Những người “thổi hồn” vào… đất
(Dân trí) - Từ cục đất sét vô tri vô giác, qua bàn tay điêu luyện của người thợ gốm trở thành đồ vật có hồn cốt. Mỗi tác phẩm gốm ra lò như đứa con tinh thần ra đời chứa đựng cả tâm tình của người thợ. Họ là những người “thổi hồn” vào… đất.
Từ khi được hồi sinh, nghề gốm ở Bạch Liên ngày càng phát triển, thương hiệu được khẳng định ở thị trường trong và ngoài nước. Để làm ra được những sản phẩm gốm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ chọn, xử lý và pha chế đất; tạo hình, sửa dáng, vẽ, tráng men và nung. Trong ảnh, thợ gốm đang chọn lựa những cục đất sét để tạo hình các sản phẩm gốm.
Để làm ra những sản phẩm gốm, tùy từng loại mà người thợ sẽ chọn cách tạo hình thủ công hay bằng máy. Đối với các sản phẩm công nghiệp, số lượng lớn sẽ được tạo hình bằng máy hoặc đổ khuôn. Với những dòng sản phẩm cao cấp thì việc tạo hình được thực hiện thủ công, làm hoàn toàn bằng tay nên mất rất nhiều công sức, cần sự tỉ mỉ, khéo léo.
Từ cục đất sét vô tri vô giác, qua bàn tay điêu luyện của người thợ gốm trở thành đồ vật có hồn cốt. Những người thợ gốm, họ được xem như những người "thổi hồn" vào... đất. Ở Bạch Liên hiện nay có hơn chục người theo nghề gốm, số ít những người thợ có thể làm ra những sản phẩm có tính chất nghệ thuật cao.
Mỗi sản phẩm gốm sau khi tạo hình sẽ được sửa dáng cho đạt chuẩn. Người thợ coi từng sản phẩm như đứa con tinh thần vì chứa đầy tâm tình, tâm huyết để làm ra chúng. Người thợ gốm lành nghề phải có ít nhất cả chục năm kinh nghiệm. Cũng như những nghề khác, khi đạt tay nghề cao, thợ gốm cũng được xem là nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang khi mới về hồi sinh nghề gốm chỉ có anh và số ít người thân trong gia đình. Theo năm tháng, anh đã truyền nghề được cho nhiều người trong làng. Anh là nghệ nhân trẻ và có tâm huyết lớn với nghề gốm. Không chỉ là ông chủ, anh còn là người truyền lửa nghề cho những người đi sau để nghề gốm ở Bạch Liên ngày một phát triển không bị mai một.
Qua từng công đoạn làm ra sản phẩm gốm, mỗi người thợ lại đảm nhận một vai trò khác nhau. Người tạo hình, sửa dáng, người lại kẻ vẽ, tráng men... Công đoạn nào cũng rất tỷ mỉ và phải khéo léo, có đôi bàn tay điêu luyện thì sản phẩm mới có hồn.
Đa số các sản phẩm gốm Bồ Bát đều được trang trí hoa văn, phong cảnh của vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử. Sản phẩm gốm là món đồ lưu niệm chứa đầy tầm tình của người thợ gốm nhưng cũng là cách để quảng bá đất và con người vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Tùy theo các dòng sản phẩm khác nhau mà khâu kẻ vẽ được thực hiện phù hợp. Các sản phẩm lưu niệm được vẽ công phu theo những mẫu được đưa sẵn. Ngược lại, đối với những đồ gia dụng thì việc vẽ được thực hiện đơn giản hơn, đôi khi chỉ là một ký tự, một bông hoa, hay một chiếc lá...
Trước khi vẽ, gốm được phơi khô ráo. Người thợ gốm dùng bút lông, mực tàu để vẽ những đường nét điêu luyện. Khi vẽ, các tác phẩm cũng được người thợ thổi hồn vào để tác phẩm thêm sinh động, ấn tượng trên sản phẩm gốm.
Hoàn thành tất cả các công đoạn, gốm được đưa vào lò nung. Tùy theo sản phẩm gốm to nhỏ mà thời gian nung khác nhau. Có loại sản phẩm to phải nung đến 30 tiếng. Anh Vang cho hay, tỷ lệ gốm thành công rất ít, vì qua mỗi công đoạn lại có nhiều sản phẩm bị lỗi phải vứt bỏ. Vì thế, để có đứa con tinh thần ra đời hoàn chỉnh, người thợ gốm cũng mong ngóng và ước mong như chờ đợi đứa trẻ sau 9 tháng từ trong bụng mẹ cất tiếng khóc chào đời.
Một sản phẩm gốm hoàn chỉnh như đứa con tinh thần ra đời trong sự vui mừng "mẹ tròn con vuông". Nghề gốm mất nhiều công sức, đòi hỏi sự cần mẫn nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui cho người thợ.
Anh Vang cho biết, mỗi năm gia đình anh xuất đi hàng nghìn sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng nhiều kỷ niệm. Người thợ gốm làm ra các sản phẩm cũng mong sao khi đến tay người tiêu dùng cũng được nâng niu trân trọng. Vì khi chưa thành gốm chỉ là những cục đất sét vô tri vô giác, qua bàn tay điêu luyện, công sức của người thợ gốm mới nên hình, trở thành vật có hồn cốt.
Làm ra được các sản phẩm gốm, đến lúc xuất hàng đi người thợ cũng phải nâng niu, cẩn thận hết mình vì gốm mong manh dễ vỡ. Đổi lại, niềm vui rạng rỡ hơn khi các sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích chọn lựa.
Thái Bá