Thầy giáo xúc động, đọc thơ tiễn biệt học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng

Minh Nhân Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Sáng 25/7, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, 89 tuổi, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đến Nhà tang lễ Quốc gia tiễn đưa người học trò Nguyễn Phú Trọng.

Câu thơ trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của Tổng Bí thư

Thầy Sơn thuộc lớp sinh viên khóa 1 khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là giảng viên được giao nhiệm vụ đi cùng lớp Văn khóa 8, khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên) năm 1965.

Thầy giáo xúc động, đọc thơ tiễn biệt học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng - 1

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, thầy giáo cũ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Minh Nhân).

Ông bồi hồi chia sẻ: "Mấy đêm nay tôi không ngủ. Đêm qua cũng thức trắng vì thương học trò Nguyễn Phú Trọng".

Từ nhiều tháng trước, thầy Sơn đã luôn dõi theo tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư. Khi thấy học trò vắng mặt trong cuộc họp nào đó, người thầy lại bồn chồn không yên.

"Khi nghe tin học trò qua đời, tôi rất bàng hoàng. Hôm nay, tôi đi cùng các học trò lớp văn khóa 8 để tiễn đưa anh Trọng. Chúng tôi đã mất đi một người bạn, người học trò thân yêu", thầy Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ về nhiều kỷ niệm đẹp với lớp Văn khóa 8 (K8) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày ấy.

Lớp K8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đông về số lượng, mạnh về chất lượng, nhiệt tình tham gia các hoạt động học tập, ngoại khóa. Học trò Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Bí thư Chi đoàn thanh niên.

Khi đi sơ tán tại Thái Nguyên, mỗi khi có việc cần điều động sinh viên tham gia với địa phương, thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn thường chủ yếu huy động lớp của Tổng Bí thư.

Theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn, lớp Văn K8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thầy cô thân thiết như một gia đình. Trong mắt thầy Sơn, Tổng Bí thư là người chân chất, hiền lành, một người sống rất chân thành, trong sáng.

Hàng năm, khi lớp Văn K8 tổ chức họp mặt, ông Sơn và một số thầy thường được mời đến chung vui cùng các học trò.

Thầy giáo xúc động, đọc thơ tiễn biệt học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng - 2

Người dân đến làm thủ tục đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 25/7 (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Một lần về họp lớp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ về tình người, tình bạn, tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tình thầy trò.

"Khi ấy, tôi có nói với anh Trọng: "Nhân anh nói đến chữ "Tình", tôi tặng anh câu thơ Hán - Việt tôi mới sưu tầm được: "Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình (Tạm dịch: Trên đời này mọi sự, mọi việc chỉ là bọt bèo và ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người).

Anh Trọng nghe xong thì bình luận: "Câu thơ hay quá thầy ạ, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em", thầy giáo Nguyễn Văn Sơn kể lại.

Lặng người nhắc về những kỷ niệm với học trò bên ngoài nhà tang lễ, thầy Nguyễn Ngọc Sơn nghẹn ngào: "Lòng tôi rưng rưng đầy niềm tiếc thương. Kính tiễn Anh, một nhân cách lớn - Đồng chí Tổng Bí thư - Người luôn khắc sâu đạo nghĩa thầy trò".

"Tôi chỉ biết đến Tổng Bí thư qua tivi nhưng rất kính trọng ông"

Sáng 25/7, bên ngoài khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, rất đông người dân đã có mặt từ sớm để chờ vào viếng Tổng Bí thư.

Vượt hơn 30km, bà Đinh Thị Huệ (66 tuổi, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) có mặt trên phố Lò Đúc hướng vào Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ sáng sớm.

Bà Huệ kể đêm hôm trước trằn trọc, cứ thao thức, mong đến sáng để đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người phụ nữ ra khỏi nhà từ 5h, ban đầu tính đi 2 chuyến xe buýt. Khi đến quốc lộ 1A cũ, bà gặp một người đi khám bệnh, nên xin đi nhờ đến nhà tang lễ.

Thầy giáo xúc động, đọc thơ tiễn biệt học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng - 3

Bà Huệ bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với những hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Minh Nhân).

Bà Huệ nhớ lại một tuần trước, con gái đọc thông tin trên mạng xã hội về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Bà nói "rất bàng hoàng", hỏi lại con "có chính xác không?".

"Đến tối, thông tin về sự ra đi của Tổng Bí thư phát trên ti vi, tôi mới chấp nhận sự thật. Tôi thương Tổng Bí thư quá", bà Huệ nói.

Người phụ nữ 66 tuổi cho hay nghe tin Tổng Bí thư không còn nữa bà cảm giác "như mất người thân trong gia đình".

Bà Huệ cho biết chưa từng được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trong lòng "luôn quý trọng đức tính liêm khiết, giản dị của vị lãnh đạo". Những ngày qua, mỗi khi xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư, bà lại chực trào nước mắt.

Thầy giáo xúc động, đọc thơ tiễn biệt học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng - 4

Người dân chờ đợi bên ngoài nhà tang lễ, mong chờ đến giây phút kính viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

"Tôi chỉ mong được vào viếng để tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư đã vì dân, vì nước.  Những ngày qua, khi tivi thông báo người dân được vào viếng Tổng Bí thư, tôi đã sắp xếp công việc, hôm nay đi thật sớm. Tôi sẽ chờ đến tối để được vào viếng", bà Huệ nói.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7, được tổ chức đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.