Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư

Phạm Hồng Hạnh Minh Nhân

(Dân trí) - Anh Lý A Huân vượt qua quãng đường hơn 300km sẵn sàng chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để vào viếng Tổng Bí thư. Nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh thành cũng sớm có mặt tại nhà tang lễ.

Chúng tôi không ngại đường xa, không ngại chờ lâu

Từ xã vùng cao Tả Phời, Sa Pa, TP Lào Cai, sáng 25/7, anh Lý A Huân (23 tuổi, người dân tộc Dao) vượt qua chặng đường hơn 300km để xuống Hà Nội.

A Huân là một trong rất nhiều người trẻ có mặt gần khu vực Nhà tang lễ Quốc gia nơi đang cử hành trọng thể lễ Quốc tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Anh Lý A Huân chia sẻ, ngay khi biết tin người dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư, anh đã quyết định sẽ xuống Hà Nội vào ngày 25/7.

"Tôi không ngại đường xa, chỉ mong được vào viếng Tổng Bí thư. Là một người trẻ, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ bác Trọng, đặc biệt là về sự biết ơn, hiếu nghĩa, đạo đức, lối sống", anh Huân nói.

3h sáng, bà Nguyễn Thị Mưu cùng chồng và hai người hàng xóm bắt xe khách từ huyện An Lão, TP Hải Phòng đến Hà Nội với mong muốn được thắp nén nhang cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 1

Bà Nguyễn Thị Mưu bắt xe khách từ Hải Phòng tới Hà Nội viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Minh Nhân).

Bà Mưu cho biết, dù chưa có dịp được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài đời nhưng bà luôn dõi theo ông qua các hoạt động chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tâm, có tầm. Bác đã dành cả cuộc đời vì nước, vì dân cho tới phút cuối đời. Nhìn những hình ảnh giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi thêm yêu quý, trân trọng ông.

Dù phải chờ lâu đến mấy chúng tôi cũng sẽ chờ để được tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối", bà Mưu chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lân (57 tuổi, quê Nam Định) dậy từ 4h để bắt xe khách vượt quãng đường hơn 100km lên Hà Nội.

Bà Lân không kìm được nước mắt nói: "Vì tin yêu và kính trọng Tổng Bí thư nên tôi đã sắp xếp công việc, dành thời gian lên đây kính viếng, tiễn đưa bác Trọng. Là người dân Việt Nam, tôi nghĩ ai cũng ngưỡng mộ bác Trọng".

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 2

Bà Nguyễn Thị Lân không kìm được nước mắt khi nói về Tổng Bí thư (Ảnh: Hồng Anh).

Ngồi trên vỉa hè phố Nguyễn Công Trứ, bà Nguyễn Thị Huệ (71 tuổi, nhà ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhìn trân trân về phía Nhà tang lễ Quốc gia.

Bà Huệ cho biết luôn rất ấn tượng với những phát biểu, lời răn dạy chỉ đạo sâu sắc về đạo đức, lối sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Tôi thường theo dõi bác Trọng qua truyền hình, báo chí. Tôi nhớ nhất câu Tổng Bí thư nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Tôi thường chia sẻ những câu chuyện về bác Trọng để răn dạy con cháu", bà Huệ nói.

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 3

Bà Nguyễn Thị Huệ ghi nhớ nhiều phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Người phụ nữ 71 tuổi cũng cho biết, bà và bạn bè, người quen thường kể cho nhau nghe những tin tức về bác Trọng.

Ai cũng ngợi ca, Tổng Bí thư là người liêm chính, trong sạch, có tầm nhìn, mạnh dạn, dám nói, dám làm, quyết liệt trong chiến dịch "đốt lò", phòng chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 4

Người dân theo dõi lễ viếng trực tiếp bên ngoài nhà tang lễ (Ảnh: Ngọc Lưu).

Tổng Bí thư là tấm gương sáng

Bà Nguyễn Thị Xinh (72 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày qua, mỗi lần đọc tin tức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bà lại rơi nước mắt.

Vợ chồng bà không bỏ sót một chương trình nào phát sóng, đưa tin về các buổi hội họp, chuyến công tác của vị lãnh đạo đứng đầu Đảng. Chồng bà Xinh còn lưu rất nhiều ảnh của Tổng Bí thư trong điện thoại với lòng ngưỡng mộ sâu sắc.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh đạo ưu tú, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi luôn dạy con cháu hãy noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Xinh nói.

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 5

Dù chưa đến giờ được vào viếng nhưng bà Xinh vẫn có mặt từ sớm chờ đợi (Ảnh: Hồng Anh).

Sáng nay, vì chồng bà Xinh phải ở nhà trông cháu nên giục bà Xinh sớm chuẩn bị để đến nhà tang lễ thay ông thắp nén tâm nhang cho Tổng Bí thư.

Khi đến gần khu vực nhà tang lễ, bà cảm nhận được không khí trầm buồn, xúc động.

"Tôi thấy rất đông người dân ở Hà Nội và các tỉnh thành đã có mặt ở đây. Ai cũng yêu quý bác Nguyễn Phú Trọng và mong muốn tri ân bác. Dù buổi chiều mới được vào viếng nhưng tôi sẽ chờ ở đây chứ không về nhà", bà Xinh nói.

Theo bà Xinh, điều quan trọng mà Tổng Bí thư đã để lại cho dân, cho nước đó là hình tượng về một người lãnh đạo tài giỏi, gương mẫu, liêm khiết để các cán bộ, người dân học hỏi, noi theo. 

Trong thời gian ngồi chờ đợi vào viếng, bà Xinh cùng nhiều người dân kể cho nhau nghe những câu chuyện mình đọc được về Tổng Bí thư, những phát ngôn, lời dạy sâu sắc mà thấm thía.

Ông Đỗ Quang Đăng (84 tuổi, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) đi bộ từ nhà đến Nhà tang lễ Quốc gia với mong muốn sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân dậy từ 3h sáng, vượt 300km xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư - 6

Ông Đăng luôn dõi theo các hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Minh Nhân).

Thời trẻ, ông Đăng là Bí thư đoàn ở đơn vị công tác và từng có thời gian tiếp xúc với Tổng Bí thư khi Tổng Bí thư công tác tại Thành ủy Hà Nội.

Qua mỗi lần tiếp xúc, ông Đăng cảm nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người tuyệt vời, hết mình vì công việc.

Từ những ấn tượng tốt đẹp ấy, ông Đăng luôn dõi theo sự nghiệp và những bước tiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đứng trước cổng Nhà tang lễ Quốc gia, ông Đăng xúc động chia sẻ: "Tổng Bí thư mất đi là một mất mát to lớn. Tôi mong rằng sẽ có nhiều cán bộ, Đảng viên học tập và phát huy tinh thần của Tổng Bí thư".

Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo:

Sau 18h hôm nay 25/7, Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.