Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Khóc nghẹn, đau xót khi phát hiện con đã uống
(Dân trí) - Chị Trang lo lắng cho sức khỏe của con sau khi phát hiện loại sữa bé đang uống nằm trong danh sách gần 600 loại sữa giả do cơ quan chức năng công bố, dự định sẽ đưa con đi kiểm tra sức khỏe.
Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả nhắm tới người bị tiểu đường, suy thận, trẻ em và phụ nữ có thai bị phanh phui khiến nhiều người tiêu dùng bàng hoàng.
Chất lượng các sản phẩm sữa đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Những kẻ cầm đầu khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia.
Mất hàng triệu đồng mua sữa, cân nặng của con vẫn không cải thiện
Chị Trang (ở Thái Bình) chia sẻ, đã cho con dùng 4 hộp sữa UniGold, giá 460.000 đồng/hộp. Ngày 15/4, khi lướt mạng thấy danh sách sữa giả đăng trên mạng xã hội có tên hãng này, chị hoảng hốt nhắn tin ngay cho 2 cửa hàng mình từng mua sữa để xác thực thông tin.
Ngay trong ngày, một bên đã liên hệ thu hồi lại số sữa chị mua và đề nghị hoàn tiền, kể cả những lon đã dùng. Còn một cửa hàng khác lại cho biết sữa bán cho chị không nằm trong danh sách gần 600 loại sữa giả mới được công bố và không có động thái gì thêm.
"Tôi không biết tin vào ai, rõ ràng trong danh sách có tên hãng UniGold, nhưng cửa hàng lại nói sữa con tôi dùng không nằm trong số sữa giả. Trong khi một bên khác lại liên hệ để thu hồi và hoàn tiền", chị Trang chia sẻ trong sự bất an, lo lắng cho sức khỏe của con.
Chị cho biết, khi sử dụng sữa UniGold, chị không thấy con tăng cân, nên mới đổi sang dùng loại sữa khác.
"Dù không còn dùng UniGold, nhưng tôi rất bức xúc và lo lắng về tình hình sức khỏe của con khi uống phải sữa của hãng có sai phạm này", chị Trang chia sẻ.

Chị Trang từng cho con dùng 4 hộp sữa UniGold (khoanh đỏ) trước khi biết nằm trong danh sách sữa giả (Ảnh chụp màn hình).
Người phụ nữ cho biết, may mắn tình trạng sức khỏe của con chị hiện tại vẫn bình thường, chị đang quan sát thêm, có thể sẽ đưa con đi khám để đảm bảo an toàn.
"Thật sự đáng sợ khi họ có thể làm giả hàng trăm loại sữa để bán cho trẻ em như vậy", người mẹ nói.
Chị mong sớm có kết quả kết luận và xử lý các công ty liên quan để không còn tình trạng sữa giả tràn lan trên thị trường.
Chị Thúy (sống ở Hà Tĩnh), bất ngờ khi nhìn thấy nhãn hiệu sữa mà con trai uống cách đây 2 năm có trong danh sách các sản phẩm bị làm giả.
"Tôi quặn thắt ruột gan vì con trai là nạn nhân của lon sữa giả. Chuyện tiền nong là một vấn đề nhưng điều tôi quan tâm là liệu sữa giả sẽ ảnh hưởng lâu dài như thế nào đến sức khỏe của con", chị Thúy bày tỏ lo lắng.
Theo chị Thúy, cách đây 2 năm, con trai thứ hai phải nhập viện do tiêu chảy. Thời điểm đó, người kê thuốc khuyên uống loại sữa đó để sớm ổn định hệ tiêu hóa.
Vợ chồng chị mua một hộp với giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi uống 1 hộp vẫn không thấy tình hình được cải thiện. Bà mẹ này vẫn tiếp tục mua hộp thứ hai.
"Khi chưa uống hết hộp thứ hai, sức khỏe của con tôi vẫn không tốt hơn. Tôi tức tốc đưa cháu ra Hà Nội chữa trị", chị Thúy nói.
Đến nay, sức khỏe của con trai chị Thúy vẫn bình thường, đảm bảo các chỉ số phát triển như bạn bè trang lứa. Từ đó, chị không mua thêm bất cứ hộp sữa nào của nhãn nói trên. Sau khi đọc thông tin về sữa giả, chị thêm phần hoang mang.
"Sữa đã uống cách đây 2 năm, làm sao thu hồi được nữa. Tôi hy vọng trong thành phần sữa không có hóa chất gì nguy hiểm", người mẹ nói thêm.

Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất (Ảnh: VTV).
Thấp thỏm chờ đợi kết quả kiểm định
Như nhiều bà mẹ, khi nghe tin cơ quan chức năng phát hiện gần 600 loại sữa giả trên thị trường, chị Hoa (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) lo lắng nhắn tin cho người bán hỏi về dòng sữa cho 2 con trai sinh đôi 6 tuổi uống nửa năm nay.
"Người bán cho hay sản phẩm sữa bột tôi mua là của công ty có trong danh sách công ty làm sữa giả nên thu hồi lại sản phẩm. Sản phẩm của công ty được đưa kiểm định. Tôi bần thần cả người", chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, trước đây, chị thường mua sữa ở bệnh viện hoặc mua của một thương hiệu lớn trong nước. Nửa năm trước, nhân viên cửa hàng sữa gần nhà chị giới thiệu loại sữa mới có công dụng "hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, cân bằng vi khuẩn đường ruột, cung cấp năng lượng, kích thích cảm giác ăn ngon miệng", "nguyên liệu sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ".
Người bán đồng thời còn cung cấp giấy tờ, có dấu chứng minh nguồn gốc, chất lượng đảm bảo nên chị Hoa mới tin tưởng mua về cho con sử dụng. Một hộp sữa có giá 345.000 đồng.
Với tâm lý muốn tốt cho con, chị Hoa đã mua cả sữa bột và sữa công thức pha sẵn về cho con sử dụng.
"Hai con tôi rất thích uống sữa nên mỗi ngày đều uống 2-3 lần. Tôi vô cùng lo lắng vì các con đã sử dụng sản phẩm sữa giả suốt một thời gian dài. Tôi chỉ mong sữa con mình uống có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn công bố, hy vọng không có thành phần độc hại, gây tác hại ngấm ngầm. Tôi chỉ còn biết thấp thỏm chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng", chị Hoa lo lắng.
Bà mẹ có con trai sinh đôi cũng đặt câu hỏi lớn vì sao đường dây sữa giả lại lộng hành trong suốt 4 năm mới bị phanh phui? Có bao nhiêu đứa trẻ, phụ nữ có thai, người già đã uống phải những sản phẩm làm giả tiềm ẩn nguy hiểm này?

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng sữa và phát hiện vi phạm (Ảnh: DMS).
Chị Hà Thị Hường (trú tại Đông Hưng, Thái Bình), chia sẻ, thường xuyên mua sữa cho con tại một siêu thị sữa gần nhà. Khi con mới sinh, chị cho con dùng một dòng sữa của Nhật Bản.
Hết hộp sữa ấy, chị ra siêu thị dự tính mua thêm và được nhân viên giới thiệu nhiều dòng sữa ngoại được quảng cáo là hỗ trợ phát triển tốt cho trẻ sơ sinh. Tin tưởng vào lời giới thiệu, chị đã chọn mua và cho con sử dụng từ khi bé được 1 tháng tuổi.
Suốt thời gian 4 tháng sử dụng, cân nặng của bé có tăng nên chị Hường không có ý định thay đổi sữa. Tuy nhiên, gần đây, khi mạng xã hội lan truyền thông tin về danh sách gần 600 loại sữa giả trên thị trường, người mẹ giật mình.
Chị Hường đang tìm hiểu xem sữa con mình uống có nằm trong số sữa giả hay không thì phía siêu thị nơi chị mua hàng đã chủ động gọi điện để thông báo thu hồi sản phẩm và hoàn lại tiền. Theo lời nhân viên, dòng sữa mà chị mua thuộc công ty nghi vấn sản xuất sữa giả.
"Theo thông tin tôi được biết, công ty này có hơn 500 loại sữa, họ đang thu hồi hết lại để kiểm nghiệm", chị Hường nói.
Dù chưa có kết luận cuối cùng, các sản phẩm của công ty này đều đang được gửi đi kiểm tra. Phía siêu thị cũng cho biết, loại sữa này không chứa chất độc hại, tuy nhiên chỉ đạt khoảng 70% tiêu chuẩn dinh dưỡng, còn lại 30% không đạt yêu cầu.
"Thời điểm nhận được thông báo, tôi vừa mới mua thêm 6 hộp sữa với giá 480.000 đồng/hộp, được tặng thêm 1 hộp. Ở nhà còn 1 hộp là 8, tôi mang tất cả ra siêu thị trả lại và được hoàn tiền đầy đủ", chị Hường kể.
Sau sự việc này, chị Hường quyết định sẽ chỉ lựa chọn các thương hiệu lớn, có uy tín để đảm bảo an toàn cho con. Dù hiện tại con vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường, nhưng chị vẫn không khỏi lo lắng và dự định sẽ đưa con đi khám tổng quát để yên tâm hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi (Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng, cung cấp năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, sữa giả thường không đảm bảo thành phần như công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất, phụ gia cấm hoặc kim loại nặng gây độc.
Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng do nhiễm khuẩn; suy dinh dưỡng cấp hoặc mạn tính do thiếu các vi chất cần thiết như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA...
Ngoài ra, trẻ cũng có thể chậm phát triển trí tuệ nếu thiếu hụt DHA, choline - những dưỡng chất quan trọng cho khả năng học hỏi và tư duy. Đặc biệt nguy hiểm hơn, một số loại sữa giả còn chứa chất tạo màu, bảo quản vượt ngưỡng cho phép, gây nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Bác sĩ Ngọc Lợi cho biết, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như biếng ăn, bỏ bú, dễ kích thích, tiêu chảy kéo dài, đau bụng, chậm tăng cân, nổi mẩn ngứa hoặc xanh xao, mệt mỏi dai dẳng. Đây có thể là những biểu hiện cho thấy trẻ đã sử dụng sữa giả hoặc sữa kém chất lượng.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chọn mua sữa tại các cơ sở uy tín, kiểm tra kỹ bao bì, hạn sử dụng, mã vạch và nguồn gốc sản phẩm. Tuyệt đối không nên ham rẻ hay mua sữa từ các kênh bán hàng không chính thống như mạng xã hội, livestream (phát sóng trực tiếp), vì nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái.