Người đàn ông 45 năm vớt xác, cứu sống hàng trăm người nhảy cầu tự tử
(Dân trí) - Trong 45 năm neo ghe trên sông Sài Gòn, ông Ba Chúc không còn nhớ mình đã vớt được bao nhiêu thi thể và đã cứu sống hàng trăm người nhảy cầu tự vẫn.
Ông Nguyễn Văn Chúc (65 tuổi, tên thường gọi là Ba Chúc) được người dân xóm chài biết đến như khắc tinh của "thần chết". Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông không nhớ đã cứu sống được bao nhiêu người và vớt bao nhiêu thi thể trôi dạt để thân nhân của họ có cơ hội nhận dạng, đưa về an táng.
Ông Ba Chúc kể: "Việc vớt xác trên sông Sài Gòn của tôi cũng ngót nghét 45 năm, lênh đênh sông nước từ nhỏ nên tôi thuộc từng ngã rẽ, con nước".
Chiếc điện thoại "cùi bắp" đã gắn bó với ông hàng chục năm qua, nó vừa giúp ông mưu sinh khi có người gọi đưa đò, vừa là kênh liên lạc để người dân liên hệ cầu cứu khi có người nhảy xuống sông tự vẫn.
Số điện thoại của ông được người dân lan truyền khắp nơi. Khi mọi người đi trên sông Sài Gòn, các kênh rạch khu vực Thủ Đức, Bình Thạnh..., hễ thấy thi thể hoặc khi người thân của người tự vẫn không tìm được xác đều gọi cho ông.
Chỉ cần nghe có tiếng kêu cứu, tri hô của bà con xung quanh khúc sông là ông Ba Chúc lao chiếc ghe ra mặt nước và vội vàng nhảy xuống cứu người, bất kể ngày đêm.
Ông Ba Chúc chở người thân của người tự vẫn đi tìm xác trên sông Sài Gòn. Mỗi chuyến đi như vậy, thù lao ông nhận lại là tùy tâm của các gia đình thuê ông. Ông cho rằng cứu người là việc phải làm, tiền bạc không quá quan trọng, chỉ mong tìm được nạn nhân xấu số để đưa họ về với gia đình.
Đối với ông Chúc, việc vớt xác, cứu người được xem là cái tình giữa con người với nhau. Công việc mưu sinh hằng ngày của ông Ba Chúc là chở người dân có nhu cầu đi lại trên sông Sài Gòn hoặc đi thả cá phóng sinh.
Sau mỗi lần đi vớt xác, bàn giao cho cơ quan chức năng xong, ông Ba Chúc nhóm lửa lên để hơ (đốt vía).
"Việc hơ lửa làm giảm nguy cơ nhiễm khí độc từ thi thể người mất, giúp an toàn khi đến gần trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai", ông Ba Chúc nói.
Ngoài việc chài lưới đánh bắt cá và cứu người, ông còn phụ vợ đi chợ và nấu ăn hàng ngày. Hiện nay, ngoài việc vớt xác, ai kêu gì ông Ba Chúc làm việc đấy. Nhà có 5 người con gái nhưng các con đều đã lập gia đình, chỉ còn hai vợ chồng nương tựa nhau.
Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc bị bệnh tiểu đường đã 20 năm nay. Hàng ngày, đều đặn 2 buổi sáng và tối ông giúp vợ tiêm thuốc.
"Nhiều người được ông Chúc cứu vẫn thường xuyên đến nhà để thăm hỏi, nói lời cảm ơn. Vì nhờ có ông, họ được sống tiếp quãng đời còn lại", bà Hinh tâm sự.
Với ông mọi vất vả sẽ tan biến khi được vui đùa cùng các con các cháu, đặc biệt là với cháu ngoại mới chào đời.
Căn nhà của ông Ba Chúc dựng bằng những tấm ván gỗ ép lại với nhau, nằm nép mình bên sông Sài Gòn, dưới chân cầu Bình Lợi (Quận Bình Thạnh, TPHCM).
Cửa nhà hướng nhìn về mặt sông, vách luôn rộng mở để ông dễ dàng quan sát. Khi phát hiện người nhảy xuống sông tự vẫn ông sẽ lao ghe ra cứu nạn nhân.
Gần nửa thế kỷ làm việc giúp đời, không màng danh lợi, ông Ba Chúc được nhiều ban ngành, đoàn thể tại TPHCM khen thưởng.
Bên cạnh những người được ông cứu sống và nhận ông làm cha nuôi, một số người khi biết nghĩa cử cao đẹp của ông cũng xin nhận ông làm cha.
"Tình cờ tôi và chồng đi phóng sinh thì gặp bố Ba Chúc. Khi ấy có một người thanh niên nhảy xuống sông tự vẫn, thế là bố bỏ mặc tất cả để lao xuống để cứu người thanh niên ấy. Sau đó chúng tôi còn biết bố vớt xác những người xấu số dọc bờ sông. Ngưỡng mộ và cảm động trước sự bao dung nên chúng tôi quyết định nhận bố Ba Chúc làm người cha thứ hai của mình", chị Ngọc chia sẻ.
Mỗi tối, sau khi xem chương trình thời sự xong, ông ra nhóm lửa nấu nước pha trà, ngồi nhâm nhi trước hiên nhà, hướng mắt về cầu Bình Lợi để quan sát.
Theo ông Ba Chúc, khi cứu được ai đó thoát khỏi "miệng hà bá" ông thường khuyên: "Các con phải biết trân trọng tính mạng này vì tất cả chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Các con vào bệnh viện sẽ thấy các bệnh nhân khao khát sống từng ngày để được bên cạnh gia đình và người thân của mình".
"Tôi có 5 người con gái, các cháu trai không muốn làm công việc này như ông ngoại. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, thôi thì tranh thủ tận dụng hết sức mình để giúp đỡ mọi người khi tôi còn ở chốn nhân gian này", ông Ba Chúc trầm ngâm.