Thanh Hóa:

Người quản trang hơn 30 năm tận tụy canh "giấc ngủ" cho hàng nghìn liệt sĩ

Bình Minh

(Dân trí) - Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ. Nơi đây, hàng ngày phần mộ của các anh được trông nom, hương khói chu đáo bởi người quản trang Ngô Thọ Chính (60 tuổi).

Nửa đời "canh giấc" liệt sĩ

Đến Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bất cứ khi nào, đều có thể bắt gặp hình ảnh người quản trang cần mẫn, cặm cụi hương khói, quét dọn và chăm lo cho từng phần mộ. Với 33 năm gắn bó ở nơi này, ông Ngô Thọ Chính (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) đã thuộc lòng tên từng phần mộ, quê quán ở vị trí hàng nào, lối nào.

Ông cho biết, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng là nơi yên nghỉ của gần 2.000 người con ưu tú - những người ra đi ở lứa tuổi 20 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đây cũng là nơi an nghỉ của các liệt sĩ là quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào.

Người quản trang hơn 30 năm tận tụy canh giấc ngủ cho hàng nghìn liệt sĩ - 1

Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng - nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Ngạn anh hùng, ông Chính từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và sự hi sinh của các chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Năm 1988, ông xin được về đây làm công việc bảo vệ, chăm sóc những phần mộ. 

Ông bảo, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng lúc ấy rất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, um tùm, chưa có điện, những hố bom nham nhở vẫn còn sót lại.

Vì vậy, ngoài công việc trông coi nghĩa trang, ông bỏ công sức phát quang bụi rậm, san bằng hố bom, nhổ cỏ, quét dọn, cải tạo và chỉnh trang lại khuôn viên nghĩa trang. 

Ông trồng thêm hoa mười giờ, trưa nắng, hoa nở đỏ rực càng làm cho nghĩa trang ấm áp hơn. Ngày nào cũng làm đến chập choạng tối, có hôm ông còn chong đèn để làm cho xong.

Người quản trang hơn 30 năm tận tụy canh giấc ngủ cho hàng nghìn liệt sĩ - 2

Hơn 30 năm qua, ông Ngô Thọ Chính là người đã canh "giấc ngủ" cho những anh hùng liệt sĩ.

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, 30 năm qua, không kể nắng mưa, người quản trang đều cần mẫn, tận tụy với công việc của mình.

Coi liệt sĩ như những người thân đã khuất của chính mình, hàng ngày ông chăm chút cho từng ngôi mộ. Vào những ngày rằm, mùng một ông đều cẩn thận lau mộ, rửa cốc chén, rút chân hương, chuẩn bị hoa quả thắp hương với tấm lòng thành kính. 

Năm nào cũng vậy, khi các gia đình sum họp quây quần bên mâm cơm giao thừa, ông vẫn cặm cụi nơi nghĩa trang vắng vẻ để làm lễ cầu siêu và thắp nén hương thành kính cho gần 2.000 ngôi mộ trước thời khắc giao thừa. 

"Là cách tôi tri ân những người đã khuất"

Nơi ông gắn bó hơn 30 năm nay, cũng có tro cốt của người anh trai mình. Vì thế, với ông Chính, tất cả những phần mộ này đều như người thân, ruột thịt của ông.

Ông kể, nhiều đêm không ngủ, ông trở mình thức dậy, đốt nén hương dâng lên đài liệt sĩ như tự tình, như tâm sự với những người đã khuất, lại thấy mọi tâm tư trong lòng như nhẹ đi.

Người quản trang hơn 30 năm tận tụy canh giấc ngủ cho hàng nghìn liệt sĩ - 3

Ông Chính cần mẫn chăm sóc những phần mộ liệt sĩ như chính phần mộ của người thân, ruột thịt mình.

Gắn bó đã lâu với những phần mộ liệt sĩ, ông Chính không nhớ mình đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động. Là những người mẹ già yếu, những người cha còm cõi cạn nước mắt khi tìm thấy được mộ con mình hay những người con sau bao năm tìm kiếm đã tìm thấy mộ cha…

Bao nhiêu lần chứng kiến cũng là chừng ấy lần ông không cầm được nước mắt. Ông Chính vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây vài năm, có một phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc đến nghĩa trang để tìm mộ bố. Người phụ nữ này đã rất nhiều năm đi tìm mộ của cha mình nhưng đều không thấy.

"Nghe đến tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lợi, tôi đã dẫn họ đến. Người con khóc như mưa khi đứng trước mộ của đấng sinh thành. Chứng kiến cảnh ấy, tôi thật sự xúc động", ông Chính nhớ lại.

Người quản trang hơn 30 năm tận tụy canh giấc ngủ cho hàng nghìn liệt sĩ - 4

Những phần mộ liệt sĩ được người quản trang chăm sóc cẩn thận.

Điều mà ông Chính trăn trở đó là trong số hơn 2.000 phần mộ ở đây, nhưng có đến một nửa chưa có thông tin về thân nhân liệt sĩ. Bởi thế, ông luôn xem những phần mộ như là người thân, ruột thịt của mình.

Không chỉ làm công việc bảo vệ, chăm sóc các phần mộ, ông Chính còn kết nối, trao đổi thông tin, hướng dẫn đường cho nhiều thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền đất nước về Hàm Rồng tìm người thân. 

Có những đợt tiếp nhận số lượng lớn hài cốt liệt sĩ tập kết về nghĩa trang, ông Chính đã thức trắng đêm để sắp xếp, hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ làm thủ tục.

"Với tôi, làm bảo vệ tại nghĩa trang liệt sĩ không phải là công việc bình thường mà là cách tôi tri ân những người đã khuất cho bình yên của dân tộc", người quản trang Ngô Thọ Chính chia sẻ.

Với những cống hiến thầm lặng của mình, năm 2015, ông Ngô Thọ Chính đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Năm 2021, ông Chính vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.