Bảo mẫu kể "góc khuất" chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng

Minh Nhân

(Dân trí) - Theo tìm hiểu, mức thu nhập của bảo mẫu cao cấp dao động từ 20 - 100 triệu đồng/tháng, nhưng không phải ai cũng trụ được với nghề này.

Bảo mẫu dễ hành động mất kiểm soát nếu không đủ bản lĩnh

Xem video cô gái 21 tuổi ở Hà Nội bế xốc, nhiều lần lắc mạnh bé trai một tháng tuổi, chị Thục Hiền (35 tuổi) run lên vì tức giận. Là bà mẹ hai con, đồng thời là bảo mẫu từng chăm sóc hàng trăm trẻ sơ sinh, chị nói không thể tha thứ cho hành động này.

"Ngoài chuyên môn, thì một bảo mẫu cần phải có đạo đức và tình thương - hai điều quan trọng nhất. Còn nếu không, làm ơn chọn nghề khác", chị bức xúc.

13 năm chăm sóc trẻ, chị Hiền thừa nhận nhiều lúc rơi vào khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Chị tiết lộ làm bảo mẫu không đơn thuần chỉ trông trẻ như mọi người vẫn nghĩ. Trên thực tế, người làm nghề phải sát sao từng nhu cầu, biểu hiện nhỏ của trẻ bởi một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, mỗi trẻ có thói quen, sở thích khác nhau nên việc ghi nhớ, chăm sóc tốt từng "khách hàng nhí" rất áp lực. Bên cạnh những yêu cầu cần thiết, sự kỳ vọng của phụ huynh cũng buộc bảo mẫu gồng mình thực hiện.

Một số người còn phải kiêm thêm một số nhiệm vụ khác trong gia đình như: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già,…

Video: Phẫn nộ hình ảnh bé sơ sinh nghi bị bảo mẫu 21 tuổi bạo hành (Nguồn: MXH).

Công việc căng thẳng, nhất là khi trẻ quấy khóc liên tục hoặc không hợp tác khiến bảo mẫu mệt mỏi. Những lúc đó, chị Hiền thường vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh.

"Nếu không vững nghiệp vụ, không đủ bản lĩnh, bảo mẫu rất dễ hành động mất kiểm soát, gây tổn thương hoặc nghiêm trọng hơn là bạo hành trẻ", chị nói.

Những năm đầu làm bảo mẫu theo giờ, Mai Ngọc (27 tuổi) ám ảnh tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Cô chọn làm ca đêm 12 tiếng với mức giá cao 2 triệu đồng, đổi lại phải bế trẻ liên tục 3 - 4 tiếng để ru ngủ. Tay và vai của Ngọc đau mỏi rã rời.

Thấy trẻ đã nín khóc, ngủ say, Ngọc nhẹ nhàng đặt trẻ xuống giường. Chưa đầy một giây sau, tiếng khóc ré lại vang lên. Người mẹ nằm bên cạnh tỏ vẻ khó chịu do bị gián đoạn giấc ngủ, quay sang chê trách bảo mẫu.

"Vòng tuần hoàn cứ thế lặp đi lặp lại. Tôi bị tra tấn tinh thần, nhưng không vì thế mà cho phép bản thân vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tôi biết một bảo mẫu chuyên nghiệp phải biết điều tiết cảm xúc, kiên nhẫn và giỏi chịu đựng", cô tâm sự.

Bảo mẫu kể góc khuất chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng - 1

Cô gái 21 tuổi bị tố hành hạ trẻ sơ sinh (Ảnh chụp màn hình).

Chị T. - đại diện một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo mẫu cao cấp trụ sở tại TPHCM, cho biết nghề này ngày càng phổ biến và có nhu cầu cao, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Nguyên nhân là do số lượng trẻ em gia tăng và cuộc sống ngày càng bận rộn, chất lượng hơn. 

Người đại diện cho hay các gia đình tìm đến dịch vụ bảo mẫu thường lo lắng vấn đề an toàn của trẻ trong bối cảnh những sự việc thương tâm diễn ra thời gian gần đây.

Theo quy định, ngoài bằng cấp điều dưỡng, một người muốn được nhận vào làm phải có kinh nghiệm ít nhất 2 - 3 năm. Họ sẽ được công ty đào tạo chuyên sâu về chuyên môn và các nguyên tắc đạo đức như: yêu trẻ; nhiệt tình; trách nhiệm; tuyệt đối không đôi co với khách hàng; nghiêm cấm làm tổn thương, bạo hành, xâm hại trẻ,…

"Nhân viên sẽ ký cam kết, nếu vi phạm các nguyên tắc đạo đức thì tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hoặc buộc thôi việc", chị T. nói.

Bảo mẫu kể góc khuất chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng - 2

Bảo mẫu dễ hành động mất kiểm soát nếu không đủ bản lĩnh (Ảnh minh họa).

Người này cho biết tâm lý khách hàng thường muốn thuê một bảo mẫu làm việc xuyên suốt, không đổi người, nhưng chưa từng nghĩ đến mệt mỏi của công việc - nguyên nhân chính khiến bảo mẫu có hành vi không chuẩn mực.

Để nhân viên được nghỉ ngơi, mỗi lần nhận những ca 24 tiếng, công ty đề nghị với khách hàng để 2 - 3 bảo mẫu thay phiên đảm nhận, mỗi người làm 8 tiếng. Nếu cha mẹ trẻ đồng ý, hai bên mới tiếp tục thỏa thuận và công ty sau đó cung cấp bảo mẫu.

"Chăm trẻ sơ sinh rất cực khổ, một người làm việc liên tục 24 tiếng sẽ không thể chịu nổi", chị T. chia sẻ. Mỗi lần tư vấn, chị thường gợi ý khách hàng cùng bảo mẫu chăm sóc em bé, gia đình không nên phó mặc hoàn toàn trẻ cho bảo mẫu.

Nếu bảo mẫu đã chăm trẻ suốt 12 tiếng vào tối hôm trước, thì sáng hôm sau nên được nghỉ ngơi, không phải làm các công việc khác. Như vậy, họ mới có đủ thời gian để tái tạo năng lượng và ổn định tinh thần.  

"Chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng dành ít thời gian quan tâm, chia sẻ khó khăn với người chăm trẻ. Đừng để họ áp lực đến mức gây ra những hành động mất kiểm soát", chị T. nói.

Bảo mẫu kể góc khuất chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng - 3

Hàng dài người trong lớp học đào tạo bảo mẫu chuyên nghiệp tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Chăm con nhà giàu lương 100 triệu đồng/tháng

Năm 2010, khi mới bắt đầu làm nghề, thu nhập của Thục Hiền vỏn vẹn 10.000 đồng/tiếng. Dịch vụ bảo mẫu lúc đó còn mới mẻ, không yêu cầu bằng cấp, chỉ cần gửi hồ sơ và đợi công ty môi giới gọi đi làm.

Hơn 10 năm sau, bảo mẫu bỗng trở thành nghề "sang chảnh", có người thu nhập lên tới 100 triệu đồng/tháng, đi kèm với những điều kiện chuyên môn khắt khe.

Theo tìm hiểu, đây là các dịch vụ chăm sóc trẻ cao cấp và chuyên sâu. Các gia đình sử dụng dịch vụ này thường có điều kiện, thu nhập tốt.

Đại diện công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo mẫu cao cấp cho biết ngoài việc chăm sóc bé theo quy trình gồm: tắm, cho bú sữa, ru ngủ, tập vận động, massage toàn thân,… nhân viên còn phải có chuyên môn cao để theo dõi và phát hiện sớm nếu trẻ mắc dị tật bẩm sinh.

Bảo mẫu kể góc khuất chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng - 4

Bảo mẫu được xem là nghề "sang chảnh" thời nay (Ảnh minh họa).

Tại công ty chị T., bảng giá dao động từ 20 - 100 triệu đồng/tháng, tùy thời gian, gói dịch vụ và tuổi của trẻ (0 đến 24 tháng tuổi). Riêng trọn bộ chăm sóc mẹ và bé tại bệnh viện và tại nhà lên đến 50 - 60 triệu đồng/tháng.

Công ty chia ra các mốc thời gian: 4, 10, 11 và 12 tiếng làm việc/ngày, gói ca đêm 12 tiếng niêm yết 2 triệu đồng/đêm. Nếu khách hàng đặt gói 24 tiếng liên tục, mức giá từ 60 - 100 triệu đồng/tháng.

"Chúng tôi nhận thấy bảng giá của mình cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng cam kết cung cấp bảo mẫu chuyên nghiệp và chất lượng", chị T. nói.

Vị đại diện thừa nhận mức thu nhập cao dễ thu hút nhân lực, nhưng không phải ai cũng trụ được với nghề này.

Theo chị, đào tạo được một bảo mẫu biết chịu đựng, chấp nhận nghe khách hàng mắng chửi là một vấn đề nan giải. Nhiều người giỏi chuyên môn, nhưng sau vài ngày đã xin nghỉ vì không chịu được áp lực.

Bảo mẫu kể góc khuất chăm con nhà giàu Việt lương 100 triệu đồng - 5

"Đại học bảo mẫu" ở nước ngoài dạy các kỹ năng cần thiết chăm sóc trẻ (Ảnh: Getty Images).

Chị Thục Hiền nói đã "chai sạn cảm xúc" mỗi khi khách hàng khinh thường hay mắng chửi vô lý, không còn khóc lóc như những ngày đầu mới đi làm.

Một lần nhận massage trẻ sơ sinh theo giờ hồi tháng trước, chị đến nhà, chào hỏi gia chủ lễ phép, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Hôm khác, chủ nhà theo dõi sát từng hành động của chị, "như kiểu lo sợ tôi sẽ ăn cắp vặt".

"Thậm chí trong lúc chăm bé, tôi muốn đi vệ sinh, nhưng khách hàng không cho phép", chị Hiền nói.

Còn Mai Ngọc từng bị khách hàng vu oan trộm iPad sau buổi tắm cho trẻ một tháng tuổi. Ngọc báo cáo sự việc về công ty, khẳng định bản thân trong sạch.

"Công ty đề xuất trình báo công an khu vực, nói sẵn sàng đền bù nếu xác định tôi là kẻ trộm, nhưng chủ nhà không đồng ý", Ngọc cho hay. Vài ngày sau, khách hàng tìm thấy tài sản, gọi điện xin lỗi, càng khiến cô gái thêm tủi thân và cảm thấy bị xúc phạm.

Nhiều người biết Ngọc làm bảo mẫu theo giờ cho nhà giàu, cho rằng "việc nhẹ, lương cao", linh hoạt thời gian, nhất là "chăm trẻ… nhàn tênh". Mỗi lần nghe vậy, cô chỉ cười cho qua chuyện.

"Tôi còn bị bắt lau chùi nhà vệ sinh dù công việc chính được giao là chăm sóc trẻ", cô gái 27 tuổi cười chua chát, nói khoản thu nhập hậu hĩnh coi như mua lại sự chịu đựng của bản thân.