Ông bố Hà Nội kể chuyện ở nhà chăm con để vợ đi làm, nghe đủ lời bàn tán

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Anh Vũ Tồn chia sẻ, khi thấy vợ anh đi làm còn mình ở nhà chăm con, nhiều người liền lời ra tiếng vào: "Chồng mà ở nhà chăm con có còn gọi là chồng hay không?''.

"Thay vì chồng chạy xe ôm kiếm dăm ba chục thì tôi đi làm vẫn hơn"

Lâu nay, theo quan niệm của nhiều người Việt, trong gia đình, người chồng luôn được coi là trụ cột kinh tế, còn nhiệm vụ chính của phụ nữ vẫn là nuôi dạy con cái, làm nội trợ. Nhất là trong giai đoạn con cái còn nhỏ, cần sự đồng hành của người mẹ hơn cả thì "công thức chung" được các gia đình lựa chọn vẫn là "chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con".

Tuy vậy, cặp vợ chồng Hoài Thịnh (24 tuổi) và Vũ Tồn (32 tuổi, hiện sinh sống ở Hà Nội) lại có lựa chọn đi ngược lại với số đông. Không lâu trước đây, anh Tồn ở nhà chăm con còn chị Thịnh trở thành "lao động chính" của cả nhà.

Ông bố Hà Nội kể chuyện ở nhà chăm con để vợ đi làm, nghe đủ lời bàn tán - 1

Cặp vợ chồng trẻ "đổi vai", vợ đi làm, chồng ở nhà chăm con. (Ảnh: H. T).

Chia sẻ với Dân trí, chị Hoài Thịnh cho hay, thời điểm tháng 5/2021, khi bé Cam - con gái chị được 3 tháng tuổi thì anh Tồn bị giảm 80% lương. Để đảm bảo kinh tế, hàng ngày, anh Tồn phải làm thêm các công việc khác như chạy xe ôm công nghệ, giao hàng.

Thời điểm này, chị Thịnh bắt đầu nhận các công việc viết lách, sáng tạo nội dung để làm thêm tại nhà. Khoảng 2 tháng sau đó, chị Thịnh tìm được một cơ hội việc làm rất tốt.

Chị Thịnh chia sẻ: "Vốn là người rất ham mê công việc, nên tôi quyết định bày tỏ nguyện vọng với chồng. Lúc ấy, tôi đưa ra hai lựa chọn: Một là thuê người chăm bé để hai vợ chồng đi làm; lựa chọn thứ hai là chồng ở nhà chăm con để vợ đi làm". 

Sau mấy ngày bàn luận, suy nghĩ, cả hai quyết định "đổi vai" theo phương án thứ hai.

"Tôi thuyết phục chồng rất nhiều, từ nói nhỏ nhẹ, cho tới giận dỗi. Sau đó, chồng cũng xuôi lòng chấp nhận. Anh lo lắng nếu thuê người ngoài sẽ không an toàn, con ở gần bố mẹ vẫn tốt hơn. Phần vì anh cũng là người "cuồng con", thích ở cạnh con nhiều nên cả hai đã quyết định như vậy", chị Thịnh chia sẻ.

Dù đồng thuận theo ý vợ nhưng anh Tồn cũng suy nghĩ rất nhiều. Bởi trong tâm tư anh vẫn luôn nghĩ "đàn ông thì nên đi làm, gánh vác gia đình". Bản thân anh cũng sợ vợ vất vả, áp lực vì đi làm khi con còn quá nhỏ. Bé Cam khi ấy vẫn chưa cai sữa mẹ, anh Tồn thì chưa bao giờ ở nhà chăm con cả ngày nên khá lo lắng.

Ông bố Hà Nội kể chuyện ở nhà chăm con để vợ đi làm, nghe đủ lời bàn tán - 2

Anh Tồn bỏ ngoài tai những lời bàn tán không hay. (Ảnh: H. T).

Biết cặp vợ chồng trẻ "đổi vai" chăm con, hai bên gia đình khá bất ngờ. Họ liên tiếp đưa ra các câu hỏi giống nhau như: "Sao lại để vợ đi làm vất vả? Chồng phải là trụ cột gia đình chứ''; "Vợ đi làm vậy có đủ nuôi con không?". Hàng xóm xung quanh cũng lời ra tiếng vào: "Chồng mà ở nhà chăm con thì có còn gọi là chồng hay không?''.  

"Chúng tôi nghe rất nhiều lời bàn tán như vậy nhưng đều bỏ ngoài tai và kiên định với những gì mình đã chọn. Với đôi bên gia đình, hai vợ chồng cũng giải thích rõ về hoàn cảnh hiện tại của cả hai. Bình thường tôi là người thích làm việc, khát khao phát triển sự nghiệp, còn chồng thì yêu con, thích nấu ăn, thích chăm lo cho gia đình nên việc đổi vai là hợp lý. 

Hơn nữa, thời gian ấy, chồng tôi cũng bị cắt giảm lương. Thay vì để chồng làm việc vất vả, giao hàng, chạy xe ôm, mỗi cuốc xe thu về 30.000 - 50.000 đồng thì tôi đi làm vẫn hơn. Vì ít ra công việc của tôi đem lại thu nhập cao hơn, lại ngồi điều hòa văn phòng, không quá vất vả. Bản thân tôi cũng đam mê công việc nên dường như không thấy quá mệt mỏi", chị Thịnh cho hay. 

Khi "đổi vai", chúng tôi càng hiểu và thương nhau nhiều hơn

Khoảng thời gian đầu ở nhà chăm con một mình, anh Tồn gặp không ít khó khăn. Việc chuẩn bị bữa sáng cho con đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Bé Cam nhớ mẹ, khó ngủ, giờ giấc đảo lộn nên hay khóc. Nhiều hôm, con khóc không dỗ được nhưng anh Tồn cũng không dám gọi cho vợ cầu cứu bởi sợ chị Thịnh lo lắng không làm việc được.

Anh Tồn kể: "Thời gian đầu, bất đắc dĩ tôi phải phá vỡ quy tắc "ăn ngủ đúng giờ" mà vợ đã rèn cho con trước đó, chiều theo sở thích của con. Con thích ngủ hay thích chơi thì kệ con, miễn là không khóc".

Ông bố Hà Nội kể chuyện ở nhà chăm con để vợ đi làm, nghe đủ lời bàn tán - 3

Bé Cam dần hợp tác với bố trong các hoạt động ăn, ngủ. (Ảnh: H. T).

Biết chồng gặp khó trong việc chuẩn bị đồ ăn sáng, mỗi ngày, chị Thịnh thường dậy sớm hơn nấu bữa ăn dặm cho con. Chị viết một tờ giấy ghi rõ về giờ ăn, giờ ngủ của con tránh việc chồng quên. May mắn một tháng sau thì mọi việc đi vào quỹ đạo. 

Khi bé Cam cứng cáp hơn một chút, anh Tồn thường đưa con đi khắp nơi, ra sân bóng, đi gặp bạn bè. Khi nhìn thấy anh Tồn trong hình ảnh một ông bố bỉm sữa, ai cũng bất ngờ.

"Câu đầu tiên ai cũng hỏi "Mẹ nó đâu?'' hay "Sao không thuê giúp việc?". Song câu thứ hai ai cũng khen tôi "giỏi quá, đúng là người bố quốc dân". Cũng có nhiều người định kiến, ác ý, nói mấy lời không hay, nhưng tôi bỏ ngoài tai.

Tôi nghĩ lựa chọn này giúp con có môi trường phát triển tốt, vợ chồng đều có được công việc mà mình yêu thích là tốt rồi, không nhất thiết phải quan tâm người khác nghĩ gì", anh Tồn chia sẻ.

Ông bố Hà Nội kể chuyện ở nhà chăm con để vợ đi làm, nghe đủ lời bàn tán - 4

Bé Cam được bố đưa đi tham gia nhiều hoạt động cùng mình. (Ảnh: H. T).

Với anh Tồn, quãng khoảng thời gian ở nhà chăm con với anh thực sự quý giá. Ở nhà đồng hành cùng con, nhìn con biết lật, biết đi, bước những bước chân đầu tiên trong đời, anh cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ.

Anh nhớ nhất khoảnh khắc thấy con thả chiếc xe đẩy và bước những bước chân đầu tiên. Lúc ấy anh bất ngờ đến nỗi hét thật to, gọi điện thoại khoe với vợ, gọi vợ về nhà ngay lập tức chỉ để xem "con đã biết đi rồi nè".

"Nếu bận rộn, quay cuồng với công việc, có thể tôi đã không đủ tinh tế để nhận ra điều đó. Tuy nhiên, những lúc như vậy, tôi lại thấy thương vợ hơn. Trước đây, cô ấy sinh đẻ vất vả, lúc gia đình khó khăn lại phải đi làm. Ngày làm, đêm cũng làm. Có hôm bị sếp mắng thì về nằm ôm chồng khóc. Quả thực, khi "đổi vai" cho nhau, chúng tôi càng thêm hiểu và thương nhau nhiều hơn", người đàn ông 32 tuổi chia sẻ.

Chị Thịnh đi làm gần một năm và đó cũng là khoảng thời gian anh Tồn ở nhà chăm con. Sau này khi bé Cam được 14 tháng tuổi, chị Thịnh quyết định làm tự do toàn thời gian.

Nhớ lại quãng thời gian đã qua, anh Tồn cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn không thấy mệt mỏi hay áp lực. Tôi thấy hãnh diện và hạnh phúc khi được đồng hành cùng con trong một hành trình phát triển quan trọng.

Tôi cũng hãnh diện vì vợ đã làm tốt nhiệm vụ của một người mẹ, vẫn dành thời gian cho con, cùng con phát triển mà vẫn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê sự nghiệp riêng của mình. 

Từ câu chuyện của mình, chị Hoài Thịnh cho rằng, trong mỗi gia đình, việc chăm con, kiếm tiền hay vun vén hạnh phúc là nghĩa vụ của cả hai người. Kiếm tiền không chỉ là việc của đàn ông, phụ nữ cũng có thể hoàn toàn làm được điều đó và thậm chí là làm rất tốt. 

"Kiếm tiền vất vả, chăm con cũng vất vả không kém. Ở từng thời điểm cần có sự phân chia phù hợp, miễn sao cả vợ và chồng đều vui vẻ với quyết định đó. Vì mục tiêu chung vẫn là một gia đình hạnh phúc, con cái có môi trường phát triển toàn diện nhất", chị Thịnh nêu quan điểm.

Hiện tại, hàng ngày, bé Cam được bố mẹ cho đi học. Chị Thịnh có nhiều thời gian nhận các công việc liên quan đến phát triển, sáng tạo nội dung. Anh Tồn là nhân viên của một công ty xuất khẩu lao động. Cuối tuần gia đình nhỏ sẽ cùng nhau đi chơi, đi trung tâm thương mại. Chủ nhật là ngày mà họ nói không với công việc và dành trọn thời gian cho gia đình.