Người đẹp cao nguyên vượt định kiến, trở thành "bà trùm" nông sản Hà Giang
(Dân trí) - Từng giành giải Nhất cuộc thi Người đẹp cao nguyên đá, là mẫu ảnh, nữ sinh viên duyên dáng nhưng Lưu Thị Hòa vẫn quyết tâm bỏ phố về rừng lập nghiệp, vượt qua định kiến nữ giới chỉ lo chuyện gia đình.
Từ giải Nhất thi người đẹp đến "bà trùm" nông sản
Bắt đầu ngày mới, Lưu Thị Hòa (SN 1992) - cô gái người dân tộc Cờ Lao (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - mặc bộ đồ bảo hộ để vào bản thu hoạch sâm khoai và chăm sóc đàn ong vừa hút mật từ cây bạc hà. Đây là sản phẩm tâm huyết của Hòa khi điều hành mô hình Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Po Mỷ (Đồng Văn, Hà Giang).
Nhìn Hòa thoăn thoát với công việc nông nghiệp, không ai nghĩ cô từng là nữ sinh viên duyên dáng, là mẫu ảnh cho nhiều nhãn hàng, tạp chí...
Sinh năm 1992, cô gái người dân tộc Cờ Lao từng tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thời sinh viên, Hòa gây ấn tượng và được nhiều người biết đến bởi dáng người cao, ngoại hình xinh xắn và ăn nói dễ thương, đam mê hoạt động cộng đồng.
Năm 2014, Lưu Thị Hòa xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Người đẹp miền cao nguyên đá lần thứ nhất, tổ chức trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch lễ hội chợ Tình Khau Vai.
Tuy nhiên, thay vì tương lai rộng mở ở thành phố, năm 2017, Hòa quyết định bỏ phố về rừng, bắt đầu sự nghiệp lan tỏa nông sản quê nhà. Cô nàng quyết định khởi nghiệp bằng mô hình HTX nông nghiệp - một nghề chẳng giống với những gì cô được học ở trên giảng đường đại học.
"Khi nghe quyết định quay về quê hương lập nghiệp của mình, mẹ đã khóc hết nước mắt. Người thân đều sốc và phản đối kịch liệt, ngăn cản mình quay trở về bởi họ hiểu rõ nhất những khó khăn vùng đất này. Ở lại thành phố, mình sẽ có một tương lai tốt hơn", Hòa nhớ lại.
Theo Hòa, đối với một phụ nữ dân tộc thiểu số Cờ Lao, việc khởi nghiệp gặp nhiều rào cản. Đầu tiên chính là áp lực về định kiến của xã hội bởi nhiều người quan niệm chỉ có đàn ông mới thích hợp với công việc sản xuất kinh doanh, còn phụ nữ sẽ chăm lo chuyện gia đình.
Tiếp đến là áp lực về kinh nghiệm, vốn bởi ngành mà Hòa theo học chẳng liên quan gì tới nghề nông. Mặt khác, để một cô gái trẻ tạo được niềm tin từ người dân với mô hình HTX là rất khó khăn bởi nhiều người dân nơi cô sống đã quen "buôn thúng bán mẹt". Mỗi ngày, họ hái được chục mớ rau, ít hoa quả mang ra chợ bán lấy tiền ngay.
"Mình yêu mảnh đất quê hương và mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp nơi đây. Sau nhiều lần "giải cứu nông sản" ở địa phương, mình nhận ra các mặt hàng còn thô sơ, chưa được đầu tư, khó giải được bài toán nông nghiệp bền vững. Phần khoảng cách địa lý xa xôi cũng thêm rào cản cho sản xuất nông nghiệp ở nơi địa đầu Tổ quốc này", nữ Giám đốc HTX Lưu Thị Hòa kể.
Nghĩ là làm, Hòa quyết tâm vượt qua định kiến xã hội, thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ. Bảy thành viên của HTX đều là người dân tộc thiểu số.
Đặt tên HTX Po Mỷ, cô gái dân tộc Cờ Lao mong ước đưa mô hình này trở thành "viên ngọc sáng" trên cao nguyên đá, làm nông nghiệp sạch, giúp nông dân tiêu thụ được nông sản địa phương.
Hành trình khởi nghiệp từ con số "0"
Hoạt động của Hòa gây dựng hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Đồng Văn khai thác hoạt động theo mô hình nông nghiệp - du lịch - văn hóa. Sứ mệnh mà HTX tự đặt ra là nâng cao giá trị sản phẩm từ tài nguyên bản địa và phân phối nông sản cho quê hương.
Vị giám đốc trẻ đã mày mò tìm hiểu, kết nối các hộ gia đình để giới thiệu và tiêu thụ nhiều loại nông sản Hà Giang như đào, hạt óc chó, lê, mận, hạt dẻ, táo mèo, gừng đồi, thịt gà, trâu, trứng... Ngoài bán tươi, HTX đang sản xuất thêm mứt lê, lê sấy, rượu lê, thịt trâu gác bếp... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Để đa dạng nguồn hàng, HTX đứng ra sản xuất và hỗ trợ thu mua các đặc sản của người dân về sơ chế, đóng gói như thịt trâu và thịt ba chỉ gác bếp, mật ong bạc hà, mận, gừng đồi...
Đặc biệt, cô nàng tâm huyết nhất với hai sản phẩm mật ong bạc hà, sâm đất mà nhiều người gọi vui cô với cái tên là "bà trùm" nông sản.
"Ban đầu cũng thất bại nhiều lắm. Chính bởi bắt đầu từ con số "0" nên mình đã gặp phải vô vàn khó khăn về nhân sự, chiến lược, sản phẩm, thị trường,... ", Hòa nói.
Lúc sinh con, trong phòng mổ nhưng mùa củ sâm tới, cô vẫn dùng điện thoại để tranh thủ chỉ đạo công việc. Suốt thời gian ở cữ, Hòa không ngừng làm việc bởi đã cùng bà con thì phải bao tiêu đến cùng.
Thế rồi, từ mô hình hoạt động nhỏ, HTX của Hòa ngày càng phát triển và lớn mạnh. Ngoài tiêu thụ tại chỗ, Hòa còn đẩy mạnh marketing, giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Tiktok nhằm đưa sản phẩm vào thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội...
Để rút ngắn khoảng cách và tạo điều kiện cho người dân Hà Nội có thể sử dụng sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Lưu Thị Hòa đã xây dựng 2 cửa hàng ở Hà Nội, đồng thời xây dựng trụ sở để tiện liên kết, hợp tác.
Cô gái người dân tộc Cờ Lao (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) mong muốn làm nông nghiệp sạch, giúp nông dân tiêu thụ được nông sản địa phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo nữ giám đốc, HTX đã chú trọng đến nét bản sắc riêng của người dân địa phương, đồng thời mở rộng sang trồng các loại hoa, quả đặc sản theo hướng công nghệ cao, thực hiện phục vụ chuyên nghiệp nhằm thu hút khách hàng trong và ngoài nước.
Nói thì dễ song bắt tay làm không phải dễ dàng. Ở nơi địa đầu Tổ quốc, khó khăn vất vả nhất chính là địa hình hiểm trở, đi lại xa xôi, có những vùng nguyên liệu ở bản sâu, cách 40-50km đường núi.
"Việc trồng trọt trên núi đá cao khiến nguồn nước tưới tiêu khó khăn, quá trình vận chuyển vất vả lại không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nên mã hàng hóa chưa được đẹp mắt. Mình đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến sản phẩm tốt hơn", Hòa chia sẻ.
Mong được cống hiến nhiều hơn
Nhớ lại những kỷ niệm khi hoạt động HTX, cô gái trẻ không khỏi rưng rưng khi năm trước, một hộ dân đã mang con gà - tài sản quý của gia đình - đến biếu Hòa để bày tỏ cảm ơn vì giúp tiêu thụ sản phẩm. Hay một câu chuyện khác về hai anh em nhà nghèo mang lê đến bán để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ cũng khiến Hòa không kìm được nước mắt.
"Hạnh phúc lắm! Mình thấy những nỗ lực của mình giúp đỡ được người dân", bà chủ 30 tuổi bày tỏ.
Ban đầu chỉ vài hộ dân chịu vào HTX, nhưng về sau Po Mỷ đã có 8 thành viên và kết nối hơn 50 hộ tham gia. Qua sáu năm hoạt động, HTX đã có hàng ngàn mét vuông nông trại với quy trình khép kín, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đều là người dân tộc thiểu số.
Việc bán hàng của HTX cũng chuyển sang trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng số. Qua hướng dẫn của cô giám đốc trẻ 9X, bà con dân bản biết dùng điện thoại thông minh, kết nối các ứng dụng họp trực tuyến để trao đổi công việc, giới thiệu hàng nông sản.
"Trước kia mình phải mất rất nhiều thời gian để tổ chức họp hành, tập huấn cho bà con tham gia HTX. Nay nhờ ứng dụng công nghệ số, chỉ cần 5-10 phút đã có thể kết nối với người dân ở vùng nguyên liệu. Mọi việc diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn", chị Hòa cho biết.
Với Hòa, trong điều kiện vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, việc phát huy vai trò của HTX là hết sức cần thiết. Do vậy, chị đã cùng Liên minh HTX của tỉnh chung tay cùng với các ngành, địa phương trong việc triển khai, thực hiện xây dựng HTX vùng đồng bào dân tộc Cờ Lao.
"Mình vẫn tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh và kêu gọi sự chung tay từ các nhà đầu tư. Để nâng cao chất lượng nông sản thì vốn đang là yếu tố quan trọng", Lưu Thị Hòa bày tỏ.
Hòa vui mừng chia sẻ mục tiêu xuất khẩu nông sản ra nước ngoài.
"Một số doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng từ củ sâm khoai, mật ong nên đã bàn bạc với Po Mỷ xuất khẩu sản phẩm. Tôi mong tiếp tục HTX ngày càng phát triển, có thêm nhiều hoạt động mở rộng thị trường hơn nữa", Hòa nói.
Người dân bản đã biết giới thiệu sản phẩm nông sản trực tuyến
Trong các năm 2018-2023, Lưu Thị Hòa liên tục được các cơ quan nhà nước, tổ chức, ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực với nông sản. Năm 2023, cô lọt top 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh, được bầu vào Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hà Giang...
Trước đó, cô gái dân tộc Cờ Lao Lưu Thị Hòa đạt Giải thưởng Lương Định Của 2019, Bằng khen Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp tiêu biểu 2020 do Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khen tặng; Bằng khen HTX tích cực trong hoạt động kinh tế tập thể của Liên minh HTX Việt Nam năm 2020; Điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương khen tặng.
Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết TW5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể
Lưu Thị Hòa được trao nhiều khen thưởng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lưu Thị Hòa cũng lọt top 8 Techfest 2021, vào danh sách Short List Women of the future Awards - Giải thưởng Phụ nữ tương lai 2020, tôn vinh phụ nữ thành đạt tại các quốc gia Đông Nam Á; được chọn tham gia mạng lưới hợp tác toàn cầu của các phụ nữ tài năng đi đầu trong lĩnh vực phát triền kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị Đông Nam Á, ở hạng mục Social Entrepreneur (tháng 11/2019).
"Dù được nhiều khen thưởng nhưng bản thân mình thấy thật sự chưa cống hiến đủ, nên luôn luôn cố gắng thật nhiều, trao giá trị thật nhiều. Mình mong muốn giúp được nhiều hơn đồng bào của mình và mong muốn giúp được chính mình nữa", Giám đốc HTX Po Mỷ Lưu Thị Hòa chia sẻ.
Dù được nhiều khen thưởng nhưng bản thân mình thấy thật sự chưa cống hiến đủ, nên luôn luôn cố gắng thật nhiều, trao giá trị thật nhiều. Mình mong muốn giúp được nhiều hơn đồng bào của mình và mong muốn giúp được chính mình nữa.