Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội

Đỗ Quân

(Dân trí) - Trong những ngày giãn cách xã hội ở TP Hà Nội, thay vì cúng giỗ, báo hiếu nơi đền chùa, phần mộ… nhiều người đã lựa chọn hình thức cúng giỗ, làm lễ online tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, người đã khuất.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 1

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên sắp đồ để cúng lễ Vu Lan tại nhà do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. 

Hằng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch - mùa Vu Lan báo hiếu, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên ở KĐT Geleximco (Dương Nội, Hà Đông) có thói quen tề tựu ra mộ thắp hương, lên chùa cầu một mùa Vu Lan an lành. Đây là dịp con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ.

Bà Liên cho biết, do TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội khiến gia đình bà không trực tiếp đến phần mộ của chồng bà vào dịp lễ Vu lan.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 2

Gia đình bà Liên sử dụng dịch vụ cúng giỗ trực tuyến trong những ngày này, đây là dịch vụ khá mới ở Việt Nam. Dịch vụ này nở rộ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu phát hiện vào năm 2020.

"Năm nào cũng vậy, tôi mong mỏi đến ngày này. Mọi năm chưa bị dịch bệnh, các thành viên trong gia đình đều cùng nhau ra mộ dọn dẹp, lau chùi ban thờ, sửa soạn cúng dâng. Mỗi năm chỉ có một mùa Vu lan, chúng ta cố gắng thu xếp, tỏ lòng thành kính, có nén nhang thơm dâng lên tổ tiên tưởng nhớ đấng sinh thành", bà Liên chia sẻ.

Bà Liên cũng đã đặt mâm lễ cúng nhờ nhân viên tại nghĩa trang dâng lên người chồng đã khuất của mình. Bà chắp tay vái lạy người thân qua buổi cúng giỗ online.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 3

Bà Liên đang cúng lễ Vu Lan qua màn hình máy tính trình chiếu bối cảnh khu nghĩa trang gia đình.

"Do dịch bệnh, gia đình tôi không thể lên trực tiếp phần mộ để dọn dẹp, lau chùi ban thờ, sửa soạn cúng dâng chồng tôi. Tuy nhiên, ông ấy sẽ thấy yên lòng khi vợ con luôn tưởng nhớ đến mình. Tôi thấy mâm lễ được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, cảm giác như mình đang ở cạnh phần mộ vậy… rất xúc động.", bà Liên chia sẻ.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 4

Sau khi, khóa lễ Vu lan trực tuyến kết thúc, bà Liên lên phòng thờ của gia đình, bắt đầu thắp hương gia tiên và người chồng quá cố của bà. 

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 5

Bà Nguyễn Thị Hồng cùng con cháu đang tham gia buổi cúng lễ Vu lan trực tuyến.

Cũng như gia đình bà Liên, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở phố Thái Hà (Trung Liệt, quận Đống Đa) dậy từ sớm để chuẩn bị, sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên và tưởng nhớ người chồng đã mất cách đây hơn một năm. Lễ Vu Lan năm nay, do dịch bệnh khiến gia đình, con cháu bà Hồng không thể quây quần bên nhau như mọi khi. Bà cùng mọi người đành phải làm lễ dâng hương, cúng lễ online, vái vọng tại nhà.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 6

Bà Hồng sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên trong dịp Đại lễ Vu lan, chia sẻ hình ảnh cùng nhiều người thân trong họ hàng do không thể tới dự.

"Hôm nay, con cháu không về được vì vướng dịch bệnh. Em đã đặt dịch vụ giúp gia đình chuẩn bị lễ cúng tại nghĩa trang cho anh. Ở nhà, em cùng con cháu, mọi người đều có thể theo dõi trực tuyến. Em mong anh và gia tiên cảm thông cho lễ vái vọng từ xa của em và các con cháu. Dù ở đâu, mọi người vẫn luôn thành kính nhớ về anh và tổ tiên ông bà", bà Hồng xúc động khấn.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 7

Không thể gặp nhau vì dịch Covid-19, bà Hồng cùng người thân thành kính làm lễ Vu Lan online.

Trong buổi lễ được quay phát trực tiếp từ mộ người thân, mọi người trong gia đình bà Hồng đều bật thiết bị để cùng chứng kiến.

Người dân cúng lễ Vu lan trực tuyến giữa mùa dịch ở Hà Nội - 8

Bên kia đầu dây kết nối nói: "Cháu chào cô và toàn thể gia đình, cháu là Văn Quỳnh - nhân viên Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên. Chúng cháu đã sắm lễ theo nguyện vọng của gia đình. Sau đây là toàn cảnh buổi lễ, cháu xin được chia sẻ qua video trực tuyến tới toàn thể gia đình mình".  

Khi được chứng kiến buổi cúng lễ diễn ra chu đáo, trang nghiêm, bà Hồng cùng người thân đều cảm thấy an lòng.

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu có nguồn gốc từ Đạo Phật Bắc Tông (Đại thừa), là một ngày lễ chính của Bắc Tông. Câu chuyện nguồn gốc ra đời của ngày này liên quan đến sự tích về đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Qua hàng nghìn năm, Đại lễ Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam, để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành "lễ hội văn hóa tình người". Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" với tiên tổ. Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.