Phu nhân Ngô Thị Mận nghẹn ngào bên linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(Dân trí) - Sáng 25/7, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dẫn đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đón nhận những lời chia buồn, bà Ngô Thị Mận, Phu nhân Tổng Bí thư, không ngừng bật khóc.
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo:
Sau 18h hôm nay 25/7, Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ sáng nay (25/7).
Theo thông báo từ Ban Lễ tang, tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7.
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được tổ chức tại đây, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Cùng thời gian trên, Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng, tưởng niệm, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong hai ngày Quốc tang, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 35 thành viên, do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban. Ban Tổ chức lễ tang gồm 27 thành viên, do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng ban.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần hồi 13h38 ngày 19/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.
Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; thường trú tại phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Ông tham gia công tác từ năm 1967 và vào Đảng ngày 19/12/1967.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV.
Ông cũng từng tham gia Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII; giữ chức Tổng Bí thư các khóa XI, XII, XIII; Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.