Hàng ngàn suất cơm đầy nghĩa tình và sự tận tâm đã được trao đi
(Dân trí) - "Cơm cô nấu là sự san sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn chứ không phải là của bố thí. Nên cô ráng nấu thật ngon để người nhận vui và không thấy chạnh lòng", bà Hoàng chia sẻ.
Những căn bếp cháy rực ngọn lửa nghĩa tình
4h30 sáng, ngọn lửa đỏ được nổi lên trong căn bếp của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng. Và bắt đầu từ lúc này, những chiếc nồi, chiếc chảo to đùng phải hoạt động hết công suất để cho ra hơn 600 khẩu phần ăn. Đây chính là khẩu phần ăn dành cho những người vô gia cư, bán vé số và những người đang gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch.
Trong căn bếp nghi ngút khói, bà Hoàng cùng con cháu của mình quây quần bên nhau, cười nói vui vẻ mặc dù ai cũng đang phải làm việc luôn chân luôn tay rất vất vả.
Theo lời kể của bà Hoàng, việc nấu cơm phát cho những người khó khăn đang cần giúp được gia đình bà thực hiện xuyên suốt gần một tuần qua. Ban đầu, ý tưởng này được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức khởi xướng và kêu gọi. Vừa nghe được thông tin, bà Hoàng đã không chút chần chừ xung phong nhận triển khai "Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức" ngay tại nhà mình.
Bà Hoàng chia sẻ, "Đây không phải lần đầu tiên cô làm mấy việc này đâu. Cô bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 2000 rồi. Có một lần cô cũng nấu khoảng 1200 suất cơm. Nhưng mà chủ yếu thì vẫn là đi cho tiền hoặc là cho gạo, xây cầu thôi. Đợt này dịch dã, nhiều người đói mà không có miếng cơm để ăn. Cô thấy nhiều người cho gạo, cho tiền rồi nhưng ít ai chịu đứng ra nhận nấu, nên là cô nhận nấu".
Sau khi đồng ý đi tiên phong trong việc dựng "Bếp ăn nghĩa tình", bà Hoàng bắt đầu sắp xếp công việc trong gia đình, thông báo với các con, các cháu để cả nhà cùng nhau chung tay hoàn thành. Lối sống sẻ chia được bà Hoàng truyền dạy cho con cháu từ lâu nên khi bà vừa mở lời, cả gia đình đều vui vẻ ủng hộ và cùng bà thực hiện hết mình.
Chị Chung (33 tuổi), con dâu của bà Hoàng tâm sự: "Nguyên liệu, rau củ, thịt cá... được chị chuẩn bị sẵn từ chiều tối hôm trước. Cỡ 4h30 thức dậy là chỉ có nấu nướng nữa thôi đó. Như vậy mới kịp vì tới hơn 600 suất lận. Ở đây toàn là con cháu trong nhà thôi. Mẹ chị vừa thông báo là mấy anh chị em cùng nhau chung tay làm liền. Tuy mệt, nhưng giúp được người khác lúc khó khăn thì mình cảm thấy vui lắm. Vừa làm vừa nói chuyện hồi cũng quên hết mệt mỏi".
Đến khoảng 7h sáng, sau khi cơm và thức ăn đã được nấu gần xong, những người bạn, những người hàng xóm cũng lần lượt ghé đến giúp đỡ. Người thì phụ múc cơm vào hộp, người lại múc thức ăn, cắt dưa leo, cho vào túi, đóng gói… Mỗi người một công đoạn, cùng chung tay góp sức cùng gia đình bà Hoàng. Không khí tại nhà bà Hoàng vui vẻ, rôm rả và ngập tràn năng lượng tích cực vì mọi người kể về niềm vui khi trao đi những hộp cơm nghĩa tình.
"Đây là sự san sẻ, chứ không phải bố thí"
Những suất cơm được nấu từ bếp nhà bà Hoàng không chỉ để xua đi cơn đói mà bà Hoàng còn mong muốn những người nhận được hộp cơm này sẽ cảm thấy ngon miệng và vui vẻ khi được ăn một bữa ăn chất lượng và đầy đủ dinh dưỡng.
Vì suy nghĩ này, bà Hoàng đã rất tận tâm và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Từ chọn nguyên liệu sao cho tươi ngon, chất lượng nhất, cho đến quá trình nấu nướng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói cũng phải gọn gàng, sạch đẹp và vận chuyển cơm phải cẩn thận, nhanh chóng để cơm và thức ăn không bị nguội và xô lệch.
Bà Lý Trinh (65 tuổi), bạn thân của bà Hoàng vừa luôn tay xúc cơm vào hộp, vừa nói chuyện với tôi (phóng viên Dân trí), rằng: "Con không biết đâu, bà Hoàng kỹ dữ lắm! Cái gì cũng phải lựa ngon nhất, chất lượng. Như gạo để nấu cơm nè, là phải lựa gạo tốt, nấu cho cơm thơm, mềm, dẻo. Rồi như nấu bò kho thì phải chọn bánh mì ăn kèm thiệt ngon. Bánh mì ở mấy chợ gần đây không được ngon là bả mua ở tận Lái Thiêu luôn! Có tâm dữ lắm con ơi!".
Khi được hỏi tại sao lại cẩn thận đến như vậy, bà Hoàng chỉ mỉm cười rồi ôn tồn bảo: "Cô sợ nấu dở, người ta ăn không hết, bỏ dư thừa thì phí và mang tội lắm. Cơm cô nấu là sự san sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn chứ không phải là bố thí. Vậy nên cô chọn những thứ thật ngon, thật chất lượng để nấu. Cô muốn người nhận cơm thấy ngon, thấy vui chứ không phải là chạnh lòng khi nhận phần ăn quá tệ".
Đúng 10h sáng, xe của những thanh niên tình nguyện ghé trước cửa nhà bà Hoàng. Từng hộp cơm, từng túi thức ăn được sắp xếp cẩn thận lên những chiếc giỏ đặt trên yên xe để đưa đến tận tay những người đang cần nó.
Bạn Châu Hoàng Yến (25 tuổi), nữ tình nguyện viên duy nhất trong đoàn chia sẻ: "Nhiệm vụ của em là đưa những phần cơm này đến bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt cho một số bệnh nhân và những người khó khăn đang cần. Đợt giãn cách trước thì em làm tình nguyện ở chốt chặn Gò Vấp, giờ thì xin được đi chở cơm đến cho những người khó khăn. Em thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn khỏe mạnh và làm được điều gì đó cho mọi người trong mùa dịch này".
Sau khi các tình nguyện viên rời đi, chiếc xe bán tải của cảnh sát Thành phố cũng đến. Những phần cơm còn lại cũng bắt đầu được di chuyển từ trong nhà ra ngoài xe để nhanh chóng đưa đi cho kịp bữa trưa.
Tình người được lan tỏa
Trong hơn 600 phần cơm, bà Hoàng luôn để dành lại khoảng 100 phần, một số phần cơm sẽ được anh Mai Huy Tùng (con trai bà Trinh) đem đi phát tận tay những người bán vé số, vô gia cư trong khu vực. Phần còn lại, bà Hoàng đặt ngay trước cửa nhà mình (số 252 đường Lê Thị Hoa, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức) để những người khó khăn gần đó tới lấy.
Nhận được những phần cơm thấm đẫm chân tình này, rất nhiều người đã mừng rỡ, cảm ơn rối rít. Có người còn xúc động đến rưng rưng nước mắt, tay run run đón lấy hộp cơm.
"Thôi tôi được ăn rồi! Tôi không lấy thêm nữa đâu! Chú đem về cho người khác ăn đi. Sẵn chú cầm luôn cái này về, đưa cho mấy cô ở nhà nấu. Tôi không có gì hết, chỉ có mấy trái mướp này thôi", vừa nói, người đàn ông khắc khổ cầm mấy quả mướp dúi vào tay anh Tùng khi được anh trao tặng hộp cơm.
Vậy mới thấy, tình người giữa những lúc ngặt nghèo, khó khăn mới đẹp đẽ và đáng trân quý làm sao.
Chương trình "Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức" không chỉ "nổi lửa" ở nhà bà Hoàng mà còn đang được vận hành cùng thời điểm tại chùa Từ Quang (phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức).
Tương tự như tại nhà bà Hoàng, khoảng 4h30 sáng, các sư thầy tại chùa Từ Quang cùng những phật tử lâu năm tại chùa cũng tập trung nấu những suất cơm chay trao đến các hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
Đúng vào hôm PV Dân Trí ghé đến, các thầy và các cô đang đổi từ cơm sang nấu món nui xào chay. Tuy là món chay, nhưng hộp thức ăn nhìn cực kỳ bắt mắt với nhiều màu sắc từ các loại rau củ tươi ngon, đầy dinh dưỡng. Mỗi phần ăn đều được các cô để với số lượng rất nhiều. Đặc biệt còn có thêm một trái chuối để người ăn tráng miệng.
Thượng tọa Thích Thiện Ý, trụ trì chùa Từ Quang cho biết, "Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhất là TPHCM đạt mức báo động về số lượng ca nhiễm. Những người mua bán tự phát giờ không còn mua bán được nữa, rất nhiều người phải lâm vào cảnh khó khăn vì đợt dịch này. Trên tinh thần từ bi, trang vui cứu khổ của đạo Phật, mỗi ngày chùa sẽ phát 200 suất ăn, gửi đến những mảnh đời đang gặp khó khăn".
Mỗi ngày, nhà bà Hoàng và chùa Từ Quang chia sẻ hơn 800 suất cơm. Và một tuần qua, kể từ ngày 2 bếp ăn từ thiện này chính thức triển khai những suất cơm "ân tình", hơn 5.600 suất cơm nghĩa tình đã được trao đi, và mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó. Cả bà Hoàng và thượng tọa Thích Thiện Ý đều khẳng định với PV Dân Trí rằng "Bếp ăn nghĩa tình Thủ Đức" sẽ hoạt động không có thời hạn, trước mắt bếp sẽ đều đặn "đỏ lửa" mỗi ngày để nấu những bữa ăn ân tình, ít nhất cho đến khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi...