Người Sài Gòn trong "cơn bĩ cực" vẫn yêu thương, đùm bọc nhau
(Dân trí) - Mặc dù đang chịu cảnh thất nghiệp, mất thu nhập, nhưng nhiều người vẫn sẵn lòng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn với tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Dù khó khăn vẫn luôn tử tế và hào hiệp
Vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người dân đang sinh sống tại Sài Gòn phải lâm vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập. Nhưng dù cho cuộc sống có trở nên khó khăn thì sự tử tế của con người vùng đất này vẫn không hề giảm đi, thậm chí tình nghĩa giữa người với người lại càng ấm áp hơn.
Là một nhiếp ảnh gia khá có tiếng, những ngày chưa có dịch bệnh, anh Nguyễn Văn Minh Vương (35 tuổi) luôn có lượng khách ổn định với thu nhập tốt. Tuy nhiên, suốt mấy tháng qua, công việc của anh cũng tạm ngưng vì lệnh giãn cách xã hội, khách không thể đến chụp ảnh.
Không chỉ thế, khi dịch có xu hướng trở nên phức tạp hơn, chính anh Vương cũng thực hiện nghiêm chỉ thị của nhà nước, hạn chế ra đường và tiếp xúc ngoài cộng đồng.
Tận dụng thời gian này, anh Vương cố gắng trau dồi thêm kiến thức qua hình thức online để bổ trợ cho công việc của mình sau này. Và anh cũng theo dõi thêm thông tin diễn biến dịch bệnh và những người đang gặp khó khăn nhiều hơn.
Ngay sau khi biết đến hoàn cảnh của một thợ chụp ảnh già tại nhà thờ Đức Bà đang lâm vào bế tắc vì dịch bệnh, anh Minh Vương đã lập tức cùng học trò đến thăm hỏi và giúp đỡ.
"Qua trao đổi tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với bác, mình chỉ thầm nghĩ, vài chục năm nữa, khi mình cũng ở cái tuổi như bác hiện nay, phải mưu sinh, kiếm sống như vậy lúc, đó bản thân mình sẽ như thế nào? Chắc sẽ rất khó đoán...", anh Vương chia sẻ.
Người thợ chụp ảnh già trong câu chuyện của anh Vương là ông Nguyễn Văn Diên. Hơn 30 năm hành nghề tại khu vực Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TPHCM, tuy không dư dả, giàu có, nhưng ông Diên có một cuộc sống ổn định với đam mê của bản thân. Song hiện tại, vì những ảnh hưởng của dịch bệnh, không còn khách hàng, cuộc sống của ông đang trở nên rất khó khăn.
Ở tuổi 79, ông Diên chỉ có một thân một mình trong căn phòng trọ nhỏ ở quận 8, không vợ con, không người thân bên cạnh. Đam mê với nhiếp ảnh đã không còn nuôi sống được ông nữa. Thế nên, mỗi ngày ông Diên đều đi thu gom ve chai về bán. Được đồng nào hay đồng ấy, quan trọng là có tiền để trang trải qua mùa dịch.
"Tuy đang khó khăn nhưng mình còn trẻ, còn sức để làm"
Những người trẻ đến thăm và giúp đỡ ông Diên, ai cũng xót xa khi biết về hoàn cảnh một ông cụ gần 80 tuổi vẫn phải vất vả mưu sinh kiếm sống.
Chị Nguyễn Thị Thu Ngân (34 tuổi) - học trò của anh Vương chia sẻ: "Trước tình hình dịch bệnh này, ai cũng sẽ khó khăn, nhất là các trường hợp đặc biệt như bác. Là một thế hệ sau, thế hệ trẻ về nghề nhiếp ảnh, mình và các bạn cảm thấy thương cảm và muốn giúp bác để qua được lúc khó khăn này. Tuy không nhiều nhưng đó là tấm lòng của mình và các bạn, của thế hệ đàn cháu, đàn em, thế hệ sau đối với thế hệ đàn anh, đàn chú, thế hệ trước".
Hay như bạn Trần Thị Thu Hằng (21 tuổi), hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại Học Văn Hiến cũng đã đến thăm và giúp đỡ ông Diên ngay sau khi biết đến những khó khăn của ông. Mặc dù hiện tại Thu Hằng chỉ là một sinh viên, dù đã đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập nhưng trong mùa dịch, Hằng cũng chẳng có việc gì để làm. Tuy nhiên, cô sinh viên này vẫn trích một phần nhỏ trong số tiền dành dụm của bản thân để ủng hộ ông Diên vượt qua khó khăn lần này.
Anh Huỳnh Kiến Văn (29 tuổi), nhân viên của một công ty chuyên về sản xuất máy nhuộm, hiện tại cũng đang tạm thời nghỉ việc vì công ty cũng ngưng hoạt động.
Chia sẻ với PV Dân trí về việc giúp đỡ ông Diên dù bản thân cũng đang gặp khó khăn, anh Kiến Văn nói: "Tuy mình hiện tại cũng khó khăn, không có thu nhập, nhưng dù sao mình cũng còn trẻ, còn sức để làm, còn sức để mưu sinh, nên nhóm mình san sẻ một chút với khó khăn của bác. Vậy nên chuyện giúp đỡ bác là chuyện nên làm và là một việc hết sức bình thường".
Ngay chính ông Diên, người được giúp đỡ trong câu chuyện này cũng rất ái ngại và đã năm lần bảy lượt từ chối số tiền được giúp đỡ. Ông cho rằng mình vẫn còn sức lực, vẫn có thể cố gắng sống sót được qua mùa dịch và muốn dành phần đó chia sẻ cho những người cần hơn.
Sài Gòn tuy đang rất khó khăn và mệt mỏi vì bệnh dịch nhưng Sài Gòn vẫn luôn bao dung, người Sài Gòn vẫn luôn hào phóng và tử tế.