Nhiễm HIV/AIDS không phải là dấu chấm hết của cuộc đời
Hiện nay, nhiễm HIV không còn là “bản án tử hình” như một số người vẫn nghĩ. Người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc kháng vi rút kịp thời vẫn có thể sống và cống hiến như những người khoẻ mạnh.
Mặc dù thế giới đã trải qua cuộc chiến 35 năm kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện, nhưng đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, nhiễm HIV là mang một “bản án tử hình”, là “dấu chấm hết” cho cuộc đời. Suy nghĩ này có còn đúng trong thời đại hiện nay?
Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90, dịch HIV/AIDS ước tính đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người mỗi năm. Thông thường, khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công hệ thống miễn dịch khiến cơ thể dần dần bị suy yếu, dễ dàng bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vào thời điểm đó, y học thế giới chưa nghiên cứu ra những loại thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS hiệu quả nên tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS còn cao.
Trước đây, các thông tin về HIV/AIDS, con đường lây nhiễm... cũng không được phổ biến rộng rãi và đầy đủ nên HIV bị hiểu lầm là có thể lây nhiễm dễ dàng qua giao tiếp thông thường hay sử dụng chung bát đũa và là một “bản án tử hình”, vô phương cứu chữa.
Mặt khác, truyền thông về HIV/AIDS giai đoạn trước thường lạm dụng những hình ảnh chết chóc hay hình ảnh những người lở loét toàn thân, gầy giơ xương khiến cộng đồng sợ hãi, kỳ thị.
Ngày nay, HIV/AIDS vẫn được xác định là một trong những bệnh dịch nguy hiểm nhất. Tuy nhiên với sự phát triển của y học cùng sự ra đời của thuốc ARV (thuốc kháng HIV), căn bệnh thế kỷ này không còn là “bản án tử hình”. Điều trị bằng ARV sớm có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS. Người điều trị bằng ARV liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi khả năng lao động và làm việc tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho kinh tế quốc gia. Thuốc ARV còn làm giảm sự lây lan của dịch: giảm tới 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, góp phần tạo ra một thế hệ mạnh khoẻ, không còn HIV/AIDS.
Thuốc ARV sử dụng tại Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ các nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên các nhà tài trợ quốc tế đang trong lộ trình cắt giảm và chưa có thêm cam kết tài trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sau năm 2017. Trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không có giải pháp đảm bảo thuốc ARV, gần 100.000 bệnh nhân đang được điều trị có nguy cơ gián đoạn, tạo rủi ro HIV kháng thuốc và nguy cơ lây lan HIV ra cộng đồng tăng cao; gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ tới sức khỏe, tính mạng của người nhiễm HIV mà còn đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và xã hội.
Thuốc ARV được phát tại hơn 300 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS tại các tuyến trung ương, tỉnh và quận/huyện.
Sức ép đặt ra là Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị nguồn đầu tư bền vững cho việc mua thuốc ARV phục vụ điều trị HIV/AIDS để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS, đảm bảo sức khỏe cho người nhiễm HIV, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS như Mục tiêu 90 – 90 – 90 của Liên hợp quốc hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam.
P.V