nuôi con trên mạng, anh Hải thường chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp các ông bố, bà mẹ chăm con tốt hơn.

"Tôi chia sẻ các phương pháp thiên về tinh thần nhiều hơn như cách chăm con để không mâu thuẫn với ông bà, cách để bé tự ngủ không cần ru, không cần ngủ võng ngủ nôi", ông bố 9X cho hay.

Buổi tối, khi trở về nhà, vợ anh Hải sẽ phụ anh chăm con, dọn dẹp nhà cửa để chồng có thời gian nghỉ ngơi hoặc làm việc. Cuối tuần, cả hai cùng nhau chuẩn bị thức ăn dặm, đưa con đi chơi... Đến thời điểm hiện tại, họ thấy lựa chọn của mình là đúng đắn và mang lại niềm vui cho cả gia đình.

Ông bố 9X ở TPHCM kể chuyện ngược đời: Chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm - 5

Gia đình nhỏ của anh Hải (Ảnh: NVCC).

 Lâu nay, nhiều người quan niệm, trong các gia đình, người chồng luôn là trụ cột kinh tế, còn nhiệm vụ chính của phụ nữ vẫn là nuôi dạy con cái. Khi con còn nhỏ, nếu phải lựa chọn bố hoặc mẹ ở nhà trông con thì phương án luôn là người mẹ.

Tuy nhiên, từ câu chuyện của mình, anh Hải cho rằng, không nên cứng nhắc quan điểm phụ nữ phải là người chăm con. Trong gia đình, ai có thể làm tốt hơn thì nên đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này.

Các cặp vợ chồng nên có sự bàn bạc thống nhất để đưa ra lựa chọn phù hợp với gia đình và đảm bảo sao cho con trẻ có điều kiện chăm sóc, phát triển tốt nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm