Gia Lai:

Nghệ nhân giữ hồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai

(Dân trí) - Đối với nghệ nhân Rơ Lan Pel (làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) thì dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê. Chị luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình.

Chị Pel kể rằng: Từ lúc chị còn rất nhỏ đã tò mò, thích thú với hình ảnh các bà, các mẹ trong làng ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ quần áo đẹp. Bà và mẹ chị thường lấy hình tượng người múa xoang và hình tượng nhà mồ để dệt hoa văn trên vải, bởi đó là những hình ảnh rất quen thuộc đối với đời sống văn hóa tâm linh của người Jrai.

“Tôi được học dệt từ chính người mẹ của mình. Từ đó đến nay cũng đã hơn 30 năm tôi gắn bó với nghề dệt.” – Chị Pel chia sẻ.

Chị Pel bên khung dệt nhỏ của mình.
Chị Pel bên khung dệt nhỏ của mình.

Vải thổ cẩm của người Jrai có nhiều đặc điểm riêng so với các dân tộc Tây Nguyên khác. Những tấm vải thổ cẩm Jrai không có nhiều màu sắc, kim tuyến sặc sỡ như của người Ba Na hay Ê Đê; họa tiết cũng đơn sơ, mộc mạc hơn, thể hiện đúng bản chất con người Jrai chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn.

Việc lựa chọn nguyên liệu và cách nhuộm sợi, ở mỗi nhóm người, mỗi gia đình Jrai có thể khác nhau, song cũng có những điểm tương đồng. Màu được ưa thích của họ thường là màu đen, màu trắng, điểm xuyết thêm màu vàng và màu đỏ.

Hiện chị Pel là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất xã Biển Hồ. Nhờ đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, những họa tiết hoa văn truyền thống của người Jrai được chị thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng tấm vải thổ cẩm.

Chị Pel chụp ảnh cùng những học viên trong lớp dệt thổ cẩm
Chị Pel chụp ảnh cùng những học viên trong lớp dệt thổ cẩm

Sau thời gian trên nương rẫy, chị Pel luôn tranh thủ trở về bên góc nhỏ của mình để say mê với từng hoa văn tỉ mẩn, tinh xảo. Sản phẩm dệt của chị như quần áo, túi xách, khăn… chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của người thân trong gia đình hay bà con ở làng trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi.

Với lòng yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc, năm 2002, chị được công nhận là Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống và được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Biển Hồ.

Chị và các chị em trong câu lạc bộ luôn chủ động trao đổi kinh nghiệm với nhau để giữ lòng yêu nghề dệt thổ cẩm. Có nhiều đơn vị hay cá nhân ở các địa phương khác như Chư Pưh, Chư Sê,… khi biết được tay nghề của chị Pel cũng đã tới đặt hàng với số lượng lớn. Những lúc nhận được đơn hàng như thế, chị vui mừng gọi các chị em trong làng tới cùng nhau làm để họ có thêm thu nhập.

Chị Pel truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai.
Chị Pel truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai.

Để giữ nghề truyền thống của dân tộc, chị Pel còn nhiệt tình tham gia các lớp dạy dệt thổ cẩm cho những người chưa biết nghề, tay nghề còn yếu, nhất là thế hệ trẻ. Năm 2016, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN), chị dạy được cho gần 30 học viên là thanh niên trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sau khi học xong, các học viên của chị đều có thể về nhà tự dệt phục vụ nhu cầu trong gia đình. Chị Pel chia sẻ: “Dệt thổ cẩm không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nếu không có sự ham thích thì không làm được. Khó nhất ở chỗ tạo hoa văn. Mình phải có trí nhớ và sự tưởng tượng phong phú. Học để biết dệt thì cần tối thiểu trong 6 tháng, khó như vậy nhưng các em trẻ đều quyết tâm theo được hết lớp học.”

Hiện giá thành của 1 bộ váy áo khoảng 1,4 đến 1,7 triệu đồng. Số tiền ấy không hề nhỏ nhưng so với công sức bỏ ra của một người nghệ nhân thì lại tương đối rẻ. Đối với nghệ nhân lành nghề như chị Pel thì cũng phải mất hơn một tuần mới hoàn thành được 1 bộ hoàn chỉnh, còn các chị em khác thì cẩn tỉ mỉ cả tháng may ra mới làm xong.

“Mặc dù giá cả của các loại trang phục hiện đại rất rẻ và tiện lợi cho cuộc sống lao động, sinh hoạt hiện nay nhưng những trang phục truyền thống lại rất đẹp, mang cả cái hồn dân tộc Jrai trong đó, hơn nữa vải thổ cẩm cực kỳ bền, một bộ nếu giữ gìn mặc cả đời cũng không hư, không lỗi thời.” – Chị Pel tự hào nói.

Bà Ng Líu – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Biển Hồ, cho biết: Hiện ở xã Biển Hồ còn khoảng 50 gia đình tham gia nghề dệt thổ cẩm, tập trung chủ yếu ở làng Phung 1 và làng Phung 2. Vì đầu ra chưa ổn định, lúc nhiều lúc ít nên phần lớn các chị em chỉ ngồi vào khung dệt khi có người đặt hàng.

Vì nhiều lý do khác nhau, nghề dệt thủ công truyền thống của người Jrai đang ở trong tình trạng dần bị mai một. Chỉ có tình yêu của những người nghệ nhân như chị Rơ Lan Pel mới có thể thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống này và gúp nó không hoàn toàn biến mất giữa cuộc sống hiện đại đương thời.

Quốc Huy