Nhà thơ "không tên" và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam

Hoài Sơn

(Dân trí) - Với người dân xã Tam Hải, ông Nguyễn Tấn Long không chỉ là nhà thơ mà còn là một nhà ghi chép về chuyện cá ông cứu người và những lần "các cụ" vào bờ an nghỉ.

Nhà thơ "không tên" ở làng biển

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tấn Long (84 tuổi, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), người được mệnh danh là nhà thơ "không tên" của làng chài Thuận An. Ông Long khiêm tốn rằng ông chỉ là tác giả vô danh, sáng tác bằng niềm đam mê.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Tấn Long được mệnh danh là nhà thơ "không tên" của làng Thuận An.

Những bài thơ ngẫu hứng được viết về chuyện thế thời, quê hương với ngôn ngữ mộc mạc, song truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, nhân văn. Những tập thơ của ông chưa từng in ấn, xuất bản. Ông tỉ mẩn viết tay dành tặng khách đến chơi nhà và những bạn bè thương quý.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 2

Những bài thơ của ông viết về chuyện thế thời, quê hương Tam Hải.

Dù không xuất bản ra thị trường nhưng thơ của ông vẫn được lan truyền khắp nơi từ TP Đà Nẵng, TP HCM, rồi đến thủ đô Hà Nội và ra tận nước ngoài xa xôi.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 3

Điều đặc biệt là thơ của ông không bán và chưa từng được xuất bản.

"Sức học không được nhiều nên lời thơ của tôi mộc mạc, chúng không được bóng bẩy. Nhưng tôi nghĩ rằng, nó cũng đem lại sự bổ ích cho người đọc trong giờ nhàn rỗi và đặc biệt giúp họ biết về quê nhà Tam Hải của tôi", ông Long chia sẻ.

Bài thơ: Tam Hải quê tôi

Tam Hải quê tôi rợp bóng dừa

Thông rừng vi vút gió đong đưa

Rồng biển chuyển mình đưa rước khách

Để khách sang sông đến đảo dừa

Tam Hải quê tôi có núi Bàn

Có hình ông Đụn đứng hiên ngang

Bè Che, khe suối bao đời trước

Tản đá trên gành che nắng mưa

Tam Hải quê tôi có con rồng

Hằng ngày đưa rước khách sang sông

Dãi dầu mưa nắng thân nào quản

Tuổi cao sức yếu được đi không!

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 4

Tập thơ Hương quê tuyển tập được ông biên tập.

Đến nay, ông đã cho ra mắt nhiều cuốn thơ tự biên tập như: Hương quê tuyển tập, tập thơ gia đình... với những bài thơ: Tam Hải quê tôi, cảnh đẹp quê hương...

"Tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. Thơ của tôi chỉ tặng chứ không bán, tôi chỉ mong những vần thơ đến với mọi người một cách tự nhiên nhất", ông Long tâm sự.

Những bài thơ được ông sáng tác để lưu giữ những câu chuyện về cá Ông

Chuyện chưa kể về cá Ông

Ông Long không chỉ viết thơ về quê hương mà còn ghi chép về chuyện cá Ông cứu người và những lần các cụ cá vào bờ an nghỉ.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 5

Những câu chuyện về quê hương, cuộc đời được ông lưu giữ bằng thơ.

Dẫn đường cho chúng tôi đến nghĩa trang cá Ông (cá voi) nằm ở thôn Thuận An, nơi có đến hơn 500 ngôi mộ, chở che cho từng ấy "ngài" đã lụy vào bờ biển Tam Hải từ mấy trăm năm qua.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 6

Ở cái tuổi gần 90, nhưng ông vẫn còn ngâm thơ làm say đắm lòng người.

Ông Long cho biết, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh cá Ông, cho đến nay vẫn là truyền miệng, trong đó có một câu chuyện nổi tiếng, ghi lại cuộc gặp gỡ vua Gia Long và thần linh địa phương.

Ông Long kể, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Nhà vua lập vương triều Nguyễn và quan tâm đến việc xác lập chủ quyền biển đảo.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 7

Món quà từ người bạn nước Nga mà ông quen biết qua văn, thơ.

Một ngày, nhà vua cùng các quan cận thần đi thuyền ra biển để thăm dò, đo đạt hải trình thì không may gặp nạn. Lúc đó có 2 ông, bà nổi lên, kìm sát mạn thuyền, thân hình của ông bà quá to, lại phun ra chất nhờn làm cho sóng giảm đi, thuyền nhà vua được an toàn thoát nạn.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 8

Không chỉ viết thơ mà ông còn ghi chép về sự tích của mộ cá Ông.

Nhớ ơn cứu mạng, nhà vua đã lập đàn cúng và thăng chức cho ông bà là "Tứ Hải Long Vương". Cũng từ đó người dân có tín ngưỡng xin cá Ông cứu giúp và thiết lập nơi thờ cúng.

Bài thơ viết về cá Ông: Bà vô An Hòa

Lao xao sóng vỗ bãi ngang

Nhâm Thân thanh nhàn lại có bà vô

Hồi đầu là phái họ Hồ

Mồng một tháng tứ ghe ông Hương Lại

Gặp ở mô mô ngoài dời

Ổng lên cờ các thợ ra khơi

Cùng nhau mà vịnh tới nơi đem về

Làng ta đâu phải nhà quê

Cố gắng vịnh về bà trả mùa cho

Báo làng làng cũng phải lo

Bảo ban các thợ mà lo đang trành

Làng ta có đức rồi lại có danh

Con dân đang trành được chút hẩm hơi

Đức bà thọ bình ngoài khơi

Da ngoài tuột hết, ruột phơi ra ngoài.

Các thợ nghĩ lấy mà coi

Lo phần cấp tán để hoài không nên

Rồi đây biển được thâm bền

Nhân dân mua đá xây phên tiền đàn

Ông xã đi báo với quan

Xin dân tư ích làm tiền đàn vạn niên

Hai mươi nhằm đúng tháng giêng

Thanh minh trẩy hội đua thuyền cầu ngư

Cầu xin biển được nhiều nơi

Nhân dân bổn xóm người người ấm no

Cha ông ta đã dặn dò

Các con lẫn cháu phải lo chu toàn

Năm nào cũng được bình an

Bội thu đánh bắt đầy khoang đầy thuyền

Ngày nào đất nước bình yên

Xây thành lập lại vạn niên cho Bà

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 9

Câu chuyện được ông nghe từ ông nội và dựa vào tư liệu về mộ cá Ông ở thôn Thuận An, xã Tam Hải.

Ông Long kể thêm lịch sử vạn niên của Bà, năm Nhân Thân, ở thôn Xuân Mỹ có ông Hương Lại làm nghề chài, một hôm gặp được Bà lụy nên hạ buồm xuống để báo hiệu cho các thuyền bên trong chạy đến dìu Bà.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 10

Di tích nghĩa địa cá Ông lớn nhất cả nước nằm ở thôn Thuận An, xã Tam Hải.

Tin Bà lụy về đến làng, dân làng mua tre để đan trành vây quanh Bà, chờ Bà đến ngày phân rã thì đem vào. Cứ mỗi phần của Bà là một cái quách để an táng.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 11

Với ngư dân ở đây, cá Ông chính là thần luôn bảo vệ họ trước sóng gió của đại dương.

Những quách này chia làm 5 hàng dài, đầu xương sống và đuôi ở hàng giữa, xương sườn, vây và da thịt ở hai hàng 2 bên. Trên các hàng có 2 hòn đá ong ở 2 đầu. Khi an táng xong, để tưởng nhớ đến công ơn của Bà, dân làng lập thành Vạn Niên và chọn ngày 20 tháng giêng hàng năm làm Lễ Cầu ngư.

Nhà thơ không tên và chuyện chưa kể về nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam - 12

Xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam là nơi có nghĩa địa cá Ông với hơn 500 ngôi mộ.

"Hai năm Canh Ngọ và Tân Mùi, biển mất mùa, dân làng đói khát. Nhưng từ ngày bà lụy và an táng xong thì biển lại được mùa, dân làng phấn khởi, cuộc sống ấm no sung túc hơn và kéo dài", ông Long kể lại chuyện làng đã được ông làm thơ để lưu giữ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm